Tính đến hết ngày 16/2, Nhà Bà Nữ đã thu về hơn 437 tỷ đồng từ phòng vé sau ba tuần tung hoành tại rạp. Bộ phim cũng xuất sắc vượt qua Bố Già (2021) để trở thành đương kim vô địch trong cuộc đua phim ăn khách nhất phòng vé Việt mọi thời đại. Thành tích của hai tác phẩm này đã giúp Trấn Thành ghi danh vào lịch sử điện ảnh Việt Nam với danh hiệu đạo diễn đầu tiên có hai tác phẩm liên tiếp đạt doanh thu trên 400 tỷ - với một trong hai thậm chí còn là tác phẩm đầu tay.

  • Nhà Bà Nữ soán ngôi Bố Già trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại, giờ đây hãy gọi Trấn Thành là "ông hoàng phòng vé"!

Xung quanh Nhà Bà NữBố Già tồn tại nhiều luồng quan điểm khen, chê trái chiều. Các tác phẩm của Trấn Thành đạo diễn thường sa đà vào lối cường điệu hóa kiểu sân khấu kịch khi tạo dựng xung đột và đẩy tình huống lên đến cao trào; phim của anh cũng thường trực một sự ồn ào "chợ búa" đôi khi dẫn đến những cái nhíu mày nhăn trán - điều này không thể phủ nhận. Nhưng ở khía cạnh khác, nhìn vào con số hơn 850 tỷ đồng tổng doanh thu mà hai phim này đã kiếm được, ta lại thấy Trấn Thành rõ ràng đã bắt trúng tần số của đại đa số khán giả Việt Nam.

fb-16766344374331155938810.png

Những câu chuyện chạm vào vết thương lòng của khán giả

Dân số Việt Nam đã vượt ngưỡng 97 triệu người. Hơn 97 triệu con người ấy sống hơn 97 triệu cuộc đời khác nhau. Nhưng khi gạt bỏ những biến số như điều kiện kinh tế, trình độ văn hóa, học vấn, hoàn cảnh sống… thì chắc chắn hàng chục triệu cuộc đời ấy có chia sẻ với nhau nhiều mẫu số chung. Đó có thể là một ý niệm về hạnh phúc, là ước mong vào tương lai tươi sáng… hoặc những nỗi đau chôn sâu trong lòng.

Sự tích tụ nỗi đau ấy dần dà sẽ tạo thành một dạng "vết thương tập thể" trú ngụ trong tiềm thức mà họ có thể không hề nhận ra nhưng vẫn vô thức kiếm tìm sự đồng cảm. Họ muốn được thấy, một cách bí mật, chính bản thân cũng như các vấn đề của mình được phản chiếu trong một cuộc đời xa lạ.

Quay lại với Trấn Thành. Khi ngồi ghế đạo diễn các tác phẩm điện ảnh của riêng mình, Trấn Thành luôn chọn đứng về phe nỗi đau, sự đổ vỡ, những xộc xệch của một cảnh đời bấp bênh… Anh kể những câu chuyện mà cái kết chân chính không phải nhân vật nắm tay nhau đến bến bờ hạnh phúc. Cái đích xa nhất họ đạt được chỉ là một sự "sáng mắt ra", hoặc hứa hẹn hơn, xoay sở ổn thỏa với những vấn đề của chính mình.

photo-18-16766468702722007998449.jpg
photo-16-1676646863033764089290.jpg

Trong các bộ phim của Trấn Thành, đón đợi nhân vật không phải cái kết hạnh phúc, mà là hạ hồi ổn thỏa (Ảnh: Trấn Thành Town)

Trấn Thành đang tuân thủ triệt để lý thuyết con người dễ bị cuốn theo những tin tức tiêu cực, kết hợp với công thức "tình chỉ đẹp khi còn dang dở"? Có thể có, có thể không. Nhưng sự thật không thể chối cãi là bức tranh Sài Gòn đương đại - tưởng chừng chật hẹp vì quá nhiều mảng màu, chen chúc biết bao gương mặt và luôn trong tình trạng ồn ào như vỡ chợ - của Trấn Thành đã chạm được tới nhiều vết thương lòng đã tồn tại dai dẳng trong xã hội Việt Nam qua biết bao thế hệ - thứ, mà như nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm từng gọi tên là "những vết thương vô thức kiểu tập thể".

