Mới đây, trong vở cải lương "Hoa Mộc Lan tùng chinh", có đến 8 chuyên viên nhắc tuồng cho 8 nghệ sĩ tham gia! Đến nỗi, chỉ huy đêm diễn Võ Hoàng Phương nói vui trên trang cá nhân của anh: Đêm diễn này là "đại hội của nghề nhắc tuồng".

Có thể nói, tình trạng không chịu học tuồng đã trở nên phổ biến. Nhiều nghệ sĩ hóa thân thành những nhân vật cổ trang nhưng trên tai và bên hông lại mang lỉnh kỉnh thiết bị bộ đàm. Sự lạm dụng này đã "giết chết" cảm xúc của nghệ sĩ, khi mà mỗi lời ca, câu thoại đều trông cậy vào người nhắc tuồng. Nếu câu thoại, lời ca của nghệ sĩ hoàn toàn phụ thuộc người nhắc tuồng thì cảm xúc, sự nhập tâm của họ vào vai diễn không còn. Đôi khi máy móc bị trục trặc, người nhắc phải la lớn khiến cả khán phòng đều nghe!

7-nghe-si-vang-1678192959918449575273.jpg

Thế hệ “nghệ sĩ vàng” của sân khấu cải lương luôn được khán giả yêu quý bởi tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc

Chưa bao giờ sự lạm dụng này rộ lên quá đáng như hiện nay. Thậm chí, một số nghệ sĩ lâu nay được khán giả yêu quý bởi tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, thì nay cũng đã thỏa hiệp với... máy nhắc tuồng. Nhiều người trong cuộc cho rằng nguyên nhân là do những nghệ sĩ này nhận quá nhiều sô diễn, thời gian đầu tư cho vai diễn quá ít nên không thuộc lời.

Tình trạng nghệ sĩ không chịu học tuồng còn dẫn đến hệ lụy khác, khiến các soạn giả kêu trời. Do không thuộc tuồng, không nghiên cứu sâu nên nghệ sĩ đã "phịa" ra lời thoại, câu ca trong trường hợp nghe nhắc không rõ.

Điều đáng lo là chuyện "tam sao thất bản" nội dung lời thoại, câu ca của vở diễn, nhất là những tuồng kinh điển của sân khấu cải lương, đã mặc nhiên tồn tại trong thời gian dài. Nhiều khán giả phàn nàn khi mua vé xem cải lương đã gặp phải những "hạt sạn" này. Họ cho rằng các diễn viên phải trông chờ nhắc tuồng đã không coi trọng nghề nghiệp của mình, nhất là thiếu tôn trọng khán giả.

Có ý kiến cho rằng Hội đồng Nghệ thuật - Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM cần nghiêm khắc hơn khi tiếp nhận và cấp giấy phép cho những vở diễn thiếu nghiêm túc. Theo NSND Trần Minh Ngọc, khán giả có thể chấp nhận bỏ qua đối với trường hợp nghệ sĩ thế vai đột xuất, phải lệ thuộc máy nhắc tuồng. Song, với những tác phẩm đưa đến công chúng mà lại không thuộc đến 90% lời thoại, câu ca thì nghệ sĩ tham gia liệu có xứng đáng?

"Cần hủy ngay buổi phúc khảo vở diễn nếu thấy sự lạm dụng này đã gây ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp của đời sống sàn diễn. Khi đã được cấp phép, vở công diễn mà nghệ sĩ không thuộc tuồng, gây phản cảm thì bộ phận hậu kiểm vẫn có thể đề xuất rút giấy phép biểu diễn" - NSND Trần Minh Ngọc đề xuất.

Đã qua rồi thời kỳ sàn diễn khó khăn khi vắng khán giả. Hiện tại, tình hình sân khấu rất khả quan, người xem đã mua vé xem và vở mới của nhiều sân khấu xã hội hóa lần lượt ra đời. Cách làm nghề thiếu tự trọng nêu trên cần sớm được chấm dứt, nếu không thì khán giả sẽ quay lưng với sân khấu cải lương.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022