Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau đi vào một lĩnh vực rất thú vị của thời Đông Sơn, đó là nghệ thuật tạo âm và thẩm - thưởng âm thanh, giai điệu Đông Sơn. Đối với khoa học khảo cổ cho tới hôm nay thì âm thanh là thứ không dễ "khai quật" được như là các vết tích khác của đời sống con người. Tuy nhiên, từ những năm đầu 1970, khi bắt đầu với các chuyên ban sâu của ngành sử, tôi đã từng nảy ra ý định "khai quật" các tầng âm thanh cổ đại.
1. Những năm đầu 1970, đám sinh viên trẻ chúng tôi đang mê mẩn với trào lưu thế giới ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nghiên cứu khảo cổ học, như mấy nhà khoa học Nga. Ví dụ, giáo sư Xemenop chuyên soi vết mòn xước trên công cụ, vũ khí để lý giải chức năng hiện vật rồi thử chế tác ra chúng. Giáo sư Geraximop tìm ra quy luật tương thích giữa phần mềm da thịt, gân cơ phủ trên xương sọ người sống hay mới chết để dựng lại phần mềm đã mất đó trên một chiếc sọ người chỉ còn lại phần xương… Những nhà khoa học Anh, Mỹ dùng chổi lông, máy sàng nước tìm ra những hạt quả con người ăn còn sót lại trong các đống rác bếp tiền sử, quan sát các vòng sinh trưởng của cây, vỏ nhuyễn thể, xương đốt cá để phục hồi lại lịch mùa khai thác của cư dân nguyên thủy…
Hình sinh hoạt của người Đông Sơn ở trên thuyền và trên bờ bên nhà sàn toát lên nhịp điệu gắn với những âm thanh lễ hội: Người nhảy múa cầm chuông tạo nhịp, đến dáng xòe cánh nhún chân của chim trên mái nhà cũng đậm giai điệu lễ nhạc. (Bản rập và ảnh do tác giả thực hiện trên thạp đồng Đông Sơn thuộc sưu tập Karim Gusenmayer, Gent, Bỉ)
Một trong số những thầy giáo đưa những thông tin khoa học bay bổng đó đến với sinh viên chúng tôi khi đó là giáo sư Hà Văn Tấn, với một màn trình diễn khá "giật gân" là việc ông tỉ mỉ phục hồi lại từng đồ án Phùng Nguyên trong số gốm mảnh ở Xóm Rền mà tôi được may mắn tham dự khai quật từ 1968 rồi kết hợp với lý thuyết đối xứng để tìm ra các quy luật đối xứng trong tư duy nghệ thuật trang trí gốm Phùng Nguyên từ 4.000 năm trước…
Một hôm, vào khoảng giữa năm 1971, giáo sư Tấn lên lớp rồi ngủ lại ký túc xá Mễ Trì của lớp tôi. Tôi phụ trách học tập chuyên ban khảo cổ nên dành giường mình cho thầy rồi lên chung giường với Vũ Minh Giang.
Háo hức với những phát kiến mới mẻ trên thế giới mà giáo sư Tấn vừa truyền đạt, tôi thủ thỉ đề xuất với bạn về khả năng bóc tách các lớp âm thanh còn lại trên vách hang hay trên các vật dụng tiền sử để phục hồi lại âm thanh cổ, trong đó có tiếng nói của người thời xưa.
Nguyên tắc này dựa trên nguyên lý âm thanh là dạng vật chất có tác động vật lý tới các vật chất khác và sẽ để lại "dấu vết" tác động đó, hiểu đơn giản như cách ghi âm đĩa hát hay băng từ vậy. Vấn đề là ở các thiết bị tách thu ghi âm và xử lý.
Ông bạn cùng giường không thể chịu nổi sự tưởng tượng điên khùng đó. Tranh cãi một hồi không ngã ngũ, bọn tôi đến lay thầy Tấn dậy để phân giải. Giáo sư đã ngủ, nhưng vẫn nghe chúng tôi giãi bày. Và trong giọng lơ mơ ngái ngủ, thầy phán: "Về lý thì không cãi được cậu Việt, nhưng thực tiễn thì cứ để xem nó có làm được không".
Chuyện đã hơn 50 năm, giờ thì chúng tôi đã lớn và già hơn gấp đôi tuổi thầy khi đó. Hỏi lại, đến giờ tôi vẫn phải lắc đầu: Đời tôi không thể làm được rồi.
