Chương trình truyền hình thực tế Học viện cải lương với tổ hợp gồm đào tạo - tranh tài - trình diễn do NSND-TS Bạch Tuyết giữ vai trò Viện trưởng và cầm trịch điều phối. Chương trình dự kiến phát sóng từ tháng 4/2024 trên kênh truyền hình Today TV và kênh YouTube của Bạch Tuyết.
Chương trình sẽ có 12 tập, thi đấu theo hình thức loại trừ dần. Học viên tham gia từ 16 tuổi đến 40 tuổi, hội tụ căn bản những yếu tố của nghệ thuật cải lương. Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với NSND Bạch Tuyết.
* Xin bà cho biết động lực nào để bà thực hiện chương trình này ở tuổi 80?
- Có hai việc mà con người không thể nào biết được. Một là ngày mình sinh ra và hai là ngày mình rời đi. Cho nên, mỗi ngày mở mắt ra thấy mình vẫn còn sống thì tôi vẫn còn tiếp tục làm việc để trả ơn đời, trả ơn cha mẹ, trả ơn tổ nghiệp… Căn bản của đạo làm người là thương người, thương vật, lòng biết ơn. Nên cứ làm việc hết lòng khi còn thở.
Với Học viện cải lương, tôi mong muốn những người trẻ hôm nay có được một sân chơi để họ ca, để họ gặp gỡ nhau và để tự học nhau. Tôi tin rằng, nếu những người trẻ này có khả năng và có được một chỗ để mà gặp nhau, có thể gọi là "ngôi nhà chung", thì họ sẽ học được nhau và sẽ phát triển tư duy, khả năng nhanh hơn, chắc chắn hơn. Học viện cải lương sẽ là ngôi nhà chung của các bạn.
NSND-TS Bạch Tuyết sẽ là Viện trưởng của “Học viện cải lương”. Ảnh: NVCC
* Vậy, "Học viện cải lương" sẽ vận hành ra sao?
- Trước chữ Học viện cải lương của chúng tôi có chữ "truyền hình thực tế" - một hình thức game show. Mà game show để giải trí. Để đạt được chữ "giải trí" đó cũng là một sự học vô cùng quan trọng. Đây là nơi mọi người chơi một cách nghiêm túc với nhau, có trách nhiệm với nhau và vừa chơi vừa học.
Tại Học viện cải lương, các bạn sẽ được trang bị những kiến thức nền tảng về nghệ thuật ca - diễn cải lương; được tạo không gian từ sàn tập đến sàn diễn để từng bước trở thành một nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp. Tiêu chí của chương trình là đi tìm - đào tạo - truyền nghề và "đo ni đóng giày" những giọng ca, vai diễn phù hợp với sở trường của từng học viên. Ngoài dàn nghệ sĩ - giảng viên cơ hữu, chúng tôi sẽ mời đến những chuyên gia, những người đã thành đạt với cải lương để giúp cho các bạn phát triển khả năng đang có.
Cải lương là một trong số ít loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc có tính thích nghi cao, phổ biến rộng. Vì thế, chương trình sẽ kết nối một số xu hướng nghệ thuật - giải trí hiện đại, qua đó giúp học viên tích lũy thêm "nguyên liệu" cho quá trình sáng tạo. Cho nên, ngoài ca - diễn, các bạn cũng được trang bị thêm nhiều kỹ năng khác như trang điểm, catwalk, chụp ảnh, trả lời phỏng vấn… để xuất hiện trước công chúng tự tin, bản lĩnh hơn.
Đồng hành cùng Bạch Tuyết (giữa) còn có nghệ sĩ Thanh Hằng (trái) và nghệ sĩ Châu Thanh (phải). Ảnh: Tiêu Phàm
* Có vẻ chương trình cũng hướng đến việc thay đổi hình tượng người nghệ sĩ cải lương so với cách nhìn quen thuộc hiện nay?
