Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nêu 5 nguyên nhân ngập lụt lịch sử ở Đà Nẵng đêm 14/10 và dự báo về tình hình thiên tai sắp tới.
Trận mưa lũ lịch sử đêm 14/10 khiến người dân TP. Đà Nẵng tổn thất nhiều tài sản giá trị. Ngày 15/10, nước lũ tại Đà Nẵng đã bắt đầu rút, nhưng một số khu dân cư được xem là "tâm lũ" vẫn chìm trong biển nước. Theo người dân tại địa phương chia sẻ, lũ lên quá nhanh khiến bà con nhân dân không kịp di dời tài sản, nên hầu hết đã bị nước lũ cuốn trôi hoặc nhấn chìm.
Căn nhà chị Phương đổ sập trong sự bất lực của gia đình. Ảnh Zing
Sau trận lũ này, người dân Đà Nẵng từ tiểu thương cho đến người lao động bình thường đều hứng chịu cảnh mất tài sản. Người thì bị hỏng hết hàng để bán, người thì may mắn thoát chết nhưng không giữ được căn nhà nhỏ của mình.
Trả lời Zing, chị Võ Thị Phương (ngụ tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) cho biết ám ảnh những gì đã trải qua trong cơn mưa đêm 14/10. Nhà chị Phương ở sườn núi, dễ xảy ra tình trạng ngập lụt mỗi khi bão đổ về quá nhanh. Sau khi sơ tán con nhỏ và mẹ già tới nơi an toàn, vợ chồng chị Phương trở về thì bất lực nhìn căn nhà đổ sụp hoàn toàn ngay trước mắt. Cả đêm qua, hai vợ chồng ôm nhau khóc, hoảng loạn thất thần khi nghĩ đến tất cả tài sản đã không còn nữa. Gia đình chị Phương chỉ là một trong hàng nghìn người bị thiệt hại nặng nề sau trận mưa lịch sử tối qua tại thành phố Đà Nẵng.
Sách vở cùng nhiều tài sản ở trường Tiểu học Hồng Quang ở đường Hoàng Văn Thái (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) bị hư hại nặng. Ảnh: báo Người lao động
Còn theo Dân trí, chị Ngọc Ánh (trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) sau lũ đã ra dọn lại khu hàng bán trái cây của mình. Thấy tài sản bị nước lũ làm hư hại, chị chỉ biết thở dài và nói: "Bao nhiêu năm cày cuốc, giờ mất trắng rồi chú ơi".
Nhặt những giỏ trái cây bị vùi lấp dưới bùn, chị Ánh kể, khoảng 21h tối 14/10, nước tràn vào, lũ lên quá nhanh, gia đình chị chỉ biết phá cửa "bỏ của chạy lấy người". Sáng nay quay về nhà thì thấy cảnh tượng "không thể tin nổi" khiến ai cũng đau lòng.
Chưa hết, ở các trường học, sau lũ tất cả những tài sản chung lẫn sách vở đều ngập trong bùn. Theo Người lao động, trưa 15-10, tại Trường Tiểu học Hồng Quang ở đường Hoàng Văn Thái (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), các thầy cô giáo trong trường phải tranh thủ đến thu dọn sau mưa lớn. Được biết, do trường ở khu vực thấp, mặc dù đã chuẩn bị kê cao đồ đạc nhưng nước tràn vào quá nhanh khiến mọi người không kịp trở tay.
Nhiều xe ô tô bị hư hại nặng do ngập trong nước lũ. Ảnh: Zing, Người lao động
Về nguyên nhân gây ra mưa lũ lịch sử tại Đà Nẵng, trả lời VietNamNet, Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết có 5 lý do.
Nhiều hình ảnh thiệt hại về tài sản của người dân sau trận mưa lũ lớn vào đêm 14/10.
Thứ nhất là tác động hình thế mưa điển hình ở miền Trung, tổ hợp đa thiên tai kết hợp của áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới và gió đông.
Lực lượng chức năng di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm do mưa lũĐỌC NGAY
Thứ 2, đặc điểm địa hình chắn gió ở miền Trung rất dễ gây mưa lớn khi có ảnh hưởng của không khí lạnh.
Thứ 3, mưa xảy ra trong thời đoạn ngắn với cường suất lớn. Thống kê ban đầu cho thấy lượng mưa trong 6 tiếng đồng hồ lên đến trên 500mm là rất lớn.
Thứ 4, trong tối và đêm 14/10, triều cường tại khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên, trong đó có TP Đà Nẵng ở mức cao đã làm chậm quá trình thoát lũ.
Thứ 5, thông thường tháng 10 và tháng 11 là thời kỳ khu vực miền Trung có mưa lớn nhất trong năm.
Chính những nguyên nhân nói trên đã khiến cả TP. Đã Nẵng hứng chịu trận mưa lũ lịch sử và gây ra thiệt hại lớn cả người lẫn của.
GiadinhNet - Miền Trung do ảnh hưởng của cơn bão số 5 sẽ bước vào cao điểm mưa lớn gây ngập úng và lũ lụt. Hà Nội và các tỉnh miên Bắc vẫn duy trì thời tiết nắng khô hanh.