ba-vang-3-copy-15535193807601375329472.jpg

Việc “thỉnh vong giải nghiệp” ở chùa Ba Vàng được xác định đã diễn ra từ lâu.

Sau “tâm bão”, bà Yến biến mất bí ẩn

Từ khi khánh thành vào tháng 3/2014, chùa Ba Vàng (TP Uông Bí, Quảng Ninh) trở thành một cơ sở thờ tự lớn nổi tiếng, thường xuyên hội tụ Phật tử và du khách khắp nơi tìm về chiêm bái.

Gần đây, vấn đề gây bức xúc dư luận về nguồn thu bất chính của chùa Ba Vàng liên quan đến một phụ nữ có tên Phạm Thị Yến (Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán). Mặc dù, không giữ bất cứ chức sắc gì trong chùa, nhưng bà Yến thường xuyên xuất hiện trong các ấn phẩm truyền bá của chùa Ba Vàng, rao giảng những điều hoang đường, phản khoa học cho hàng nghìn Phật tử.

Trên danh nghĩa chủ nhiệm một CLB tu tập nhưng bà Yến đã phát triển các đạo tràng, thu hút hàng chục ngàn người đến chùa Ba Vàng “thỉnh vong”, “giải oán” mỗi năm. Tận dụng các kênh truyền thông như YouTube, Facebook và cả một website mang tên mình, bà Yến rao giảng những câu chuyện hoang đường về nguồn gốc của mọi loại tai họa trong cuộc sống, rồi đưa ra lý giải phản khoa học, kiểu như: Tất cả mọi sự vật, hiện tượng bất ưng trên đời đều do tiền kiếp và các vong linh báo oán gây ra. Theo đó, để giải quyết những tai vạ trong cuộc sống do bị phi nhân làm hại, người thỉnh phải cúng dường cho vong từ vài triệu đến cả chục triệu đồng. Nếu không có đủ khả năng tài chính, người thỉnh phải ở lại làm không công (công quả) cho nhà chùa.

Xuất hiện ở chùa Ba Vàng với tư cách là một Phật tử, chỉ ít lâu sau, bà trở thành người đứng đầu của một đạo tràng. Cùng với những lý luận “ma quỷ” nhập hồn, tiền kiếp, giải nghiệp, bà Yến trở thành người có tiếng nói, “uy lực” chỉ đứng sau sư trụ trì Thích Trúc Thái Minh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, bà Phạm Thị Yến sinh năm 1970, nguyên quán tại xã Đồng Tiến, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Sau đó, gia đình bố mẹ đẻ của bà Yến chuyển đến ở tại Cột 2, phường Hồng Hải, TP Hạ Long sinh sống. Năm 1989, bà Yến kết hôn với ông P.V.Đ ở Tổ 13, P. Hồng Hải, TP Hạ Long.

Theo những người quen của bà Yến, trước đây bà làm nghề thợ may ở chợ Hạ Long. Trong thời gian làm thợ may, bà Yến còn là một thầy cúng. Những năm gần đây, khi bà lên chùa Ba Vàng và đột nhiên trở thành “người nổi tiếng” với biệt danh “Yến bắt ma”.

Trao đổi với đại diện UBND phường Hồng Hải được biết, bà Phạm Thị Yến đã ly hôn với chồng từ năm 2017 và người này cũng đã cắt khẩu khỏi địa phương. Nói về quan hệ hàng xóm và nhân thân, đại diện UBND phường Hồng Hải cũng cho biết thêm, tại địa phương bà Yến không vi phạm pháp luật và chưa có tai tiếng gì. Chồng cũ bà Yến là người hiền lành, đang làm nghề chạy xe ôm tại TP Hạ Long.

Qua tìm hiểu được biết trong thời gian làm thủ tục ly hôn với chồng, bà Yến đã chuyển lên ở hẳn tại chùa Ba Vàng cho đến nay, cũng từ đây bà Yến được biết đến như một “pháp sư” chuyên “bắt ma, giải nghiệp”.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên, kể từ ngày xảy ra sự việc tại chùa Ba Vàng, bà Yến không còn xuất hiện ở chùa này nữa. Đặc biệt, bà Yến là người luôn rao giảng về “vong báo oán” tại chùa Ba Vàng, nhưng trong các buổi làm việc của chính quyền với chùa này đều không hề có sự xuất hiện của bà này.

Trao đổi với báo chí, đại diện UBND xã Đồng Tiến (Khoái Châu, Hưng Yên) cho hay, trước đây bố đẻ của bà Yến ở địa phương nhưng sau đó ra Quảng Ninh sinh sống. “Mấy ngày qua, người dân ở xã chúng tôi đang rất bức xúc về thông tin liên quan đến bà Phạm Thị Yến nhưng thực tế, bà này chỉ là nguyên quán ở đây còn chưa bao giờ sinh sống ở địa phương cả”, vị lãnh đạo UBND xã nói.

