Ghét thì yêu thôi
Tiếp sóng siêu phẩm Người phán xử, đây vừa là lợi thế, vừa là thách thức đối với Ghét thì yêu thôi. Khán giả vốn quen nhịp đến giờ sẽ bật TV và theo dõi, vậy là xuất phát điểm, bộ phim đã thu hút được lượn view khá lớn. Nhưng vì được đặt ngay sau Người phán xử, bộ phim nếu không thực sự đặc sắc, sẽ bị từ chối ngay sau những tập đầu. Nhưng may mắn là Ghét thì yêu thôi là một bộ phim khá ổn, ngoài trừ cái tên nghe có vẻ không liên quan cho lắm.
Bộ phim là câu chuyện về một cặp đôi oan gia ngõ hẹp: Kim (diễn viên Phương Anh) và Du (diễn viên Đình Tú). Kim là cô gái mạnh mẽ, luôn lạc quan đến mức chẳng mảy may đau khổ, dù cô bị hủy hôn trước hôm cưới chỉ vài ngày. Còn Du thì ngông nghênh, bản năng, thậm chí tính cách có phần hơi hoang dã.
Và lẽ dĩ nhiên, đây là hai thái cực đối nhau trong thỏi nam châm. Một loạt những va chạm, những trò bóc mẽ, những pha trả đũa nhau… xảy ra giữa hai người. Rồi đến một ngày, cả 2 nhận ra: đằng sau vỏ bọc mạnh mẽ, bất cần, lại là những tâm hồn nhạy cảm, là những trái tim giàu cảm xúc, biết yêu thương và nghĩ đến nhau. Bởi nam châm có trái cực, thì mới có thể hút nhau.
Cuộc đối đầu của Kim và Du
Bên cạnh câu chuyện của Kim và Du, bộ phim cũng đề cập những chuyện tình cảm khác, như là của một ông chú đã say đắm mẹ Kim từ rất lâu, nhưng vì còn sợ hãi bởi mối tình trước đó mà mẹ Kim không dám tin bất cứ người đàn ông nào. Hay là những câu chuyện của bạn bè xung quanh cặp đôi chính. Mỗi câu chuyện đều mang theo những niềm vui, niềm hạnh phúc, nhưng cũng có cả nước mắt, sự dằn vặt.
Để đánh giá, thì đây là bộ phim tốt. Bởi lối diễn xuất rất mới của dàn diễn viên trẻ. Họ không còn giữ hình tượng trong các bộ phim trước, mà lột xác hoàn toàn. Và họ làm điều đó rất tốt, không có cảm giác gắng gượng quá sức. Một ví dụ điển hình nhất ấy là Trang Cherry (vai Thùy Trang). Trang Cherry không còn là "hồ ly" Diệp (Sống chung với mẹ chồng), cũng không giống Châu (Ngược chiều nước mắt).
Một Trang Cherry rất mới, rất ngọt
Mặc dù vẫn còn cái nét bĩu môi, thái độ ăn nói hay là cách thể hiện cảm xúc quen thuộc, nhưng người ta không còn thấy sự đong đưa nữa, mà thay vào đó là một Thùy Trang tưng tửng, hồn nhiên và có phần hơi nam tính.
Nếu xét tổng thể tương quan giữa tất cả các phim đang lên sóng khung giờ đẹp của VTV, Ghét thì yêu thôi là một bộ phim đáng để xem. Nó không chỉ hài hước, mà còn mang rất nhiều bài học tới cho các bạn trẻ. Nhưng việc đặt tên phim theo câu nói đã từng trở thành hot trend khiến cho khán giả phần nào nghi ngại về nội dung phim. Bởi đồng ý, câu "Mình thích thì mình … thôi" rất hot, nhưng nếu cứ nói đi nói lại, thì nó sẽ trở nên nhàm chán.
Ngược chiều nước mắt
Khi cơn sốt của ca khúc Em gái mưa chưa dừng lại, thì khán giả đã được bắt gặp lại tình cảm đặc biệt ấy trong Ngược chiều nước mắt, nhưng là phiên bản rắc rối hơn, dù nó không hẳn là nội dung chính . Ngược chiều nước mắt dường như tiếp tục là một cú bứt phá của truyền hình Việt khi dám mạnh dạn đề cập đến khía cạnh mới lạ, nhạy cảm như : hành trình làm mẹ đơn thân của cô sinh viên trẻ, chuyện tình cảm giữa anh rể - em dâu, giữa hai cậu bạn thân cùng thích một cô gái, hay thậm chí là tình cảm của cô sinh viên dành cho thầy giáo và cũng chính là chồng của bạn mình.
Ngay từ khi trailer lên sóng, Ngược chiều nước mắt đã thu hút được đông đảo khán giả, bởi dàn diễn viên "khủng", trong đó có nhiều diễn viên đã góp mặt trong Sống chung với mẹ chồng. Anh chàng Thanh ngờ nghệch, thiếu chính kiến đã biến thành một người sắc sảo, đối lập hoàn toàn với vai diễn cũ. Thu Quỳnh không còn là cô gái đỏng đảnh, suy nghĩ hạn hẹp như Thùy Trang trong Sống chung với mẹ chồng, mà nay lại vào vai một người vợ khéo lép trong ăn nói và ứng xử, luôn được mọi người yêu mến.