Nhưng mâu thuẫn thế hệ khi đặt vào khung cảnh một gia đình Việt lại luôn khiến người xem "cảnh giác", dấy lên nghi ngờ vì đả động đến chủ đề "nhạy cảm". Cha mẹ mắng mỏ con cái là vì muốn uốn nắn con nên người, nhưng một đứa con đặt câu hỏi ngược lại cho cha mẹ, bất kể thiện chí hay đối đầu, đều sẽ là đi ngược lại tôn ti trật tự của một gia đình "có giáo dục". Điều này tạo ra áp lực cho cả hai bên - con cái phải phải gồng mình để chiều ý phụ huynh, còn cha mẹ lúc nào cũng canh cánh nỗi âu lo không biết con đang nghĩ gì.

photo-14-1676646857606909850088.png
photo-11-16766468439121976769550.jpg

Mâu thuẫn muôn thuở giữa cha mẹ và con cái là chất liệu làm phim yêu thích của Trấn Thành (Ảnh: Trấn Thành Town)

Sự mất kết nối giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt ở cha mẹ và con cái, chính là một thứ vết thương tâm lý mà hẳn ai cũng từng, hoặc vẫn đang chất chứa trong lòng. Nó cũng chính là trọng tâm trong những bộ phim của đạo diễn Trấn Thành. Nhà làm phim đã chạm đúng nỗi đau của khán giả, đưa nó lên màn ảnh, để người trong cuộc được giãi bày, dù có thể nhân vật ấy càng kể càng sai.

Nhưng đúng sai khi ấy nào có quan trọng gì, bởi khi đứng trước một người đang sầu khổ, một tâm hồn đang bối rối đứng giữa ngã tư đường, người ta sẽ không bao giờ nói "Buồn cái gì mà buồn, anh sai rồi!". Người ta sẽ trao cho kẻ thiếu may mắn một cái vỗ vai, một cái nắm tay, một cái ôm chia sẻ. Thông cảm trước, đúng sai hạ hồi phân giải. Đây chính là điều mà Nhà Bà Nữ, và trước đó là Bố Già, đã làm, và làm được.

Không ai đúng, không ai sai, nhưng ai cũng ít nhiều thấy mình trong bi kịch

Trong Bố Già, hai cha con Ba Sang (Trấn Thành) biết bao lần làm tổn thương nhau, dằn vặt nhau, làm tình làm tội nhau chỉ vì ba thương con nhưng con không hiểu lòng ba, con muốn ba hết khổ nhưng ba lại cứ thích mua dây buộc mình. Sang tới Nhà Bà Nữ, câu chuyện muốn nhau khổ hay sướng tiếp tục lặp lại với hai mẹ con Ngọc Nữ (Lê Giang) và Ngọc Nhi (Uyển Ân).

Cũng giống con trai ông Sang, gái út nhà bà Nữ vùng vẫy để thoát ra khỏi sự bảo bọc của vị phụ huynh mà trong mắt nó là khắc nghiệt, không thể thay đổi. Hai mẹ con đay nghiến, dằn vặt, từ mặt nhau vì câu chuyện "trứng khôn hơn vịt" trước khi nhớ ra rằng khởi sinh, con vịt nào cũng chỉ là một phôi thai được bao bọc trong lớp vỏ.

photo-10-16766468415081321385608.jpg
photo-7-16766468339572053023384.png

Cô con gái út nhà bà Nữ muốn tìm mọi cách để thoát ra khỏi sự kiểm soát của mẹ mà không hề bận tâm mình đã đủ sức để đứng một mình hay chưa (Ảnh: Trấn Thành Town)

Bi kịch trong những bộ phim của Trấn Thành không chỉ nằm ở chỗ nó xây dựng những câu chuyện mà trong đó cha mẹ và con cái không sẵn sàng lắng nghe lẫn nhau. Nó kể về xung đột gia đình khi con cái đã lớn, cha mẹ đã già và cuộc chuyển giao thế hệ trong các gia đình đã bắt đầu diễn ra.

