Sinh ra trong một gia đình có 3 anh em tại TP Vinh (Nghệ An), Nguyễn Ngô Đức sớm bộc lộ tư chất thông minh và niềm say mê học tập. Từ những ngày nhỏ, vì mẹ đi dạy xa, cách nhà gần 30km, bố lại thường xuyên đi công trình nên mấy anh em Đức chủ yếu được ông bà chăm sóc.
Không chấp nhận quá khứ
Trước thềm Kỳ thi Olympic Hóa học Mendeleev diễn ra tại Brazil, Nguyễn Ngô Đức, học sinh nằm trong tốp 6 của đội tuyển Olympic Hóa học Quốc gia, bất ngờ nhận thêm một tin vui khi em được Hội Hóa học Việt Nam chọn tham dự Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Abu Rayhan Biruni tổ chức tại Uzbekistan.

Nguyễn Ngô Đức giành 2 Huy chương Bạc và Vàng tại Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev.
Thông tin này khiến cả Đức và gia đình không khỏi băn khoăn. Bởi năm học trước, em từng tham dự Kỳ thi Olympic Hóa học Mendeleev và giành được huy chương Bạc, một thành tích ấn tượng. Lần này, nếu chọn Uzbekistan, con đường "đổi màu huy chương" có vẻ sẽ rộng mở hơn. Tuy nhiên, với tinh thần không ngừng thử thách bản thân, Đức quyết định tiếp tục đến với Mendeleev nơi được mệnh danh là "Kỳ thi Olympic Hóa học khó nhất hành tinh".
"Em muốn đối diện với thử thách lớn hơn, bởi mục tiêu lần này của em là giành Huy chương Vàng", Đức chia sẻ.
Tuy vậy, con đường đến đích không hề dễ dàng. Trong lần thứ hai "chinh chiến" ở đấu trường này, Đức phải cạnh tranh với hơn 190 thí sinh xuất sắc đến từ 40 quốc gia. Hơn nữa, đề thi Mendeleev vốn được xây dựng theo chương trình phổ thông của Nga - điều tạo nên không ít khác biệt và trở ngại cho những thí sinh quốc tế như Việt Nam.
Kể về trải nghiệm tại Kỳ thi Olympic Hóa học Mendeleev 2025, Nguyễn Ngô Đức nói, hơn 35 tiếng di chuyển bằng máy bay, cộng thêm lệch múi giờ giữa Việt Nam và Brazil khiến cả đội tuyển Việt Nam gần như kiệt sức khi vừa đặt chân tới TP Belo Horizonte.

Nguyễn Ngô Đức trong phút giây giành chiến thắng tại Kỳ thi "Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev". Ảnh: GĐCC
"Em bước vào vòng thi lý thuyết đầu tiên trong tình trạng thiếu ngủ, khó tập trung như các kỳ thi trước", Đức nhớ lại. Chỉ đến khi sang vòng lý thuyết thứ hai và đặc biệt là vòng thi thực hành, em mới dần lấy lại được sự tự tin vốn có và thể hiện tốt hơn. Mỗi vòng thi kéo dài liên tục suốt 5 tiếng đồng hồ với hàng loạt bài toán hóa học phức tạp, trải dài ở nhiều lĩnh vực, đòi hỏi khả năng tư duy tổng hợp và ứng dụng kiến thức vào thực tế.
Theo Đức, đề thi năm nay thực sự "khó nhằn" hơn hẳn những mùa trước. "Khó để làm trọn vẹn một bài thi vì nhiều câu hỏi mang tính ứng dụng rất cao buộc chúng em phải vận dụng nhiều mảng kiến thức một cách linh hoạt", Đức chia sẻ. Dù chưa thật sự hài lòng với phần thể hiện của mình nhưng em vẫn tin rằng bản thân đã nỗ lực đến tận cùng.
Một điều khiến kỳ thi thêm phần kịch tính là thí sinh không hề biết trước kết quả. Tất cả phải chờ đến đêm chung kết, được tổ chức trang trọng và truyền hình trực tiếp. Không chỉ đội tuyển Việt Nam hồi hộp theo dõi tại Brazil, mà tại quê nhà, gia đình Nguyễn Ngô Đức cũng gần như "nín thở" chờ đợi.