Còn mẹ của Bảo Thanh (NSND Lan Hương) lại không còn là người mẹ kiểu mẫu nữa. Bà trở thành người mẹ chồng khó tính, luôn chì chiết con dâu, và còn thiên vị đứa con có tiền bạc hơn. Duy chỉ có Trang Cherry vẫn giữ nguyên chiếc áo cũ, đó là trở thành kẻ thứ ba đanh đá, gian xảo, cơ hội.
Tạo hình mới mẻ của diễn viên Anh Dũng
Ngoài ra, dàn diễn viên đầy kinh nghiệm là NSƯT Hoàng Hải, diễn viên Mạnh Trường, diễn viên Hà Việt Dũng, diễn viên Huyền Lizzie cũng hứa hẹn những thước phim rất ân tượng. Một lần nữa, Bình An – Anh Tuấn lại đóng cặp vai tình địch với nhau giống như trong Zippo, Mù tạt và em. Thêm nữa, đó là khoản hình ảnh rất được đầu tư, biểu hiện rõ ràng trong MV cùng tên để giới thiệu phim.
MV nhạc phim "Ngược chiều nước mắt"
Tất cả những điều đó đủ để khán giả kì vọng được bộ phim này sẽ tạo được dấu ấn như hai cú huých trước của truyền hình.
Vực thẳm vô hình
Bên cạnh những bộ phim được đánh giá là ổn, cũng không thể bỏ qua những hạt sạn còn đang chưa kịp xử lý đã lên sóng. Và điều này nằm trong hai bộ phim là Vực thẳm vô hình và Hoa cỏ may.
Dàn diễn viên phim Vực thẳm vô hình
Bộ phim xoay quanh thực trạng tội phạm và tệ nạn xã hội nhức nhối, đặc biệt là tình trạng cướp giật diễn ra hàng ngày ở một số thành phố lớn khiến dư luận lo lắng, bức xúc mà báo chí phản ánh thời gian qua. Phim được dàn dựng với hai tuyến nhân vật song hành là Băng Sói Sài Thành và Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm.
Ngoài ý nghĩa phản ánh những góc khuất trong cuộc đời của những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, bộ phim còn muốn gửi gắm niềm tin vào những con người hướng thiện, luôn kiên trì, quyết tâm chống lại cái ác. Và cho dù vì lý do nào đó mà tội ác không được phát hiện thì vẫn bị trừng trị bởi quy luật nhân quả như một vực thẳm vô hình.
Nhưng điều đáng nói ở đây, bởi nội dung cũng có nét tương đồng với Người phán xử, đó là đặt cái xấu, cái ác bên cạnh lương thiện, nên Vực thẳm vô hình chịu khá nhiều những sự so sánh. Và cũng bởi bộ phim của đạo diễn Danh Dũng đến thời điểm hiện tại quá xuất sắc, nên những việc như trộm cắp thông qua phá khóa, trèo tường, đu dây hay cướp giật trở thành thứ quá nhẹ khi được đem ra phơi bày.
Hoa cỏ may
Còn điều đáng thất vọng nhất, chính là nằm ở bộ phim Hoa cỏ may. Hiện tại, phim đang lên sóng phần 3, cũng là câu chuyện sau 10 năm của phần 2 đã chiếu trước đó. Phim kể lại câu chuyện của một nhóm 7 bạn trẻ lớn lên trong thời bao cấp, họ cùng nhau lập nên nhóm Hà Nội tụ nghĩa. Trước đây, phim đã giới thiệu phần 1 gồm 4 tập kể về thời niên thiếu, sau đó là phần 2 gồm 7 tập nhắc tới những tháng ngày bình yên. Cả 2 phần đều thu hút được sự quan tâm của khán giả. Nhưng tới phần 3 thì hoàn toàn ngược lại.
Về kịch bản, người xem hoàn toàn không bắt kịp tiến độ phim đang chạy đến đâu, không có mạch logic, nếu xét kĩ thì chi tiết cũng hoàn toàn vô nghĩa. Việc có quá nhiều tuyến nhân vật khiến khán giả bị loạn, không hiểu ai liên quan đến ai, không biết đang diễn ra cái gì. Hơn thế, diễn viên của Hoa cỏ may phần 3 có thể không bị coi là tệ, nhưng diễn lại quá thô.
Xét riêng trong việc thoại, vẫn biết đa số các phim sẽ lựa chọn việc lồng tiếng, nhưng ở đây, âm thanh thoại quá tệ, giọng nói vô cảm và chưa kể đến lời thoại có phần vô cảm. Những hành động, biểu cảm ấy đã không ổn, lại còn gặp thêm vấn đề quay dựng rất vụng càng tăng sự ức chế cho người xem. Cảnh quay cắt ghép quá nhiều, dựng còn bị lỗi. Khúc thì quá cụt, khúc thì kéo dài loằng ngoằng như Cô dâu tám tuổi. Tóm lại, Hoa cỏ may phần 3 dường như đã đánh bật tất cả thành công của 2 phần trước.
Có thể nói, sau những siêu phẩm trong thời gian qua, truyền hình Việt Nam vẫn có những bộ phim đủ sức nặng để giữ khán giả ở mọi lứa tuổi. Nhưng bên cạnh đó cũng không thiếu điểm yếu cần khắc phục. Hy vọng trong thời gian tới, các nhà làm phim sẽ chú ý và đầu tư để khán giả Việt được mãn nhãn hơn nữa.