Điện ảnh Hàn là nơi nổi tiếng với những tác phẩm lấy nước mắt người xem. Các nhà làm phim Hàn Quốc, những người rất giỏi trong việc hiểu tâm lí khán giả châu Á, có thể tạo ra hàng chục câu chuyện màn ảnh gây xúc động như vậy mỗi năm. Tuy nhiên, đến cả những tác phẩm nổi tiếng nhất, gây "lụt" phòng vé nhiều nhất, cũng có thể tạo nên những cuộc tranh cãi không hồi kết giữa các bộ phận khán giả. Dưới đây là 3 phim Hàn rơi vào trường hợp như vậy.
Hope
Hope được xây dựng dựa trên vụ án ấu dâm có thật từng gây chấn động Hàn Quốc vào năm 2008. Cô bé Na Young 8 tuổi bị cưỡng hiếp và bạo hành bởi một gã đàn ông say rượu 57 tuổi trong nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, tên ác thú này lại chỉ phải chịu bản án 12 năm tù giam, điều đã khiến dư luận Hàn Quốc phẫn nộ vào thời điểm đó. Trong tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Lee Joon Ik, nhân vật chính được đặt tên là So Won, có nghĩa là "hi vọng" (Hope).
Câu chuyện xúc động trong Hope từng lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả vào năm 2013. Tác phẩm này sau đó đã đoạt giải Phim hay nhất tại Rồng Xanh lần thứ 34, một kết quả được xem là bất ngờ khi các đối thủ của nó là Điều Kì Diệu Ở Phòng Giam Số 7, Snowpiercer và The Face Reader. Bên cạnh đó, những tranh cãi xảy ra xung quanh bộ phim cũng là điều khiến nhiều người không kì vọng vào một chiến thắng dành cho Hope.
Ngoài những lời khen ngợi từ giới phê bình và khán giả dành cho "câu chuyện xúc động về gia đình, cảm xúc chân thành và thông điệp tốt đẹp", Hope bị chỉ trích là "cố gắng biến một trong những tin tức bê bối nhất những năm gần đây trở thành một tác phẩm giải trí ủy mị, lấy nước mắt" và "miêu tả một cách quá lí tưởng cách mà gia đình So Won vượt qua bi kịch".
Không ít người còn đặt câu hỏi rằng liệu có đúng đắn khi kiếm lời từ một sự kiện khủng khiếp như vậy, cho dù mục đích của các nhà làm phim có là gì. Tuy nhiên, đạo diễn Lee Joon Ik cho biết ông thực hiện Hope là để "động viên Na Young và những nạn nhân khác của tội ác tình dục". Theo ông, các phim được xây dựng dựa trên những vấn đề tương tự thường tập trung vào những khía cạnh gây xúc động, phẫn nộ, thay vì những gì xảy ra sau đó; còn Hope lại nhấn mạnh vào việc cộng đồng đã ở bên nạn nhân như thế nào.
Ode to My Father
Bộ phim năm 2014 của đạo diễn Yoon Je Kyoon Ode to My Father là tác phẩm ăn khách thứ hai lịch sử phòng vé Hàn với 14,2 triệu khán giả, chỉ đứng sau Roaring Currents với 17,6 triệu. Phim xoay quanh cuộc đời của Deok Soo (Hwang Jung Min), một người từng để lạc mất em gái mình, Mak Soon, trong cuộc sơ tán Hungnam năm 1950. Bố của Deok Soo đã ở lại để tìm kiếm Mak Soon và dặn dò con trai mình hãy đưa mẹ và hai em tới cảng Busan trước. Trước khi chia tay, Deok Soo và bố đã có một lời hứa, rằng anh sẽ là người thay ông trở thành trụ cột gia đình.
Vào thời điểm ra mắt, Ode to My Father gây nhiều tranh cãi giữa các phe phái chính trị tại Hàn Quốc. Tác phẩm bị nhiều người cáo buộc là cố tình lí tưởng hóa những sự kiện xảy ra trong quá khứ dưới chế độ độc tài và bị nhà phê bình Chin Jung Kwon gọi là "một bộ phim bi lụy hạng thấp". Trong khi đó, luật sư nhân quyền Moon Jae In, hiện là Tổng thống Hàn Quốc, lại phản đối những ý kiến này và cho rằng "đấy chính là thực tế của thời đại đó".
Trái ngược với những tranh luận của các bên, đạo diễn Yoon Je Kyoon lại cho biết ông đã cố tình loại bỏ mọi góc nhìn chính trị khỏi phim và chỉ muốn nói về câu chuyện của những người bố người mẹ đã hi sinh chính mình vì con cái trong thời kì loạn lạc. Yoon coi Ode to My Father là bộ phim để tưởng nhớ tới bố của mình, người đã đột ngột qua đời khi ông mới học đại học (tên của hai nhân vật Deok Soo và Young Ja cũng là tên của bố mẹ ông).
Đảo Địa Ngục
Đảo Địa Ngục là một trong những phim điện ảnh Hàn Quốc ồn ào nhất năm 2017. Với các khán giả nước ngoài, câu chuyện về hàng trăm người Triều Tiên bị bóc lột trên hòn đảo Hashima những năm 1940 đã gây nhiều xúc động cho họ. Tuy nhiên, các nhà phê bình Hàn Quốc và một số tờ báo Nhật Bản lại dành nhiều lời chỉ trích cho đứa con tinh thần của đạo diễn Ryu Seung Wan, biến nó trở thành cái tên gây tranh cãi nhất nhì năm nay của làng phim Hàn.
Đảo Địa Ngục bị cho là bóp méo sự thật về những sự kiện đã xảy ra trên hòn đảo Hashima, nơi đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Trước các cáo buộc từ giới phê bình và báo chí, vị đạo diễn họ Ryu lên tiếng khẳng định Đảo Địa Ngục có những yếu tố "không hư cấu" nhằm thể hiện việc "chiến tranh có thể biến con người trở thành quái vật như thế nào", cũng như tác phẩm của ông không có mục đích truyền tải thông điệp chống Nhật. Song, những lời bảo vệ của ông vẫn không đủ để Đảo Địa Ngục giữ được sức nóng tại phòng vé.