Theo các tài liệu, năm 1558, Nguyễn Hoàng đến đóng dinh cồn cát xã Ái Tử, huyện Vũ Xương (nay huyện Triệu Phong). Sau chuyến ra Bắc (1569), Nguyễn Hoàng trở lại Thuận Hóa và quyết định di chuyển đến Trà Bát.
Sau 68 năm tồn tại, xây dựng, di sản thời các chúa Nguyễn tại tỉnh Quảng Trị chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, là những bằng chứng vật chất phản ánh trung thực đời sống vật chất, tinh thần của một thời kỳ lịch sử dân tộc.
Các chuyên gia khảo sát địa điểm trong hệ thống di tích chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong.
Hệ thống dinh, phủ, các di tích về tín ngưỡng gắn liền với quá trình trị vì, sinh sống và hoạt động thời chúa Nguyễn còn lại có giá trị vô cùng đặc sắc về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật kiến trúc, tôn giáo, tín ngưỡng...
Để phát huy giá trị, UBND huyện Triệu Phong (Quảng Trị) vừa công bố quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia "Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626)".
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết, phạm vi lập quy hoạch gồm 10 di tích, địa điểm di tích và 4 công trình đề nghị xếp hạng bổ sung thuộc các xã Triệu Ái, Triệu Giang, thị trấn Ái Tử với tổng quy mô rộng 33,3ha.
Diện tích khu vực bảo vệ di tích 9,45 ha, diện tích kiến nghị bổ sung khoanh vùng bảo vệ 1,75 ha (gồm 4 công trình đền thờ Nguyễn Ư Dĩ, giếng thờ, phủ thờ, lăng mộ người Việt cổ)...
Quy hoạch tiến hành lựa chọn những điểm di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tương đối đầy đủ các căn cứ để phục hồi di tích nhằm thấy được quy mô và tái hiện hình ảnh một "khu đô thị quân sự" - một đại bản doanh của Chúa Nguyễn Hoàng thuở xưa.
Phối cảnh quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử quốc gia "Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn" tại huyện Triệu Phong.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong, quy hoạch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm bảo tồn, tôn tạo và phục hồi các yếu tố mang thuộc tính lịch sử gốc của di tích.
"UBND huyện đề xuất bố trí 20 tỷ đồng vốn trung hạn 2026 - 2030 để thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đối với xây đền thờ chúa Nguyễn Hoàng, dự kiến sẽ thực hiện kêu gọi xã hội hoá. Chúng tôi nỗ lực để năm 2025 - kỷ niệm 500 năm ngày sinh chúa Nguyễn Hoàng sẽ khởi công được đền thờ ngài", ông Nguyễn Thành Vũ nói.
Di tích điện Thoại Thánh ra sao trước khi được trùng tu hàng chục tỷ đồng?ĐỌC NGAY
Lãnh đạo UBND huyện Triệu Phong chia sẻ, việc bảo tồn, tôn tạo, phục hồi di tích thể hiện sự trân trọng công lao của các bậc tiền nhân trong quá trình mở mang bờ cõi cũng như tạo không gian lưu niệm lịch sử, tôn vinh, tưởng niệm về thời kỳ lịch sử các chúa Nguyễn.
Bên cạnh đó, tạo ra một khu du lịch mang tính chất lịch sử, văn hóa để kết nối với những di tích lịch sử văn hóa hiện có ở vùng phụ cận. Đa dạng, phong phú hơn sản phẩm du lịch Quảng Trị không chỉ phục vụ cho việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, nghiên cứu khoa học mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống dân sinh.
GĐXH - Sau 2 năm phê duyệt nhưng chưa thể triển khai, dự án tu bổ di tích Văn Miếu được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế điều chỉnh chủ trương đầu tư lên hơn 132 tỷ đồng.