Cuộc chuyển giao thế hệ không chỉ là thay đổi trong việc ai nuôi ai, ai đỡ đần ai, ai thành gánh nặng của ai. Đó còn là câu chuyện liệu người con có sẵn sàng đón nhận những trọng trách, kỳ vọng, kỷ niệm, truyền thống gia đình và đôi khi là cả những nỗi niềm mà cha mẹ họ gửi gắm hay không - khi những "di sản" này từng khiến đứa con phải gồng mình khổ sở, và quan trọng hơn hết, họ cũng có những kế hoạch riêng cho cuộc đời mình. Đây chính là lúc mà những người con sẽ bối rối tỏ bày: "Con yêu bố mẹ thật đấy, nhưng mà…"

photo-6-16766468317431006139489.jpg
photo-4-16766468275561671897632.jpg

Cả ông Sang và bà Nữ đều tự tin mình đang lo cho con, nhưng hóa ra, phần nào đó họ đang bóp nghẹt chúng (Ảnh: Trấn Thành Town)

Sự bất lực khi bên này nói nhưng bên kia không chịu nghe, nỗi bẽ bàng tức giận khi thiện chí bị từ chối đẩy các nhân vật tới những lựa chọn cực đoan - ông Sang bỏ nhà bỏ cửa ra đi khi thân mang trọng bệnh, bà Nữ và con gái từ mặt nhau. Nhưng khoảnh khắc đau đớn nhất với các ông bố bà mẹ này phải là khi ông Sang gào lên với con trai "Nhưng tao yêu mày mà" còn bà Nữ được chính cô con gái ngầm khẳng định điều mà chồng bà từng nói trước đây "Cô là đồ đàn bà cay nghiệt".

Có lẽ đó là lần đầu tiên, trong suốt bộ phim tràn ngập những cãi vã lời qua tiếng lại, hai vị phụ huynh nhận ra họ như thế nào trong mắt con cái mình. Ông Sang yêu thương, chăm chút cho con từng li từng tí, hy sinh vì con nhưng tình yêu ấy hóa lại chẳng thể chạm tới cậu, buộc người cha già phải lên tiếng thanh minh cho chính mình. Bà Nữ luôn nghĩ mình là nữ tướng trong gia đình, ngậm đắng nuốt cay nuôi lớn các con, vẽ ra cho chúng con đường quang đãng đến với cuộc đời an yên… thì hóa ra bà lại là trở ngại ngăn con mình sống hạnh phúc.

photo-2-16766468232472020090542.jpg

Khán giả tranh cãi về cái kết cũng như thông điệp nhân văn của Nhà Bà Nữ (Ảnh: Trấn Thành Town)

Ở chiều ngược lại, con của ông Sang, bà Nữ trách móc bố mẹ o ép, khiến cuộc đời mình khổ sở nhưng bản thân họ cũng lại là những người luôn khiến đấng sinh thành phải canh cánh dõi theo, lo lắng từng đường đi nước bước. Khi Quắn (Tuấn Trần) yêu đương nhăng nhít rồi có con rơi bên ngoài, ông Sang là người âm thầm đi giải quyết hậu quả. Nhi đang là sinh viên, học hành chểnh mảng nhưng ham đàn đúm với bạn bè. Cô có thai với người yêu, đùng đùng bỏ ra ngoài sống, lúc sa cơ lỡ vận hết tiền lại phải gọi điện về vay chị gái…

Trong Nhà Bà NữBố Già, không có ai chỉ là nạn nhân, cũng chẳng có người từ đầu đến cuối chỉ thuần túy vào vai kẻ ác. Mỗi nhân vật đều xuất hiện với nhiều hơn một khuôn mặt: phần con người họ thể hiện ra bên ngoài và phần bên trong chất chứa những suy tư, bất an. Nhờ vậy, các bộ phim của Trấn Thành vừa giống như một cây cầu nối - cùng lúc nói thay cho tâm tư của cha mẹ bạc đầu lo lắng vì con, cũng giúp những người con giãi bày cái khó của mình với đấng sinh thành - lại vừa giống như một tấm gương giúp người xem soi chiếu chính mình thông qua quan sát tất cả những điểm được và chưa được từ dàn nhân vật mỗi người một vẻ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022