Về cơ bản, các chuyên gia đều thống nhất rằng, việc tuân thủ quy định pháp luật là một trong những điều kiện quan trọng để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, rộng ra là góp phần xây dựng và phát triển văn hóa giao thông.
Chỉ trong vòng 2 tuần đầu năm 2025, Nghị định 168 sau khi được triển khai đã mang lại những kết quả, chuyển biến tích cực về giao thông. Điều này cho thấy: Bước đầu, việc đưa ra những quy định chặt chẽ, nghiêm trị những vi phạm gây nguy hiểm cho hoạt động giao thông đã có những hiệu quả nổi bật trong thực tế. Ở khía cạnh này, việc xử lý bằng pháp luật vẫn được cho là giải pháp có tính chất nền tảng nhằm khắc phục những bất cập về tình trạng trật tự, an toàn giao thông bấy lâu nay.
Cần "đại phẫu" để "trị bệnh"
Theo TS Khương Kim Tạo (nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia), việc để mức xử phạt thấp đối với các hành vi vi phạm giao thông như trước đây khiến ý thức của người tham gia giao thông còn nhiều bất cập. Đến nay, chỉ có con đường phải "đại phẫu" bằng những biện pháp mạnh, có tính răn đe cao hơn để giải quyết các bất cập này - giống như một căn bệnh đến ngưỡng nguy hiểm, bắt buộc phải "đại phẫu" để "chữa trị".
Người dân Thủ đô nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, dừng đèn đỏ khi đi ăn mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam (ngày 5/1). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
"Rõ ràng, Nghị định 168 chỉ trong ít tuần triển khai đã thể hiện rõ: Đây là "liều thuốc" hiệu quả giúp chúng ta giải quyết căn bệnh "nhờn" luật, vi phạm trong trật tự, an toàn giao thông đường bộ" - ông Tạo bày tỏ - "Kết quả của việc thực hiện Nghị định 168 dẫu chỉ là những đánh giá bước đầu nhưng thể hiện: Liều thuốc này là liều thuốc đúng. Và khi đã chọn đúng thuốc để trị bệnh, chúng ta chỉ cần có thời gian để có được những kết quả tốt hơn".
Ông Tạo cũng đặc biệt nhấn mạnh: Để việc xử lý bằng pháp luật góp phần duy trì trật tự, an toàn giao thông, các lực lượng chức năng phải xử lý rất nghiêm, đúng luật - đặc biệt là với những hành vi cố ý, hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Dùng cả "thuốc Tây" lẫn "thuốc Nam"
Theo các chuyên gia, cùng với việc xử lý theo pháp luật thì việc xây dựng văn hóa giao thông cũng là điều kiện cần thiết thể duy trì một nền giao thông phát triển ổn định, lành mạnh.
Theo TS Khương Kim Tạo, một số nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu… đều xây dựng quy định yêu cầu người tham gia giao thông phải tuân thủ luật pháp, việc thực thi bằng luật được ưu tiên tiến hành. Sau đó, khi việc thực thi bằng luật tương đối tốt, họ sẽ áp dụng văn hóa giao thông để có những bước phát triển tiếp theo.
"Việc quản lý an toàn giao thông tại các quốc gia phát triển chủ yếu dựa trên tuân thủ pháp luật. Khi người tham gia giao thông chấp hành tốt các quy định, tai nạn giao thông giảm đáng kể. Tuy nhiên, khi mức độ tuân thủ đã đạt ngưỡng cao, số vụ tai nạn không tiếp tục giảm mà rơi vào trạng thái bão hòa" - TS Tạo phân tích - "Trong bối cảnh này, văn hóa giao thông trở thành yếu tố quan trọng giúp lấp đầy những khoảng trống mà pháp luật không thể bao quát hết. Pháp luật quy định những giới hạn và chế tài rõ ràng, nhưng không thể điều chỉnh mọi hành vi hoặc tình huống cụ thể xảy ra trong hoạt động giao thông".
Cũng theo nhà nghiên cứu này, văn hóa giao thông chính là giải pháp bổ trợ, giúp điều chỉnh hành vi của con người một cách mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với từng hoàn cảnh thực tế. Ví dụ, giới hạn tốc độ trên một đoạn đường có thể là 50 km/h, nhưng trong điều kiện thời tiết xấu hoặc mật độ giao thông dày đặc, việc giảm tốc độ dưới mức cho phép trở nên cần thiết để đảm bảo an toàn. Đây là lúc văn hóa giao thông can thiệp, khuyến khích sự thận trọng và nhường nhịn.
"Văn hóa giao thông không chỉ giúp duy trì những hành vi tốt mà còn tạo ra ý thức tự giác, hỗ trợ cộng đồng trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông một cách bền vững" - TS Tạo nhấn mạnh - "Nó khỏa lấp những khoảng trống mà pháp luật để lại, như việc khuyến khích sự nhường nhịn, hỗ trợ, và ý thức cộng đồng - những yếu tố không thể quy định một cách toàn diện và cụ thể bằng luật".
