Gặp nạn trong ngày giỗ bà nội
Ba năm qua, câu chuyện về nam thanh niên Lê Thanh Nghị (SN 1995, trú tại thôn Xuyên Hử, xã Đông Xuyên, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) hiến tạng cứu giúp nhiều bệnh nhân trước khi qua đời khiến người dân nơi đây cảm phục.
Thắp nén hương nên bàn thời người con trai xấu số, ông Lê Thanh Cương (SN 1949) vẫn không thể nguôi ngoai mặc dù nỗi đau ấy đã xảy ra 3 năm trước. Mỗi khi Tết đến Xuân về khi thấy các gia đình đầm ấm, sum vầy thì vợ chồng ông lại tủi thân. Ông nghẹn ngào:"Trước đây, mỗi khi đón Tết, gia đình tôi đông vui khi các con, cháu đều quây quần sum họp. Nhưng 3 năm nay thì buồn lắm mà không biết đến lúc nào gia đình mới nguôi ngoai được. Mặc dù con tôi không còn trên cõi đời này nữa nhưng sự sống của cháu vẫn hiện hữu đâu đây khi đã hiến tạng cứu các bệnh nhân trước khi qua đời. Đó là điều mà gia đình tôi luôn tự hào".
Ba năm qua, nỗi đau mất con trai duy nhất của gia đình ông Lê Thanh Cương không thể nguôi ngoai. Ảnh: Đ.Tùy
Nhìn di ảnh con, ông Cương không khỏi xót xa, nhớ lại ngày định mệnh của người con trai xấu số, cũng là ngày giỗ mẹ ông. Theo lời ông kể, chiều 1/3/2020, gia đình ông cùng anh em, con cháu tổ chức đám giỗ cho mẹ (bà nội anh Nghị) và trước khi ăn cơm, con trai ông đã cất xe máy vào nhà. Sau đó có người bạn cùng thôn rủ con trai ông đi chơi. Dù vợ chồng ông Cương cùng người thân khuyên nhủ nên ở nhà, nhưng con trai nói đi một lát rồi về. Tiếp đó, anh Nghị đi xe máy ra cầu Ràm (xã Tân Hương, cùng huyện Ninh Giang) và đến khi quay về đến đoạn đường thôn Đông Cao (cùng xã Đông Xuyên) không may gặp tai nạn.
Ông Cương nói: "Nhận tin con gặp nạn từ người thân thông báo, gia đình tôi chết lặng. Ngay sau đó, chúng tôi đến khu vực xảy ra sự việc đưa con đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Vết thương của con nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Đức ngay trong đêm…".
Giữ kín chuyện con trai hiến tạng để tránh lời ra, tiếng vào
Đến lúc này gia đình ông Cương không tin con trai út đã mất và trong quãng thời gian đầu, nỗi đau, sự dằn vặt rồi những dư luận không hay đến từ người đời khiến vợ chồng ông suy nghĩ. Nhưng ông tin, việc con trai nhường một phần sự sống trước khi qua đời cho những người cùng cảnh ngộ là quyết định đúng đắn.
Ông Cương kể: "Hôm đó là ngày 5/3/2020, tôi đang ở nhà thì nhận được điện thoại từ con rể lớn gọi từ Hà Nội về nói: "Ngày mai bố lên bệnh viện gấp để truyền máu cho Nghị làm phẫu thuật". Sáng sớm hôm sau, tôi bắt ô tô lên tới bệnh viện thì mới biết sự việc. Lúc này, con rể có thông tin cho tôi về tình trạng sức khỏe cũng như tiên lượng xấu và đặt vấn đề hiến tạng của Nghị cho y học.
Trước khi con trai qua đời, ông Lê Thanh Cương đồng ý ký vào biên bản giấy hiến tạng để cứu những bệnh nhân cùng cảnh ngộ. Ảnh: Đ,Tùy
Tôi suy nghĩ rất nhiều và nhận thấy rằng, con mình còn trẻ, gặp nạn không thể cứu chữa, trong khi còn biết bao bệnh nhân đang cần sự sống. Sau đó, tôi đã đồng ý và ký vào giấy hiến tạng. Đây là việc nghĩa mang lại sự hồi sinh cho nhiều người và trước khi quyết định, gia đình chúng tôi không hề nghĩ đến danh lợi mà chỉ mong nhiều người bệnh được cứu sống khi con mình nằm xuống".
Từ trước đến nay, trên địa bàn huyện Ninh Giang nói chung và xã Đông Xuyên nói riêng chưa có trường hợp nào hiến tạng cho y học nên sự hiểu biết của người dân về việc này còn hạn chế. Do đó, từ khi gia đình đăng ký đến lúc anh Nghị qua đời và hoàn thiện việc hiến tặng tạng, gia đình ông Cương đều giấu kín để tránh lời ra tiếng vào. Chỉ đến ngày làm Lễ truy điệu cho con, gia đình ông mới công bố nghĩa cử cao đẹp này với dân làng...
Mong ước của người cha cựu binh
Ông Lê Thanh Cương là cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và mang thương tật của chiến tranh. Sau khi xây dựng với bà Phạm Thị Sửu (xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ, cùng tỉnh Hải Dương), vợ chồng ông sinh được 4 người con; trong đó anh Nghị là con trai út. Khi tốt nghiệp THPT, anh Nghị theo học tại một trường trung cấp, sau đó đi làm công nhân. Bao nhiêu tình yêu thương, niềm hi vọng vợ chồng ông đều đặt vào người con trai út. Tuy nhiên, tai họa bất ngờ đổ xuống khiến vợ chồng ông như chết lặng.
Bà Phạm Thị Sửu-mẹ anh Lê Thanh Nghị vẫn không tin con trai đã ra đi mãi mãi. Ảnh: Đ.Tùy
Cũng theo bà Sửu, từ khi con trai thực hiện việc hiến tạng, gia đình luôn cầu cho những người nhận được sự sống của con trai gặp may mắn và mong tìm gặp lại những này. Việc tìm gặp không phải để họ hàm ơn, trả nghĩa mà gia đình muốn tìm lại hình bóng con trai cũng như sức khỏe của những người may mắn đang lưu giữ sự sống của con trai hiện thế nào…
"Đến thời điểm này, đã có 3 người nhận được sự sống của con trai tôi tìm về gia đình. Trong đó có 2 người được ghép thận là nam thanh niên 18 tuổi ở tỉnh Phú Thọ; người phụ nữ 61 tuổi ở Hà Nội và người đàn ông 54 tuổi tỉnh Ninh Bình nhận được gan của con tôi. Khi những người may mắn nhận được một phần sự sống của con tôi tìm về gia đình ai cũng vui mừng, xúc động khi thấy họ khỏe mạnh", bà Sửu nói.
Việc làm nhân văn, cao đẹp của anh Lê Thanh Nghị được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân. Ảnh: Đ.Tùy
Cho chúng tôi xem Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân do Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng con trai vào cuối tháng 12/2020, ông Cương bùi ngùi xúc động, đan xen nỗi lòng thương nhớ, tự hào về nghĩa cử cao đẹp hiến tạng cứu người trước khi qua đời người con trai út xấu số.
"Hiện tại còn tim, giác mạc… của con trai tôi thì gia đình chưa biết ai đã nhận được và liệu có tương thích với cơ thể họ không?. Tôi biết, mất con là đau xót và con trai tôi không còn trên cõi đời này nữa, nhưng sự sống của cháu thì vẫn hiện hữu đâu đây khi mang lại sự sống cho nhiều người", ông Cương tâm sự.