GĐXH - Trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy có hành vi tàng trữ, vận chuyển chất ma túy nhưng không chứng minh được họ biết đây là chất ma túy nên hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ không xử lý hình sự với các nữ tiếp viên hàng không.
Ngày 22/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ra quyết định trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines. Tuy nhiên, CQĐT cũng đã khởi tố vụ án "vận chuyển trái phép chất ma tuý" để làm rõ bản chất vụ việc, xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan theo quy định.
Trước đó, khoảng 8h45 phút ngày 16/3, thông qua công tác soi chiếu hàng hóa thường nhật, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tiến hành soi chiếu và nghi vấn một số hành lý của tiếp viên có mang chất cấm. Kết quả phát hiện trong hành lý của 4 tiếp viên có thuốc lắc và methamphetamine.
Cụ thể, kiểm tra 327 tuýp kem đánh răng (chưa mở nắp, nhiều nhãn hiệu khác nhau, mỗi tuýp được đựng trong một hộp giấy riêng lẻ) và 17 chai nước súc miệng trong hành lý của các tiếp viên, lực lượng chức năng tìm thấy 11,4kg thuốc lắc và ma túy tổng hợp, gồm 8.400 gram viên nén màu xám, 3.080 chất bột màu trắng, tất cả các mẫu thử đều là ma túy.
Trả lời báo chí, Trung tướng Tô Ân Xô- người phát ngôn Bộ Công an cho biết, căn cứ kết quả điều tra, ngày 21/3, các cơ quan chức năng đã họp, đánh giá toàn diện tài liệu, chứng cứ thu thập được và đối chiếu các quy định của pháp luật, bước đầu xác định: Khi 4 tiếp viên hàng không nêu trên đang lưu trú tại Pháp thì có 1 đối tượng người Việt Nam nhờ chuyển hàng tiêu dùng là 327 tuýp kem đánh răng, 17 chai nước súc miệng về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất, để gửi cho người nhà.
"Các tiếp viên không biết bên trong 327 tuýp kem đánh răng nhận vận chuyển, có 157 tuýp bị đối tượng trà trộn, cất giấu ma tuý, do vậy chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự những người này", Trung tướng Tô Ân Xô thông tin.
Số ma túy được giấu trong các hộp kem đánh răng bị bắt giữ. Ảnh: TL
Bình luận về việc trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định, các nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines có thể sẽ không bị xử lý về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy" nhưng vẫn sẽ bị xử lý về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cũng như kỷ luật của ngành hàng không.
Trường hợp không tìm ra đối tượng mua bán trái phép chất ma túy thì cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Trong quá trình điều tra vụ án, nếu không xác định được đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ tạm đình chỉ. Còn đối với những người khác trong đó bao gồm cả các tiếp viên hàng không, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật khác thì vẫn bị xử lý.
Việc trả tự do cho 4 nữ tiếp viên hàng không là do kết quả xác minh đã làm rõ họ không biết đây là chất ma túy. Tuy nhiên, việc này không phải là tình tiết để khép lại vụ việc, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn tiếp tục làm rõ ma túy là của đối tượng nào. Khi đó, đối tượng nhờ người vận chuyển trái phép chất ma túy về Việt Nam để bán sẽ bị xử lý hình sự về tội "Mua bán trái phép chất ma túy".
Với những tài liệu, chứng cứ đã được thu thập thì cơ quan điều tra hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hình sự về tội "Mua bán trái phép chất ma túy" để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật. Khi nào phát hiện, làm rõ danh tính của đối tượng thực hiện hành vi mua bán thì sẽ khởi tố bị can để xử lý.
Đối với các nữ tiếp viên hàng không, kết quả xác minh cho thấy lời khai của những người này là đúng, ý thức chủ quan của họ là vận chuyển trái phép hàng hóa là kem đánh răng để kiếm tiền chứ không biết đây là chất ma túy. Với nhận thức, hành vi như vậy thì không đủ căn cứ xử lý hình sự về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy".
Trong vụ việc này có dấu hiệu của hành vi vận chuyển hàng hóa qua biên giới, phải làm rõ việc xách tay hàng hóa qua biên giới này có vi phạm pháp luật hay không để xử lý theo quy định của pháp luật. Việc xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu hàng hóa, vận chuyển hàng hóa qua biên giới được pháp luật quy định rất chặt chẽ. Bất kỳ quốc gia nào cũng có quy định về việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, về hành vi vận chuyển hàng hóa tiền tệ qua biên giới.
Người nào không tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu hàng hóa, vận chuyển hàng hóa qua biên giới sẽ được xác định là hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, các tiếp viên có thể không bị xử lý hình sự về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy" nhưng vẫn sẽ bị xử lý theo quy định của ngành
Tiến sĩ Cường cũng cho rằng, nếu kết luận của cơ quan chức năng xác định số hàng hóa mà các nữ tiếp viên vận chuyển vào Việt Nam là không được phép (do không khai báo hải quan, quá số lượng, trọng lượng, giá trị mà pháp luật quy định...) thì hành vi này là vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Nếu loại hàng hóa được xác định là vận chuyển trái phép có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính thì những người này có thể bị xử lý hình sự về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới" theo quy định tại Điều 189 (BLHS 2015).
Bởi vậy, có thể các nữ tiếp viên không bị xử lý hình sự về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy" nhưng vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới" nếu như giá trị số hàng hóa này từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm.
Nếu trường hợp giá trị hàng hóa chưa đủ để xử lý hình sự về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới" thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt có thể đến 75.000.000 đồng theo quy định tại tại Điều 12, Nghị định 96/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 37/2022/NĐ-CP). Ngoài ra, hành vi của các nữ tiếp viên này còn vi phạm quy định của ngành hàng không nên sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, có thể mức cao nhất là buộc thôi việc.
"Hành vi trên rõ ràng là ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng không, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho bản thân, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của những người này và sẽ làm rõ những hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xử lý phù hợp với quy định của pháp luật", Tiến sĩ Đặng văn Cường chia sẻ.
Điều 189: Tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới".
1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, Kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành i quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191,192, 193, 194,, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm:
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
c) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.