Theo Sina, đây là một trong tác phẩm về rồng lâu đời và nổi tiếng nhất trong lịch sử hội họa cổ Trung Quốc, hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Mỹ. Trần Dung (1200-1266) vẽ năm 1244, đến nay gần 800 năm tuổi. Chiều ngang tranh hơn 46 cm, dài gần 1.100 cm.

tranh-cuu-long-do-800-nam-tuoi-1706258822.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WBcGjNASEQFg7d0z6793EQ
Tranh "Cửu long đồ" 800 năm tuổi

"Cửu long đồ" của Trần Dung. Video: Bilibili

Hình thái chín con vật khác biệt. Theo trình tự phải sang trái, con thứ nhất vừa bay ra từ động, lộ nguyên hình từ đầu đến đuôi, móng vuốt bám chặt một tảng đá lớn. Rồng thứ hai chỉ lộ phần đầu và đuôi, hòa trong mây mù, hai mắt nhìn xếch về phía con thứ nhất. Rồng thứ ba bay lên từ nham thạch, mắt nhìn thẳng phía trước, giương nanh múa vuốt, thể hiện sự hung dữ.

Con thứ tư đang giãy giụa vì cơn sóng lớn bất ngờ ập tới, cuốn nó vào lốc xoáy. Một viên ngọc nằm trong móng vuốt trái.

r-6384-1706259351.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lE186dlWailCo8PuwWLkxw

Rồng như muốn nghiền nát viên ngọc. Ảnh: The Value

Rồng thứ năm và thứ sáu tạo thành một nhóm, sừng của con thứ năm bị rụng, nó vươn người, nhìn chằm chằm con rồng thứ sáu đang lao tới. Cả hai ở tư thế chiến đấu.

Rồng thứ bảy đang chơi đùa trong biển mây, như thể đắm chìm trong đó quên lối về. Rồng thứ tám xuyên qua mây mù, phần đuôi nửa ẩn nửa hiện, phần đầu ngạo nghễ. Còn con thứ chín nghiêng người về phía nham thạch, mắt hướng về phần đầu cuộn tranh.

Cuối cuộn, Trần Dung đề thơ, nói về tâm trạng của ông. Họa sĩ thường mượn rượu giải sầu, hoang mang và nửa tỉnh nửa mê trước thời cuộc. Bức tranh ra đời cuối thời Nam Tống, thời thế loạn lạc. Nhà vua nghe lời nịnh thần, phớt lờ và đàn áp những ý kiến của trung thần.

rong3-8555-1706259352.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CrbPznvUN-95qiLQp7wuZA

Rồng trong tư thế chiến đấu. Ảnh: Weibo/Qiu Hanqiao

Ông vẽ tranh để giải tỏa dồn ứ trong lòng. Theo The Paper, Trần Dung vốn là một quan văn chán chường thời cuộc, hình ảnh mãnh long biểu đạt nỗi giằng xé, thất vọng lẫn giận dữ của ông về các vấn đề thời sự. Hình tượng rồng còn thể hiện lý tưởng cao rộng và đời sống tinh thần của họa sĩ.

Trong cuốn sách Nghệ thuật cổ điển Trung Quốc sử luận, nhà nghiên cứu Ngưu Chi Huệ nhận xét các đường nét Cửu long đồ kết hợp hài hòa giữa những đường nét mực ướt và mực đậm, tạo ấn tượng thị giác mạnh. Nhiều họa sĩ đời sau tham khảo, học hỏi nghệ thuật của Trần Dung. Bút pháp của ông còn ảnh hưởng đến tranh cùng đề tài ở Nhật Bản.

Tác phẩm từng thuộc sở hữu của nhiều đạo sĩ nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc như Trương Thiên Soái, Ngô Toàn Tiết. Thời Nguyên, tranh trong tay Âu Dương Huyền - quan triều đình kiêm nhà sử học, nhà thư pháp. Thời Thanh, cổ vật nằm trong Tử Cấm Thành. Vua Càn Long từng đề chữ ở giữa bức thứ ba và thứ tư. Sau thời Càn Long, bức Cửu long đồ được ban tặng cho đại thần Dịch Hân - chính khách có tầm ảnh hưởng lớn bậc nhất cuối thời Thanh.

luc-9990-1706259352.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zkgBVafGaEOSqAP53xUl9Q

Một phần bức "Lục long đồ" của Trần Dung. Ảnh: The Value

Giới chuyên môn ước tính Cửu long đồ có mức giá khổng lồ. Bởi một tranh cùng đề tài của Trần Dung từng được đấu giá cao. Năm 2017, tại phiên ở New York, Mỹ, hãng Christie's bán bức Lục long đồ của Trần Dung ở mức xấp xỉ 49 triệu USD.

Nghinh Xuân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022