Nguyễn Quốc Dân thiết kế không gian triển lãm gồm khu vực bên ngoài là "tháp tái sinh", dựng từ những ma nơ canh đã qua sử dụng. Khi bước lên tầng trên, người xem ngắm thêm hơn 50 tác phẩm điêu khắc do họa sĩ và cộng sự làm trong bốn tháng.

trien-lam-nghe-thuat-tai-sinh-cua-hoa-si-me-thu-gom-phe-lieu-1728713371.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4iIhgVAQrDTeRxBdDaeWbQ
Triển lãm nghệ thuật tái sinh của họa sĩ mê thu gom phế liệu

Nguyễn Quốc Dân đón bạn bè, khách tham quan triển lãm. Video: Tân Cao

Anh chọn chủ đề Scrap Species - Loài phế liệu, đánh số thứ tự thay vì đặt tên riêng cho từng tác phẩm. Họa sĩ nói muốn mọi người cảm nhận rằng phế liệu hay rác thải cũng có vòng đời giống như một loài sinh vật. Nguyễn Quốc Dân để khách tham quan tự gọi tên cho mỗi bức điêu khắc sau khi xem.

Trien-lam-Loai-Phe-Lieu-cua-ho-9085-8023-1728715763.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MC2ckLXCXcPEhVZqFbURdQ

Mô hình "Tháp tái sinh" với đường kính 3,5 m, cao 6 m của Nguyễn Quốc Dân tại triển lãm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Quốc Dân sử dụng phương pháp nung nóng nhựa, sau đó tạo khối, hình thù theo cảm nhận, rồi đính kết với nhau. Anh dùng các vật dụng bỏ đi như ghế, vỏ tivi, thùng đựng hóa chất, thùng rác, chai nước rửa chén trong quá trình tự đi nhặt hoặc mua lại từ người dân. Theo họa sĩ, anh đề cao sự tự nhiên, ngẫu hứng trong nhiều tác phẩm.

>> Không gian triển lãm "Loài phế liệu"

Trước đó, anh nổi tiếng với phong cách vẽ sơn dầu, từng được nhiều gọi là họa sĩ đam mê các dải màu. Nhiều năm qua, Quốc Dân chuyển hướng sang nghệ thuật tái sinh khi "hô biến" phế liệu thành tác phẩm hội họa.

Trien-lam-Loai-Phe-Lieu-cua-ho-9927-8948-1728715763.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ajt8vISM3vOIxuXbwTqEXQ

Một trong những tác phẩm từ phế liệu nhựa mà tác giả tâm đắc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Họa sĩ từ TP HCM về quê nhà Quảng Nam sinh sống nhiều năm qua. Giữa mảnh đất rộng là hàng tấn nhựa chất đống, được anh dùng làm chất liệu sáng tác. "Từ nhỏ, tôi sống ở bãi rác. Lớn lên, tôi thấy mình có sự kết nối với những thứ người khác bỏ đi. Qua từng tác phẩm, tôi muốn kể câu chuyện của chính cuộc đời mình, đồng thời cảm ơn phế liệu vì đã tạo cảm hứng lớn cho tôi trong nghệ thuật", họa sĩ nói.

Qua dự án, Nguyễn Quốc Dân phản ánh câu chuyện thời đại gồm ô nhiễm môi trường, tác hại của rác thải nhựa. Họa sĩ mong muốn góp tiếng nói, cùng cộng đồng hướng đến việc xây dựng lối sống bền vững, xanh và sạch.

Nguyen-Quoc-Dan-jpeg-5731-1728715763.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3e9mrb9Dgvj-lkh0XQQrTg

Chân dung Nguyễn Quốc Dân - họa sĩ mê thu gom phế liệu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài nhựa, anh còn tận dụng các đồ bỏ đi như trang phục, giày dép, nón, giỏ xách, bóp để tạo nên tác phẩm. "Với tôi, để làm tốt công việc hiện tại phải cảm thấu phế liệu bởi mỗi đồ vật mang đặc tính khác nhau với một vòng đời và câu chuyện riêng. Tôi phải có đủ thời gian tiếp xúc, cảm nhận rồi mới đi đến sáng tác", Nguyễn Quốc Dân nói.

Huỳnh Nguyễn Thanh Huy, 24 tuổi, quê Bến Tre, cho biết trong một lần đến xưởng phế liệu của Nguyễn Quốc Dân tham quan, ấn tượng với phong cách của họa sĩ nên xin theo học hỏi. "Gần nửa năm qua, tôi tìm thấy sự kết nối với nhựa, đồng thời cảm phục trước công việc của anh Dân", Huy nói.

Trien-lam-Loai-Phe-Lieu-cua-ho-2657-2139-1728715763.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=e-mmm5RZqskSDw7ww2ymEQ

Triển lãm "Scrap Species - Loài phế liệu" của Nguyễn Quốc Dân diễn ra đến ngày 20/10 ở TP HCM. Ảnh: De La Sól

Nguyễn Quốc Dân, 40 tuổi, quê huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Anh sống và lớn lên trong trại trẻ mồ côi thuộc phố cổ Hội An. Năm 2009, Quốc Dân tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật TP HCM.

Tháng 9/2011, anh tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên Phi lập thể - đơn sắc. Tiếp đó, anh giới thiệu đến công chúng sự kiện với chủ đề Phi lập thể đa sắc (tháng 5/2012), Phi lập thể - phấn (tháng 11/2014). Triển lãm cá nhân gần nhất của họa sĩ là Phi lập thể - Chân dung vào năm 2016 ở TP HCM.

Tân Cao

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022