"Ly cứ làm đi, cảm nhận từng thớ thịt. Thời gian là của em. Cảm nhận âm nhạc, thả hồn vào. Nhớ ánh mắt ấy. Đúng như vậy. Giữ ánh mắt như thế…" - cô giáo, NSƯT Nguyễn Quỳnh Lan vừa nói, vừa chuyển động ánh mắt và cơ thể, cùng học trò của mình say mê tập luyện chuẩn bị cho cuộc thi Tài năng Diễn viên múa toàn quốc 2023.
5 tháng nữa cuộc thi mới diễn ra nhưng theo NSƯT Nguyễn Quỳnh Lan - giảng viên Học viện Múa Việt Nam, sự chuẩn bị trước và chủ động luyện tập giúp các em có mục tiêu cũng như động lực để phấn đấu.
34 năm say mê nghề múa
Trên lớp học, nghệ sĩ Quỳnh Lan nổi tiếng nghiêm khắc, yêu cầu cao, nhưng cũng luôn tràn đầy năng lượng, biết cách động viên, khích lệ tinh thần học trò.
"Nghề múa cũng như các ngành nghệ thuật khác cần năng khiếu, đam mê, sự nỗ lực, khổ luyện không ngừng của học sinh và không thể thiếu vai trò dẫn dắt của thầy cô, đặc biệt trong những sự kiện quan trọng" - nghệ sĩ Quỳnh Lan, cho biết.
"Nếu cô không nghiêm khắc thì chúng em không được như ngày hôm nay" - Dương Hà Anh - Á quân Nhí tài năng, cũng là học sinh năm thứ 5 lớp K42/6 của cô giáo Quỳnh Lan, khẳng định. Hay như lời chia sẻ của bạn cùng lớp Nguyễn Hà Anh - Quán quân Người hùng tí hon: "Trên lớp cô nghiêm khắc khiến chúng em tiến bộ từng ngày. Ngoài đời thường, cô Lan vô cùng thoải mái và gần gũi".
NSƯT Nguyễn Quỳnh Lan - giảng viên Học viện Múa Việt Nam
NSƯT Nguyễn Quỳnh Lan trao đổi: "Kỹ thuật là nền tảng của múa, bài khó thì phải rèn kỹ cho các em từng phần, hoàn thiện đến từng chi tiết, kỹ thuật cùng cảm xúc. Tuy nhiên, ở mỗi cuộc thi, điều quan trọng là người huấn luyện múa phải biết cách chọn bài thi hợp sở trường, khai thác được những điểm mạnh để học trò của mình bộc lộ nhiều nhất khả năng. Với những học trò nhút nhát, giáo viên còn phải biết gợi mở, kích thích, thúc đẩy các em tự tin thể hiện cá tính, bộc lộ cái "tôi nghệ sĩ" của mình một cách tự nhiên nhất".
Nguyễn Quỳnh Lan sinh năm 1978. Tốt nghiệp Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) năm 1996, chị được giữ lại làm giảng viên. Cùng thời điểm, Quỳnh Lan đi học Huấn luyện múa tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Đang theo học thì trường Múa Việt Nam có liên kết đào tạo với Pháp, Quỳnh Lan nhận học bổng qua Pháp học bằng Huấn luyện múa năm 1999, khi chị 22 tuổi. "Được học ở Pháp đã mở cho tôi những cánh cửa mới. Tôi trưởng thành và hiểu rõ định hướng con đường mình sẽ bước đi" - Quỳnh Lan tâm sự.
Trở về từ Pháp, Quỳnh Lan tiếp tục làm giảng viên tại trường. Chị tham gia và giành giải Nhất cuộc thi Tài năng biểu diễn Nghệ thuật múa toàn quốc năm 2002. Quỳnh Lan với tác phẩm Hồ Nguyệt Cô hoá cáo trở thành hiện tượng trong làng múa, bởi chị biết khai thác kết hợp và đào sâu kỹ thuật múa và diễn - khi đó vẫn được xem là khá mới mẻ. Đó cũng là khoảng thời gian rực rỡ trong sự nghiệp của nghệ sĩ biểu diễn Quỳnh Lan với nhiều thành tích và những chuyến lưu diễn nước ngoài. Tới khi lập gia đình và sinh con năm 2005, Quỳnh Lan mới ngừng biểu diễn trên sân khấu. Nguyễn Quỳnh Lan đạt được danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2016.
NSƯT Nguyễn Quỳnh Lan trên lớp cùng các học trò
Suốt chặng đường dài gắn bó với múa, Quỳnh Lan luôn đau đáu với công việc giảng dạy. Nghệ sĩ Quỳnh Lan say mê với việc tìm kiếm, đào tạo tài năng trẻ cho ngành nghệ thuật múa nước nhà. Đặc biệt, Quỳnh Lan có khả năng truyền niềm cảm hứng, nguồn năng lượng tích cực cho học trò. Nhiều học trò của NSƯT Nguyễn Quỳnh Lan đã gặt hái thành công, khiến chị tự hào, có thể kể đến: NSƯT Phạm Kiều Mỹ - Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương, "thiên nga" Nguyễn Thu Huệ - solist 1 của Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam...