Nguyễn Ngô Đức cùng đoàn giáo viên và học sinh tham gia Kỳ thi "Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev". Ảnh: GĐCC
Chị Ngô Thị Thanh Hương, mẹ của Đức tâm sự, các con ít chia sẻ sau khi thi nên không rõ bài làm thế nào. "Khi hai bạn trong đội tuyển Việt Nam được xướng tên nhận Huy chương Bạc, cả nhà hồi hộp. Nhưng rồi, khi chưa thấy tên Đức, chúng tôi bắt đầu hy vọng con đã đạt được điều lớn hơn", chị Hương kể.
Đêm trao giải Olympic Hóa học Mendeleev 2025 đã trở thành khoảnh khắc khó quên với Nguyễn Ngô Đức và cả đội tuyển Việt Nam. Khi tên em được xướng lên ở hạng mục Huy chương Vàng, hình ảnh cậu học sinh Việt Nam giơ cao lá cờ đỏ sao vàng, chạy băng qua khán đài để tiến lên sân khấu, đã khiến khán phòng vỡ òa trong tiếng vỗ tay chúc mừng. Khoảnh khắc ấy cũng được hàng trăm thầy cô, bạn bè và người thân từ quê nhà dõi theo đầy tự hào và xúc động. "Em đã vỡ òa trong hạnh phúc. Đó là cảm giác không thể diễn tả được", Đức kể lại.
Chiến thắng ấy không chỉ góp thêm một mốc son cho đội tuyển Việt Nam trên đấu trường quốc tế, mà còn là thành quả xứng đáng cho hành trình ba năm bền bỉ, nỗ lực không ngừng nghỉ của Đức tại ngôi trường THPT chuyên Phan Bội Châu. "Lần này em đã vượt qua được chính mình", Đức nói với giọng đầy tự hào.
Con đường đến tấm Huy chương Vàng danh giá
Hành trình 12 năm đèn sách, từ mái trường tiểu học đến Trường THCS Đặng Thai Mai, rồi tiếp nối tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nguyễn Ngô Đức luôn là học trò nổi bật không chỉ bởi thành tích mà còn bởi ý thức tự học hiếm có. Đức chia sẻ, em chịu ảnh hưởng lớn từ sự nghiêm khắc của mẹ - cô Ngô Thị Thanh Hương, giáo viên dạy Toán cấp III.
"Mẹ không tạo áp lực với việc học nhưng luôn yêu cầu em phải học tập nghiêm túc, làm đến nơi đến chốn", Đức kể.

Nguyễn Ngô Đức cùng đoàn giáo viên và học sinh tham gia Kỳ thi "Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev". Ảnh: GĐCC
"Tôi chỉ mong con phát huy được hết khả năng của mình. Kỷ luật là điều tôi luôn nhắc nhở để con biết quý trọng thời gian và công sức", chị Hương chia sẻ.
Lớn lên trong môi trường giáo dục, Đức sớm hình thành tính tự giác, chăm chỉ và nề nếp. Ngay từ năm lớp 9, em đã đạt thủ khoa môn Hóa trong Kỳ thi Học sinh giỏi TP Vinh, đồng thời giành giải Ba cấp tỉnh. Bước vào lớp 10 chuyên Hóa của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Đức trở thành Á khoa.
Trong suốt 3 năm THPT, Đức là một trong số rất ít học sinh của khóa K51 tham gia 2 kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia liên tiếp (lớp 11 và 12) và đều đạt giải Nhất. Đây là tấm vé vàng giúp em lọt vào vòng 2 tuyển chọn đội tuyển Olympic Quốc gia.
Thế nhưng, dù có nền tảng tốt và kỳ vọng lớn, 2 lần tham gia chọn đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế, Đức đều không đạt kết quả như mong đợi, để lại không ít tiếc nuối cho chính em, thầy cô và gia đình. Những lúc ấy, mẹ luôn là người âm thầm bên cạnh, động viên em tiếp tục đứng lên.

