Tin khẩn cấp về bão số 3 - bão Wipha đang trong giai đoạn mạnh nhất

Vị trí, đường đi của bão số 3 lúc 13h 20/7. Ảnh: NCHMF
Trung tâm Khí tượng Thủy văn vừa phát thông báo khẩn về bão số 3. Theo đó, lúc 13 giờ ngày 20/7, vị trí tâm bão ở khoảng 21,9°N; 113,4°E, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách Quảng Ninh–Hải Phòng khoảng 630km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118–133km/h), giật cấp 15. Bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 20–25km/h.
Dự báo 24 giờ tới, bão ở khoảng 20,8°N; 108,9°E, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ. Cường độ cấp 11–12, giật cấp 15.
Đến 13h ngày 22/7 bão ở khoảng 20,2°N; 106,6°E, trên vùng ven biển Quảng Ninh – Thanh Hoá. Cường độ cấp 10–11, giật cấp 14.
Đến 13h ngày 23/7: Trên khu vực Thượng Lào, suy yếu dần thành vùng áp thấp.
Vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8–10, vùng gần tâm bão cấp 11–12, giật cấp 15. Sóng cao 5,0–7,0m, biển động dữ dội.
Bắc vịnh Bắc Bộ (Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Hòn Dấu) gió mạnh cấp 6–7, tăng lên cấp 8–9, vùng gần tâm bão cấp 10–11, giật cấp 14. Sóng cao 3,0–5,0m.
Nam vịnh Bắc Bộ (Hòn Ngư) gió mạnh cấp 6–7, vùng gần tâm bão cấp 8–9, giật cấp 11. Sóng cao 2,0–4,0m.
Cơ quan khí tượng cảnh báo tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao gặp dông, lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.
Vùng ven biển Hải Phòng – Quảng Ninh có nguy cơ ngập úng do nước dâng bão từ 0,5–1,0m, tổng mực nước 4,0–5,0m vào trưa – chiều 22/7.
Từ tối và đêm 21/7, ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7–9, gần tâm bão cấp 10–11, giật cấp 14. Trong đất liền gió cấp 6–7, giật cấp 8–9.
Từ 21–23/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hoá, Nghệ An mưa to đến rất to (200–350mm, có nơi >600mm). Bắc Bộ và Hà Tĩnh mưa vừa – to (100–200mm, có nơi >300mm).
Thời điểm miền Bắc xuất hiện không khí lạnh gây rét đậm, rét hại mùa Đông 2025

Không khí lạnh được dự báo bắt đầu hoạt động từ tháng 9–10/2025 và gia tăng cường độ từ tháng 11 (ảnh minh họa).
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa công bố bản tin dự báo khí hậu toàn quốc từ tháng 8/2025 đến tháng 1/2026.
Theo đó, trong giai đoạn này, ENSO duy trì trạng thái trung tính trong phần lớn thời gian, nhưng các hình thái thời tiết cực đoan như bão, rét đậm, nắng nóng… vẫn có xu hướng diễn biến phức tạp, cần đặc biệt lưu ý.
Không khí lạnh được dự báo bắt đầu hoạt động từ tháng 9–10/2025 và gia tăng cường độ từ tháng 11. Bắc Bộ có khả năng xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại diện rộng từ nửa cuối tháng 12/2025, mức độ tương đương trung bình nhiều năm. Các vùng núi cao cần đề phòng hiện tượng sương muối và băng giá.
Dự báo từ tháng 8/2025 đến tháng 1/2026, trên Biển Đông có khoảng 8–11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó 4–5 cơn có thể ảnh hưởng đến đất liền. Bão tập trung vào nửa cuối mùa mưa bão và có xu hướng tác động nhiều đến khu vực Trung Bộ. Không loại trừ khả năng xuất hiện bão hoặc áp thấp nhiệt đới trái mùa trong tháng 1/2026 tại vùng Nam Biển Đông.
Nắng nóng năm 2025 sẽ kéo dài đến hết tháng 8 tại Bắc Bộ, Trung Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ, sau đó suy giảm. Tuy nhiên, dự báo năm 2026, nắng nóng sẽ khởi phát sớm hơn: Nam Bộ có thể xuất hiện từ đầu tháng 3, còn Bắc Bộ và Trung Bộ bắt đầu từ tháng 4. Số ngày nắng nóng và mức độ gay gắt được dự báo cao hơn cùng kỳ năm 2025.
Lượng mưa trong các tháng 8–10/2025 được dự báo xấp xỉ trung bình nhiều năm. Một số khu vực như ven biển Đông Bắc Bộ, Phú Thọ, Thanh Hóa và từ Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi có thể cao hơn 20–40%. Từ tháng 11/2025 đến tháng 1/2026, lượng mưa tại Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Trị, Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng thiếu hụt 5–15%, trong khi Huế đến Quảng Ngãi và một số nơi ở Nam Trung Bộ có thể mưa nhiều hơn 5–15%.
Khả năng tác động đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, các hoạt động kinh tế-xã hội: Bão, ATNĐ và gió mùa Đông Bắc gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông; hiện tượng mưa lớn và dông, lốc, sét có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng. Rét đậm, rét hại, sương muối, băng giá…ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và cây trồng, vật nuôi…