Soi chiếu vào thực tế giao thông tại Việt Nam, chuyên gia này cho rằng: Trong hoàn cảnh hiện nay, khi tai nạn giao thông đang ở mức cao mà ý thức của người tham gia giao thông vẫn còn bất cập, thì chúng ta cần tiến hành đồng thời cả việc thực thi luật và phát triển văn hóa giao thông.
"Nôm na, việc thực thi luật như một liều thuốc Tây, còn văn hóa giao thông như là một liều thuốc Nam" - TS Tạo bày tỏ - "Kết hợp song song và song hành cả 2 loại thuốc sẽ mang đến những hiệu quả lâu dài, bền vững. Giống như một người mắc bệnh có thể vừa uống thuốc Tây để trị bệnh trước mắt, vừa uống thuốc Nam để bồi bổ cơ thể, hỗ trợ nâng cao sức khỏe để kháng cự bệnh tật".
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh: Nếu xử phạt nghiêm minh, chặt chẽ, chắc chắn trong thời gian ngắn, người tham gia giao thông sẽ chấp hành tốt luật lệ. Nhưng nếu việc xử phạt ngơi nghỉ, buông lỏng lại rất dễ gây ra hiện tượng bùng phát vi phạm trở lại. Cho nên, song song với việc xử lý bằng xử phạt, cần chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa giao thông để những vi phạm được kiềm chế, và những thành quả được giữ bền vững hơn.
Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Thanh Tuấn (giảng viên Học viện Hành chính và Quản trị công) cho rằng: Để xử lý những vi phạm trong hoạt động giao thông một cách triệt để, cần phải có sự kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó, việc xây dựng và nâng cao văn hóa giao thông có thể coi là giải pháp bền vững nhất.
Bởi, theo nhà nghiên cứu này, không có bất kỳ cách xử lý nào hay hơn cách chúng ta tự ý thức, tự giác và tự xử lý hành vi của chính bản thân mình khi tham gia giao thông. Hơn thế, cách xử lý này vừa mang tính nhân văn, vừa đem lại hiệu quả ổn định, lâu dài trong duy trì trật tự an, toàn giao thông.
Người dân chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông tại tuyến đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi (Hà Nội). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Xây dựng những giá trị bền vững
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong mối liên hệ với việc thực thi luật, văn hóa giao thông đóng vai trò quan trọng, mang tính bền vững để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, hướng tới một môi trường giao thông văn minh, lành mạnh trong bối cảnh mới hiện nay.
Cụ thể, theo ThS Nguyễn Thanh Tuấn, có 3 vai trò nổi bật của văn hóa giao thông. Đó là, nâng cao ý thức tự giác và chi phối trực tiếp hành vi chấp hành Luật Giao thông; là động lực thúc đẩy ý thức và hành động ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông; duy trì và kiểm soát ý thức tôn trọng người tham gia giao thông, giúp đỡ, nhường nhịn trẻ em, người già, người tàn tật.
Ở khía cạnh đầu tiên, ông Tuấn cho rằng, văn hóa giao thông luôn tác động một cách trực tiếp đến ý thức của người tham gia giao thông. Người có văn hóa giao thông là người luôn có ý thức tự giác chấp hành các quy định của Luật Giao thông mọi lúc, mọi nơi, trong mọi điều kiện khác nhau.
Mặt khác, bên cạnh việc tác động trực tiếp đến ý thức tự giác của người tham gia giao thông, văn hóa giao thông còn chi phối và điều tiết một cách mạnh mẽ các hành vi của người tham gia giao thông.
Ở đây, các hành vi giao thông là biểu hiện một cách trực tiếp của ý thức tự giác và văn hóa giao thông của những người tham gia giao thông. Từ khía cạnh này, văn hóa giao thông sẽ giúp luôn kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Giao thông ngay cả trong điều kiện không có sự giám sát của các lực lượng chức năng, camera giao thông hay sự chứng kiến của những người cùng tham gia giao thông.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, văn hóa giao thông còn có vai trò đặc biệt trong duy trì và kiểm soát ý thức tôn trọng người tham gia giao thông, giúp đỡ, nhường nhịn trẻ em, người già, người khuyết tật khi tham gia giao thông.
"Văn hóa giao thông thôi thúc con người tự nguyện hi sinh quyền lợi của bản thân mình để nhường nhịn, chia sẻ cho những người cần được chia sẻ, nhường nhịn" - ông Tuấn lý giải - "Nhờ văn hóa giao thông mà con người có thể từng bước khắc phục sự thờ ơ, vô cảm với những người yếu đuối, những người cần được giúp đỡ trong những hoàn cảnh giao thông cụ thể. Và, dưới tác động của văn hóa giao thông, con người cũng cư xử với nhau nghĩa tình hơn, nhân đạo, nhân văn hơn".
Ở góc độ này, ông Tuấn nhấn mạnh: Xây dựng văn hóa giao thông không chỉ có vai trò quan trọng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông mà còn có vai trò quan trọng trong việc góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, hiện đại, nhân văn và cao cả.
"Dưới tác động của văn hóa giao thông, con người cũng cư xử với nhau nghĩa tình hơn, nhân văn hơn" - ThS Nguyễn Thanh Tuấn.
(Còn tiếp)