5 mức phạt liên quan đến sổ đỏ
Theo Nghị định 123/2024/NĐ-CP, cá nhân hoặc tổ chức chuyển nhượng đất đai không có sổ đỏ hoặc tranh chấp sẽ bị phạt. Theo đó, có 5 mức phạt liên quan đến sổ đỏ. Cụ thể:
Không đăng ký đất đai lần đầu
Căn cứ khoản 1, khoản 3 Điều 16 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, nếu người sử dụng đất cố tình không thực hiện đăng ký đất lần đầu trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và buộc phải thực hiện việc đăng ký đất lần đầu theo đúng quy định.
- Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký;
- Thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê để sử dụng;
- Thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký;
Chậm sang tên sổ đỏ (không đăng ký biến động đất đai)
Theo khoản 2, khoản 3 Điều 16 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về mức phạt đối với hành vi chậm đăng ký biến động sau khi đã thực hiện công chứng nhà đất.
Mức phạt đối với hành vi chậm đăng ký biến động sau khi đã thực hiện công chứng nhà đất từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và buộc thực hiện việc đăng ký biến động đối với thửa đất.
Ngoài bị phạt tiền, người sử dụng đất còn bị buộc thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.

GĐXH - Thủ tục sang tên sổ đỏ từ bố mẹ sang con là vấn đề được khá nhiều người quan tâm trong chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế đất đai. Vậy bố mẹ muốn sang tên sổ đỏ cho con trong năm 2025 được quy định thế nào?

Theo Nghị định 123/2024/NĐ-CP, cá nhân hoặc tổ chức chuyển nhượng đất đai không có sổ đỏ hoặc tranh chấp sẽ bị phạt. Ảnh minh họa: TL
Chuyển nhượng đất không có sổ đỏ
Theo điểm c khoản 3 và khoản 4 Điều 17 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định mức phạt đối với hành vi cố tình chuyển nhượng đất không sổ đỏ như sau:
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi chuyển nhượng hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Ngoài bị phạt tiền, người sử dụng đất buộc phải khắc phục hậu quả:
a) Buộc bên nhận chuyển quyền, bên thuê, bên thuê lại phải trả lại đất cho bên chuyển quyền, cho thuê, cho thuê lại trừ trường hợp quy định tại điểm d, đ khoản này;
b) Buộc chấm dứt hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất;
c) Buộc nộp số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;
d) Buộc đăng ký đất đai đối với trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định;
đ) Buộc đăng ký đất đai đối với trường hợp không trả lại được đất do bên chuyển quyền là tổ chức đã giải thể, phá sản, cá nhân đã chết mà không có người thừa kế hoặc chuyển đi nơi khác mà được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm không xác định được địa chỉ và không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Luật Đất đai. Bên nhận chuyển quyền phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do bên chuyển quyền thực hiện hành vi vi phạm gây ra trước khi chuyển quyền.
Như vậy, đối với hành vi cố tình chuyển nhượng dù nhà đất không có sổ đỏ sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và buộc:
- Bên mua phải trả lại đất.
- Hợp đồng mua bán bị vô hiệu.
- Nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
- Buộc phải thực hiện việc đăng ký đất đai với trường hợp đất đủ điều kiện cấp sổ.
- Trường hợp bên bán là tổ chức đã giải thể, phá sản hoặc là cá nhân nhưng đã chết không có người thừa kế/chuyển đi nơi khác và cũng không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất: Bên mua phải thực hiện toàn bộ các biện pháp khắc phục hậu quả mà bên bán gây ra và buộc phải thực hiện đăng ký đất đai đối với mảnh đất đó.
Lưu ý: Mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân, nếu đối tượng thực hiện hành vi vi phạm là tổ chức thì sẽ bị phạt gấp 2 lần mức phạt với cá nhân là từ 60 - 100 triệu đồng và buộc phải thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục hậu quả.
Tự ý sửa thông tin trên sổ đỏ
Theo quy định tại khoản 1, 4, Điều 27 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, hành vi tự ý sửa chữa, tẩy xóa sổ đỏ sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị tịch thu sổ đỏ đã sửa chữa, tẩy xóa đó.
Theo điểm b khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, khi sổ đỏ đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng thì người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục cấp đổi sổ đỏ mới.
Dùng sổ đỏ giả để mua bán nhà đất
Theo khoản 3, 4, và 5 Điều 27 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, hành vi dùng sổ giả mua bán nhà đất sẽ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền sẽ tịch thu giấy tờ giả đã sử dụng và hủy bỏ toàn bộ kết quả thủ tục đăng ký biến động sử dụng hồ sơ giả khi chuyển nhượng.
Trường hợp có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì xem xét trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Lưu ý: Các mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân. Trường hợp hành vi vi phạm là do tổ chức thực hiện sẽ bị phạt mức tiền gấp 02 lần mức phạt với cá nhân (khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP).
Những thay đổi trong luật pháp đất đai năm 2025 ảnh hưởng đến các mức phạt?
Từ năm 2025, nhiều thay đổi trong Luật Đất đai sẽ ảnh hưởng đến các mức phạt liên quan đến hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Dưới đây là các điểm nổi bật:
Nâng cao mức phạt đối với các hành vi vi phạm
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đã quy định mức phạt cao hơn đối với nhiều hành vi vi phạm so với các quy định trước đây. Ví dụ: mức phạt đối với hành vi chuyển nhượng đất không có sổ đỏ đã tăng từ 3 triệu đồng lên 30 triệu đồng và có thể lên đến 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Minh bạch hóa tiêu chí và quy trình xử phạt
Luật Đất đai mới quy định rõ về các tiêu chí và quy trình áp dụng mức phạt, giúp cơ quan chức năng thực thi quyền lực một cách đồng bộ và nhất quán. Sự minh bạch trong quy trình này cũng giúp người dân hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình liên quan đến đất đai.
Quy định rõ về các biện pháp khắc phục
Luật mới không chỉ quy định về mức phạt mà còn chỉ rõ các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm. Ví dụ, bên vi phạm có thể bị buộc phải trả lại đất cho bên chuyển nhượng, hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng hoặc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm.
Khả năng áp dụng hình thức phạt bổ sung
Những hành vi nghiêm trọng có thể chịu hình thức phạt bổ sung, như tịch thu tài sản hoặc giấy tờ liên quan đến hành vi vi phạm. Điều này nâng cao tính răn đe và bảo vệ quyền lợi của nhà nước và cộng đồng.
Tăng cường liên kết giữa chính sách pháp luật và thực tế
Luật Đất đai mới cũng sẽ tạo điều kiện cho việc điều chỉnh chính sách phù hợp với tình hình thực tế, từ đó bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân cũng như sự phát triển bền vững của thị trường đất đai.

GĐXH - Theo Luật Đất đai 2024, "Tối thiểu bao nhiêu m2 thì được cấp sổ đỏ 2025" thì phải căn cứ vào từng trường hợp. Bạn đọc có thể tham khảo các thông tin chi tiết từ bài viết dưới đây.

GĐXH - 7 trường hợp không được cấp sổ đỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 151 của Luật Đất đai 2024. Đó là những trường hợp nào?