Một “ban lễ nhạc” phổ biến thời Đông Sơn trên một đốc dao găm đồng: Người ngồi xung quanh thổi khèn, sáo và hát, ở giữa là người đánh trống
2. Năm 2010, tôi có dịp qua Chicago (Mỹ) để tìm gặp một tài năng trẻ người Mỹ da đỏ - người đã có thể chỉ dùng phần mềm scanning điện tử chiếc quan tài chứa xác ướp một nữ chúa Ai Cập thời Pharaoh còn nguyên vẹn chưa mở ra bao giờ từ lúc khai quật (hiện lưu tại Bảo tàng Trường đại học Chicago) để phục dựng lại khuôn mặt thật của bà khi còn sống. Ngủ lại nhà giáo sư Ngô Bảo Châu, tôi có đem câu chuyện bóc tách các tầng âm thanh cổ hỏi xem "thuật toán" có giúp gì được không. Giáo sư Châu trầm ngâm suy nghĩ và không trả lời.
Trước đó hai năm, năm 2008, nhân gặp mặt 40 năm thành lập Viện Khảo cổ học, giáo sư Phạm Xuân Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Nhân văn) gặp tôi, lôi ra một góc đề xuất: Cậu và các cậu phải làm việc này… Rồi giáo sư kể ra khả năng tiếp cận tiếng nói và âm thanh các đời khảo cổ, tương tự lý thuyết bóc tách mà tôi và Vũ Minh Giang đã tranh luận từ gần 40 năm trước. Cũng là một trùng lặp ngẫu nhiên, cho thấy cái "lý" tồn tại ở nhiều nhà khoa học độc lập với nhau và thực tiễn vẫn phải đợi trong tương lai…
Âm thanh, tiếng nói, tiếng hú gọi của con người đã khó là vậy, còn âm nhạc, giai điệu… sẽ phức tạp nhiều hơn nữa. Nhưng khảo cổ có lợi thế của mình, đó là những dụng cụ tạo âm thanh mang tính nhạc cụ của các đời đã được lòng đất lưu lại.
Chuôi đồng của một thanh kiếm Đông Sơn lưỡi sắt với biểu tượng đầu gà trống trong vành khuôn mặt trời mọc, voi gầm và tiếng nhạc chuông reo (sưu tập Hoàng Văn Thông, Thanh Hóa)
3. Tiếng huýt thổi, không chỉ bằng chụm tay, vây miệng mà bằng một ống xương rỗng giữa có khoét lỗ tạo âm đã được phát hiện trong tầng con người cư trú cách nay tới 40 ngàn năm. Đến thời văn hóa Đông Sơn thì đã có nhiều dụng cụ tạo âm lắm rồi. Thậm chí, những dàn diễn xướng với một số dụng cụ tạo âm mang tính nhạc khác nhau đã được nghệ nhân thể hiện trên mặt trống đồng, thậm chí cả trên các khối tượng 3D rất chi tiết và sinh động. Một số dụng cụ tạo âm Đông Sơn nhờ bảo tồn tốt, như để trong hang hay vớt dưới nước không bị mọt gỉ có thể cho những âm thanh gần gũi với âm thanh nguyên thủy. Cũng có thể phục dựng bằng cách đúc lại những dụng cụ đó theo đúng tỷ lệ thành phần hợp kim và kích thước, độ dày mỏng… để thẩm âm ngàn xưa.
Một chiếc trong bộ chũm chọe thời Đông Sơn thuộc sưu tập Bảo tàng Khảo cổ Phạm Huy Thông, Kim Bôi, Hòa Bình
4. Loạt bài Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất vào thứ Năm mỗi tuần tới đây sẽ lần lượt giới thiệu với các bạn về nghệ thuật tạo âm, thưởng thức âm thanh, nhạc điệu Đông Sơn thông qua các hiện vật khảo cổ học.
Đây là một đề tài khá thú vị, bởi cư dân thời văn hóa Đông Sơn đã đạt đến một tổ chức xã hội thủ lĩnh cao (Chiefdom) tiến đến ngưỡng cửa của hình thái tổ chức nhà nước sơ khai. Tạo âm, thưởng âm đã đạt đến trình độ xuất hiện những nhạc cụ chuyên biệt, có thể tùy mỗi hoàn cảnh lễ hội mà tạo ra những nhạc điệu riêng biệt và đã hình thành khá ổn định những "dàn lễ nhạc" với đầy đủ bộ "gõ" (trống, chiêng, chũm chọe, mõ, phách…), bộ "hơi" (khèn, sáo, tiêu, tù và…) và bộ "mồm" thông qua giọng hát xướng từ miệng con người. Hiện tại chỉ chưa thấy bằng chứng của bộ "dây", dù về logic tôi tin rằng đã có thể xuất hiện, chúng tôi vẫn đang tìm kiếm bằng chứng.
"Tôi thủ thỉ đề xuất với bạn về khả năng bóc tách các lớp âm thanh còn lại trên vách hang hay trên các vật dụng tiền sử để phục hồi lại âm thanh cổ, trong đó có tiếng nói của người thời xưa"- TS Nguyễn Việt.
(Còn tiếp)