Bộ Tài chính vừa chính thức ban hành Thông tư 37/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng.
Thông tư 37/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8 và thay thế Thông tư 188/2016/TT-BTC.
Từ ngày 1/8, thi sát hạch lái xe các hạng xe sẽ có mức phí mới tăng từ 10.000 đồng cho đến 50.000 đồng so với lệ phí thi hiện hành.
Theo đó, biểu mức thu phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng ban hành kèm theo Thông tư 37/2023/TT-BTC, phí sát hạch lái xe cơ giới các loại đã tăng so với Thông tư 188/2016/TT-BTC như sau:
Đối với thi sát hạch lái xe các hạng xe A1, A2, A3, A4, phí sát hạch lý thuyết sẽ là 60.000 đồng/lần, tăng 20.000 đồng so với mức cũ là 40.000 đồng/lần; sát hạch thực hành: 70.000 đồng/lần, tăng 20.000 đồng so mức cũ 50.000 đồng/lần.
Đối với thi sát hạch lái xe ô tô hạng xe B1, B2, C, D, E, F: Sát hạch lý thuyết là 100.000 đồng/lần, tăng 10.000 đồng so với mức cũ là 90.000 đồng/lần; sát hạch thực hành trong hình: 350.000 đồng/lần, tăng 50.000 đồng so với mức cũ là 300.000 đồng/lần; sát hạch thực hành trên đường giao thông: 80.000 đồng/lần, tăng 20.000 đồng so với mức cũ 60.000 đồng/lần; sát hạch lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông: 100.000 đồng/lần (mới quy định).
Lệ phí sát hạch lái xe cơ giới các loại theo Thông tư 37/2023/TT-BTC.
Mức thu phí sát hạch lái xe quy định tại thông tư này được áp dụng thống nhất trên cả nước (không phân biệt cơ quan thuộc Trung ương quản lý hay cơ quan thuộc địa phương quản lý). Người dự sát hạch để được cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ phần nào thì nộp phí sát hạch lái xe phần đó (tính theo lần sát hạch: sát hạch lần đầu, sát hạch lại).
Tổ chức thu phí phải nộp 100% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (NSNN). Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí do NSNN bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi NSNN theo quy định của pháp luật.
Các khoản lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng (phương tiện thi công), lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện giữ nguyên như hiện hành.
Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ, thì được trích để lại 75% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định; nộp 25% số tiền phí thu được vào NSNN.
Trường hợp tại những địa phương còn khó khăn về điều kiện vật chất, chưa xây dựng được trung tâm sát hạch đủ điều kiện vật chất nhưng được Bộ Giao thông vận tải cho phép sát hạch lái xe tại các trung tâm, bãi sát hạch cũ, tổ chức thu phí được trích để lại 40% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; nộp 60% số tiền phí thu được vào NSNN.