- Người nghệ sĩ cải lương thế hệ mới hướng đến không chỉ là nghệ sĩ biểu diễn thuần túy mà còn là một người hoạt động văn hóa, góp phần vào việc bảo tồn, phát triển di sản văn hóa - nghệ thuật nước nhà. Vì thế, đối tượng chúng tôi tìm kiếm (16 - 40 tuổi), ngoài việc hội tụ đầy đủ những yếu tố của nghệ thuật ca kịch thì có nhiều kiến thức xã hội và biết ngoại ngữ cũng là lợi thế.
Chương trình sẽ có 12 tập, thi đấu theo hình thức loại trừ dần với các thử thách về chuyên môn lẫn kỹ năng cho các học viên. Chương trình sẽ mang màu sắc rất khác biệt so với những gì chúng ta quen thấy về cải lương từ trước đến nay. Điều này cũng nhằm tiếp cận được nhiều khán giả trẻ, bởi chính họ là thành tố quan trọng để tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị của nghệ thuật cải lương.
* Bà nhận định như thế nào về cải lương trong đời sống văn hóa hiện nay?
- Cải lương hiện diện rất hùng hồn, là đại biểu cho văn hóa dân tộc. Bởi vì, yêu trong cải lương rất đặc biệt, yêu là phải chung thủy, không chung thủy là không được. Giận trong cải lương cũng rất trung thực, giận là răn dạy để nên người, chứ không phải để ghét bỏ hoặc tiêu diệt. Rồi đến những chuyện rất bình thường trong đời sống, việc cưới hỏi tang ma đều có thể diễn tả bằng làn điệu cải lương một cách thoải mái.
Về cổ nhạc, gắn bó xuyên suốt chương trình là NSND - nhạc sĩ Thanh Hải. Ảnh: Đ.Q
* Bà nhìn thấy gì ở các nghệ sĩ trẻ hôm nay?
- Tôi vừa thương, vừa kính trọng và rất là phục. Các nghệ sĩ trẻ bây giờ cực quá. Thời chúng tôi thì có bầu gánh, thấy bạn giỏi thì đưa bạn về, ký giao kèo rồi mời tác giả viết tuồng "đo ni đóng giày" vai diễn cho bạn. Còn bây giờ, các bạn trẻ tự viết bài, tự đi thu, tự mướn người phối, tự mướn phòng thu, tự đưa lên mạng, tự phát hành… Đã như thế mà các bạn còn bỏ thời gian ra để tìm tri thức mới, để có thể phát triển nghề nghiệp từ căn bản. Tôi vừa thương, vừa kính trọng, vừa hoan nghênh các nghệ sĩ trẻ.
Cũng vì thế mà cần có Học viện cải lương. Lâu lắm rồi, chúng ta không có những nhà hát, những ông bà bầu bỏ tiền ra "của đau con xót" để nhìn thấy một bạn có khả năng và "đo ni đóng giày" cho bạn đó để bạn có thể trở thành một Thành Được, trở thành một Bạch Tuyết, một Ngọc Giàu, một Diệp Lang…
Chúng tôi muốn đóng góp một chút nào đó qua Học viện cải lương. Chương trình sẽ "trình làng" những gương mặt mới, những sản phẩm mới và cũng có kế hoạch phát triển dài hơi cho các tài năng bước ra từ chương trình với sự đồng hành của các thầy cô về sau.
* Hiện chương trình đang được chuẩn bị đến đâu rồi, thưa bà?
- Chương trình hiện đang trong quá trình sản xuất. Đây là dự án được chúng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng và đầy tâm huyết.
Có thể sẽ không làm được bao nhiêu, nhưng dù sao cũng phải làm để nói với những người quan tâm rằng: muốn học được cải lương cho đam mê của mình thì phải chịu khó và phải có người với đầy đủ tư cách nhận định và chỉ điểm bạn phù hợp với dạng vai nào. Điều này thật sự quan trọng. Bởi trong quá khứ, cũng nhờ những bậc thầy đã sớm nhận ra điều này, mới có thể tạo ra những vai diễn để đời cho các nghệ sĩ trong những vở cải lương kinh điển. Học viện cải lương lần này sẽ làm điều đó!
* Cảm ơn bà.