Họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ vẫn còn nhớ những ngày thơ ấu sống trong khu vực giờ là Vườn quốc gia Ba Vì trong khoảng thời gian 1944 - 1948.
Khi đó, cha ông - họa sĩ thiết kế nội thất nổi tiếng Trịnh Hữu Ngọc đã đưa gia đình lên đây để sống hòa vào thiên nhiên. Sau này, vào năm 2009, ông Lữ đã trở lại đây tìm nền nhà cũ, cũng chính là một trong rất nhiều phế tích ở Vườn quốc gia Ba Vì. Người Pháp đã quy hoạch nhằm xây một thị trấn để có thể nghỉ ngơi tại đây.
Câu chuyện này của ông Trịnh Lữ cũng chính là ý kiến mở màn tọa đàm khoa học Phát triển giá trị phế tích của vườn quốc gia Ba Vì, do Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Melia Ba Vì tổ chức ngày 9.9 tại Hà Nội, nhằm lấy ý kiến của các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, nhà bảo tồn, kiến trúc sư… để phục vụ phát triển chính vườn quốc gia này.
Câu hỏi đặt ra là làm sao có thể phát triển rộng hơn được giá trị của phế tích, của tài nguyên thiên nhiên, của các hoạt động du lịch bền vững tại đây.
Phế tích nhà thờ trên đỉnh Ba Vì Ảnh BTC cung cấp |
Nhà sử học Dương Trung Quốc liên hệ tiềm năng của Ba Vì với việc nhiều phế tích đã được cải tạo để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ, tìm hiểu lịch sử văn hóa.
Ông nói: “Giải quyết câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển hay khai thác hợp lý tiềm năng của Ba Vì chắc chắn là một bài toán khó. Tuy nhiên, trên thế giới, bài toán này đã có lời giải hiệu quả. Nhiều quốc gia đã phát triển, cải tạo các phế tích cũ để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ và tìm hiểu trực quan những dấu ấn của lịch sử, văn hóa. Đó là một cách làm thiết thực để đánh thức quá khứ. Phương thức này đồng thời tạo nên nguồn kinh phí để duy trì và bảo vệ các di tích”.
Các kiến trúc tại Melia Ba Vì đều theo nguyên tắc hòa đồng cùng thiên nhiên Ảnh BTC cung cấp |
Trong khi đó, việc học hỏi cách quy hoạch của người Pháp với khu vực vườn quốc gia Ba Vì cũng được đặt ra tại tọa đàm. Trên thực tế, vườn quốc gia này không chỉ còn các phế tích. Các nghiên cứu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 cho thấy có nhiều tư liệu quy hoạch của người Pháp còn lưu giữ tại đây. Vì thế, bên lề tọa đàm cũng có trưng bày một số hình ảnh các văn bản của người Pháp để lại.
“Tài liệu lưu trữ còn lưu trữ được ở Việt Nam và sưu tầm tài liệu ở nước ngoài có thể giúp chúng ta tìm ra giải pháp tốt và phù hợp nhất với điều kiện hiện nay để vừa phát huy tiềm năng của Ba Vì vừa giữ được những dấu tích của quá khứ với mục đích chung là phục vụ cộng đồng và phát triển bền vững”, bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc lưu trữ quốc gia 1, cho biết.
GS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cũng cho rằng, đánh thức phế tích trong Vườn quốc gia Ba Vì để phục vụ cộng đồng đến tham quan, tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử là hướng đi cần thiết.
Tuy nhiên, ông lưu ý việc đầu tư xây dựng cần cân bằng giữa bảo vệ rừng nguyên sinh và phát triển du lịch. “Nếu đầu tư thái quá cũng không đúng, mà để giữ nguyên hiện trạng cũng không đúng”, ông Vạn nói.