"Khi dạy môn múa cổ điển châu Âu (ballet), tôi vẫn luôn thổi hồn vào các động tác, chuyển động múa cho học sinh. Đặc biệt khi dạy các em môn Kỹ thuật biểu diễn, tôi vẫn luôn sống trong cảm giác của một nghệ sĩ khi thả hồn vào những tác phẩm do mình biên đạo hoặc dàn dựng" - Quỳnh Lan tâm sự.
"Học múa có tính cơ huấn, làm thay đổi hình thể con người, nếu đào tạo không chuẩn sẽ ảnh hưởng nhiều tới cơ thể các em, rồi khi các em đỗ vào trường chuyên nghiệp, thầy cô sẽ rất vất vả chỉnh sửa…" - NSƯT Quỳnh Lan.
Truyền cảm hứng cho thế hệ nối tiếp
Theo nghệ sĩ Quỳnh Lan, hiện nay diễn viên múa có nhiều cơ hội nghề nghiệp, có thể sống tốt với nghề bởi xã hội hiện đại không còn định kiến với nghề như trước nữa. Các em học nghề rồi có thể về các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, đi biểu diễn show, đi dạy ở các trung tâm, làm biên đạo dựng bài cho các cơ quan hoặc cá nhân đi thi, hội diễn, liên hoan… thậm chí các bạn có thể làm 2-3 việc cùng lúc.
Dù vậy, chị cũng sớm nhận ra sự chênh lệch quá lớn về năng lực giữa các thí sinh thi đầu vào tại các trường múa chuyên nghiệp ở Việt Nam so với các trường quốc tế. Chính vì vậy, từ hơn 10 năm trước, chị chính là một thành viên quan trọng trong đội ngũ sáng lập Trung tâm Nghệ thuật Đôi Giày Đỏ - Red Shoes Art Center (RSAC HN), đào tạo những "hạt giống" chất lượng cho các trường múa và trường nghệ thuật.
Theo Quỳnh Lan: "Học múa có tính cơ huấn, làm thay đổi hình thể con người, nếu đào tạo không chuẩn sẽ ảnh hưởng nhiều tới cơ thể các em, rồi khi các em đỗ vào trường chuyên nghiệp, thầy cô sẽ rất vất vả chỉnh sửa. RSAC là nơiđể các em có thể thử thách, khám phá năng khiếu của mình trước khi quyết định theo học múa chuyên nghiệp hay chỉ học để thoả đam mê, cải thiện bản thân. Xác định sớm sẽ giúp các em định hướng rõ ràng, mạch lạc nghề nghiệp trong tương lai".
RSAC đặt mục tiêu đào tạo bài bản và chuyên nghiệp theo chương trình đào tạo Nghệ thuật múa của Pháp - cái nôi của nghệ thuật múa thế giới. Học viên không phải học trong những lớp "trộn độ tuổi", "trộn trình độ", mà luôn được xếp vào những lớp phù hợp với khả năng, năng lực của mình để có điều kiện phát triển tốt nhất.
"Chúng tôi xây dựng, thiết kế chương trình đào tạo từ A đến Z về múa đáp ứng được mục tiêu đào tạo chuyên sâu và thoả mãn nhu cầu, đam mê của người học. Kết thúc mỗi giai đoạn, học viên sẽ nhận chứng chỉ Hoàn thành khoá học và riêng ở trình độ cuối cùng, học viên sẽ được nhận bằng Trung cấp Diễn viên múa chính quy (hệ 3 năm) của một số trường nghệ thuật chuyên nghiệp - cơ sở liên kết đào tạo với RSAC. Đây có thể nói là bước tiến vượt bậc đầy tự hào của chúng tôi, đóng góp vào sự nghiệp đào tạo nghệ thuật múa của nước nhà" - nghệ sĩ Quỳnh Lan cho biết.
34 năm theo đuổi nghề múa chuyên nghiệp, 25 năm làm huấn luyện múa, nghệ sĩ Quỳnh Lan vẫn giữ được "lửa" nghề và miệt mài lan tỏa niềm say mê của mình tới những thế hệ học trò nối tiếp.
2 con trai theo nghề múa của mẹ
"Hai con trai tôi cũng là những mầm non được đào tạo từ RSAC. Con trai lớn - Gia Minh - sau khi học hết năm thứ 4 tại Học viện Múa Việt Nam đã nhận được học bổng Chính phủ du học về ballet tại Học viện Bolshoi, Nga. Nam Phong - con trai út thì năm nay đang học năm thứ nhất tại trường, vừa giành Quán quân Gương mặt thân quen nhí 2022. Cả hai con đều theo nghề của mẹ và tôi rất hạnh phúc về điều này" - NSƯT Quỳnh Lan.