Nguyễn Ngô Đức bên gia đình và thầy cô trong Lễ đón Đội tuyển Việt Nam tham dự Kỳ thi "Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev". Ảnh: GĐCC
Không để bản thân gục ngã trước thất bại, Đức tự nhủ: "Thua keo này, ta bày keo khác". Và khi cơ hội tham dự Olympic Hóa học Mendeleev đến, em quyết tâm để lần này không còn điều gì phải tiếc nuối.
Giành 2 tấm Huy chương Bạc và Vàng tại Kỳ thi Olympic Hóa học Mendeleev, cuộc thi được mệnh danh là "khó nhất thế giới", Nguyễn Ngô Đức chia sẻ, điều quý giá nhất không chỉ là thành tích mà là việc em đã tìm lại được niềm tin cho chính mình.
Phía sau ánh hào quang ấy là ngày tháng âm thầm miệt mài ôn luyện, là những đêm trắng với công thức, phản ứng và bài tập không hồi kết; là những chuyến tàu chạy xuyên đêm giữa Vinh - Hà Nội trong giai đoạn nước rút; là hình bóng của thầy cô, của ngôi trường THPT chuyên Phan Bội Châu nơi nuôi dưỡng ước mơ và của gia đình âm thầm tiếp sức giúp Đức vượt qua được thành tích cũ của mình.
Học sinh Việt Nam đoạt 8 huy chương tại Olympic Vật lý châu Á
Anh em sinh đôi Hiền - Hậu cùng giành Huy chương Vàng Olympic Toán
Theo thầy Lê Văn Tú, Chủ nhiệm Đội tuyển Hóa học của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Olympic hóa học Mendeleev là kỳ thi khốc liệt, quy tụ 192 thí sinh đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là các nước có truyền thống, đầu tư bài bản trong bộ môn hóa học. Song, với sự tự tin, bản lĩnh và kiến thức tốt, Nguyễn Ngô Đức đã xuất sắc giành Huy chương Vàng.
Thầy Tú nhận xét Đức là học trò thông minh, chăm chỉ, chắc chắn và cá tính. Điểm mạnh của cậu là tiếp thu nhanh kiến thức, không bỏ cuộc khi gặp bài tập khó và ghi chép bài khoa học, logic, tiết kiệm thời gian ôn tập.
"Đức luôn giữ tâm lý thoải mái, không bị áp lực thành tích. Vì thế, khi em giành được giải Nhất Học sinh giỏi Quốc gia từ năm lớp 11, chúng tôi đã không bất ngờ. Đức còn là học sinh có nghị lực, dù có những kỳ thi không thành công nhưng em chưa bao giờ mất ý chí cố gắng. Tôi cho rằng, tấm Huy chương Vàng mà Đức có được ở kỳ thi năm nay không chỉ đơn thuần dừng lại ở một cuộc thi. Quan trọng hơn, đó chính là tấm huy chương của bản lĩnh, dám thử thách, dám vượt qua chính mình" - thầy Lê Văn Tú chia sẻ.
"Kỳ thi hóa học khó nhất hành tinh"
Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev được xem là một trong những đấu trường học thuật danh giá và khốc liệt nhất dành cho học sinh trung học phổ thông đam mê hóa học. Với độ khó vượt trội, kỳ thi thường được mệnh danh là "kỳ thi hóa học khó nhất hành tinh".
Năm 2025, cuộc thi quy tụ 192 thí sinh ưu tú đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những cường quốc giáo dục như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản… Thí sinh phải vượt qua 3 vòng thi liên tiếp trong 3 ngày, gồm 2 vòng lý thuyết và 1 vòng thực hành; mỗi vòng kéo dài liên tục trong 5 giờ.
Chỉ 60% thí sinh có cơ hội được trao huy chương, với tỷ lệ phân chia giải thưởng Vàng : Bạc : Đồng là 1 : 2 : 3 - một tỉ lệ thể hiện rõ mức độ cạnh tranh khốc liệt.
Không chỉ kiểm tra trình độ chuyên môn sâu rộng, kỳ thi còn là nơi phát hiện và bồi dưỡng các tài năng khoa học trẻ, đồng thời tạo cầu nối giao lưu và hợp tác học thuật giữa các quốc gia trên thế giới.
Thành tích xuất sắc của đoàn học sinh Việt Nam tại kỳ thi năm nay một lần nữa khẳng định năng lực, trí tuệ và bản lĩnh hội nhập vững vàng của thế hệ học sinh Việt trên đấu trường quốc tế.

Ngày 11/5, Bộ GD&ĐT thông tin, đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Vật lý Châu Á (APhO) năm 2025 được tổ chức tại Ả rập Xê út đã thắng lớn với 8 huy chương.