Trước đó, ngày 22/3, UBND TP Uông Bí đã đề nghị Công an thành phố triệu tập bà Phạm Thị Yến để làm rõ các hoạt động “cầu vong, giải nghiệp” diễn ra tại chùa Ba Vàng. Nhưng cho đến nay, thông tin bà Yến bị công an triệu tập vẫn chỉ là đề nghị từ phía UBND TP Uông Bí. Trước sự vắng mặt “bí ẩn” của bà Phạm Thị Yến, Công an TP Uông Bí cho hay sẽ cho cán bộ kiểm tra.

Xem xét kỷ luật trụ trì chùa Ba Vàng

ba-vang-1-copy-15535193807571849540330.jpg

Khác xa những ngày thường, sau “bão” dư luận việc Ba Vàng truyền bá “vong báo oán”, lượng khách đến chùa đã giảm mạnh. Ảnh: PV

Liên quan đến vụ chùa Ba Vàng “thỉnh vong, gọi hồn thu trăm tỷ” như báo chí đưa tin, chiều 25/3, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết vừa nhận được báo cáo của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh về tình hình liên quan đến chùa Ba Vàng.

Báo cáo do Đại đức Thích Đạo Hiển - Phó Trưởng ban, Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh ký khẳng định, các hiện tượng trên tại chùa Ba Vàng đã xảy ra từ lâu. Ngày 26/8/2015, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã có công văn số 125/CV-BTS gửi Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tăng sự Trung ương xin ý kiến chỉ đạo và gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban Tôn giáo – Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh, UBND TP Uông Bí và Phòng Nội vụ TP Uông Bí đề nghị phối hợp giải quyết một số vấn đề, trong đó có vấn đề báo chí nêu.

Trong các cuộc họp thường kỳ của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh có sự tham gia của các cơ quan ban, ngành tỉnh Quảng Ninh, tập thể Ban Trị sự và nhiều thành viên đã thường xuyên có ý kiến góp ý chân thành về vấn đề này với Đại đức Thích Trúc Thái Minh - Trụ trì chùa Ba Vàng.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, tình hình vẫn không tiến triển, thậm chí còn có nhiều ý kiến quy chụp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh mất đoàn kết nội bộ, ganh tỵ với chùa Ba Vàng(?). Mặc dù vậy, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh vẫn rất tích cực, kiên trì trong việc động viên, nhắc nhở trụ trì và tăng ni, Phật tử chùa Ba Vàng tu học đúng giới luật Phật chế, thực hiện đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật nhà nước.

Về việc kỷ luật Đại đức Thích Trúc Thái Minh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh nhận thấy, Đại đức Thích Trúc Thái Minh là Ủy viên dự khuyết Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, căn cứ vào Hiến chương Giáo hội và Nội quy Ban Tăng sự quy định phân cấp quản lý thuộc Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh sẽ nghiêm túc thực hiện quy trình theo đúng hướng dẫn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Được biết, trước khi xảy ra những lùm xùm về hoạt động “thỉnh vong”, mỗi ngày chùa Ba Vàng đón chục nghìn lượt khách vào mùa lễ hội. Tuy nhiên, trước những dấu hiệu mê tín dị đoan tại đây, du khách viếng thăm đã giảm mạnh. Hầu hết các Phật tử đều mong muốn cơ quan chức năng sớm có kết luận về những “lùm xùm” tại chùa Ba Vàng, để chùa là nơi hành hương về miền đất Phật chứ không phải là nơi truyền bá hay có những việc làm không đúng với giáo lý nhà Phật.

Ở diễn biến liên quan, Sở TT-TT tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu chùa Ba Vàng dừng hoạt động trang website: chuabavang.com.vn vì chưa được cấp phép hoạt động cũng như chưa hoàn tất về các hoạt động pháp lý. Trước đó, trong website này, việc “thỉnh oan gia trái chủ” được lập một chuyên mục riêng. Trong những bài viết, nhà chùa đã đầu tư rất kỹ lưỡng về mặt câu chữ, ảnh, video. Nội dung xuất hiện nhiều tin bài về việc con người bị bệnh tật, hoạn nạn do vong báo oán xuất phát từ nhiều kiếp trước(?). Để hóa giải được kiếp nạn, họ phải phát tâm cúng dường cho nhà chùa dưới sự hỗ trợ, dẫn dắt của bà Phạm Thị Yến(?).

Website của hòa thượng Thích Trúc Thái Minh - Trụ trì chùa Ba Vàng (có địa chỉ: thaythichtructhaiminh.com) và Phật tử Phạm Thị Yến (có địa chỉ: phamthiyen.com) cũng đã buộc phải dừng hoạt động vì sử dụng tên miền quốc tế, không thông báo về cho cơ quan quản lý nhà nước.

photo-0-15534889958611694974681-crop-15534891251811914304596.jpg Chùa Ba Vàng hiện tại ra sao sau yêu cầu "chấm dứt thỉnh vong"?

GiadinhNet - Tại khu vực các bàn ghi công đức, nơi thường có rất đông khách thập phương đến ghi danh công đức vào Chủ nhật, đặc biệt là dịp đầu năm như thời điểm hiện tại, nay cũng vắng vẻ, im lìm.

Nhóm Phóng Viên

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022