Năm 2017 có thể gọi là một năm đại tiệc các "bom tấn" truyền hình vì sự ra mắt của hàng loạt các bộ phim hấp dẫn trên màn ảnh nhỏ và tạo được các "cơn sốt", hiện tượng trên diện rộng. Cùng nhìn lại xem chúng ta có được những cái tên nào đã "làm mưa làm gió" suốt một năm qua trên màn ảnh nhỏ.
1. Zippo, mù tạt và em
Zippo, mù tạt và em kể về mối tình tay ba giữa Lam (Lã Thanh Huyền), Huy (Hồng Đăng) và Sơn (Mạnh Trường). Huy và Sơn là bạn thân của nhau, đều nhà giàu và đẹp trai. Trong khi Sơn là chàng trai hiền lành, có phần nhút nhát thì Huy lại là tay sát gái và chỉ thích những cô nàng có thân hình nóng bỏng.
Dàn diễn viên tươi trẻ của Zippo, mù tạt và em
Sơn yêu Lam nhưng cô thẳng thừng từ chối. Để trả thù cho bạn, Huy tán tỉnh Lam và đó cũng là lúc trớ trêu xảy ra: Huy phải lòng Lam thật, mở đầu cho mối tình tay ba trắc trở và mệt mỏi. Dù có mô-típ nội dung không mới nhưng Zippo, mù tạt và em vẫn ghi điểm nhờ diễn xuất ăn ý của các diễn viên, bối cảnh phục trang bắt mắt, phù hợp với xu hướng của giới trẻ.
2. Tuổi thanh xuân 2
Sau nhiều ngày tháng chờ đợi, Tuổi thanh xuân 2 đã lên sóng trong năm 2017 để hiện thực hoá lời hứa hẹn của đoàn làm phim với khán giả sau khi phần 1 kết thúc. Bộ phim vẫn tiếp tục câu chuyện tình cảm vốn rất trắc trở giữa Linh (Nhã Phương) và Junsu (Kang Tae Oh) ở phần trước.
Linh và Junsu lại tiếp tục gặp trắc trở trong Tuổi thanh xuân 2
Dù đã có kết thúc tốt đẹp ở cuối phần 1 nhưng lần này đoàn làm phim vẫn chưa chịu "buông tha" cho cặp đôi khốn khổ mà tiếp tục để cho Junsu bị tai nạn mất trí nhớ và câu chuyện thêm phần kịch tính khi xuất hiện 2 "kì đà" là Phong (Mạnh Trường) và Cynthia (Jung Hae Na). Tuy có mô-típ tình cảm kiểu Hàn Quốc cũ mèm nhưng với bối cảnh hữu tình được quay ở Đà Nẵng và dàn diễn viên trai xinh gái đẹp, Tuổi thanh xuân 2 vẫn thu hút khán giả cho đến những tập cuối cùng.
3. Người phán xử
Không được quảng bá rầm rộ như Tuổi thanh xuân 2 và Zippo, mù tạt và em nhưng Người phán xử vẫn là bộ phim top đầu về lượng rating trên khung giờ vàng năm nay. Với kịch bản được Việt hoá từ bộ phim truyền hình Ha Borer đình đám của Israel, Người phán xử có mạch phim lôi cuốn và hấp dẫn đến từng phút.
Bất chấp tuổi tác, NSND Hoàng Dũng và NSƯT Trung Anh vẫn là 2 ngôi sao sáng của Người phán xử
Bộ phim kể về cuộc đời và gia đình của ông trùm Phan Quân (NSND Hoàng Dũng), một chủ tập đoàn xã hội đen hùng mạnh nhất vùng biên. Biến cố xảy đến khi đứa con thất lạc của ông Quân là Lê Thành (Hồng Đăng) xuất hiện và bộc lộ những tố chất lãnh đạo tuyệt vời mà Phan Hải (Việt Anh), đứa con trai do ông nuôi dạy không hề có được. Người phán xử mở ra một hy vọng mới cho dòng phim cảnh sát hình sự ở Việt Nam và hứa hẹn sẽ còn những sản phẩm ăn theo như phiên bản điện ảnh Người phán xử do Quang Huy thực hiện, cùng một niềm hy vọng về tương lai huy hoàng của phim truyền hình nước nhà.
4. Sống chung với mẹ chồng
Cũng là một bộ phim lấy ý tưởng từ ngoại quốc, cụ thể là tiểu thuyết cùng tên của Trung Quốc. Được công chiếu song song với Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng cũng tạo nên một cơn sốt tương tự. Sống chung với mẹ chồng có bối cảnh khá gần gũi với khán giả Việt khi xoáy sâu vào mối quan hệ muôn thuở trong các gia đình Á Đông: mẹ chồng – nàng dâu.
NSND Lan Hương thử thách bản thân trong lần đầu đóng vai mẹ chồng khó tính
Phim kể về cuộc sống của Vân (Bảo Thanh) khi bắt đầu về nhà chồng và gặp phải một bà mẹ chồng tai quái là bà Phương (NSND Lan Hương). Sự kìm kẹp đến mức gần như khôi hài của bà Phương cộng thêm sự nhu nhược của người chồng (Anh Dũng) đã khiến cho cuộc hôn nhân của Vân nhanh chóng đổ vỡ. Với những tình tiết thức thời và dễ gây sự đồng cảm cũng như tranh cãi, Sống chung với mẹ chồng là một trong những điểm sáng của phim gia đình trên truyền hình Việt năm 2017 cũng như một hiện tượng trên mạng xã hội.
5. Gia đình là số 1 (bản Việt)
Cuộc sống quá hối hả để người ta có thể sắp xếp được thời gian ăn tối cùng nhau, đặc biệt là giữa thế hệ trẻ với gia đình. Và nhờ có sitcom Gia đình là số 1, bữa cơm tối của nhiều gia đình, đặc biệt là những người sống và làm việc tại miền Nam, gần như trọn vị hơn.
Gia đình là số 1 là sitcom được remake lại từ "High kick" – series đình đám tại xứ sở kim chi. Không khác nhiều so với bản gốc, đây vẫn là câu chuyện rất đời, rất chân thực xoay quanh một gia đình có ba thế hệ sống chung dưới một mái nhà. Và lẽ dĩ nhiên, những xung đột là không thể tránh khỏi, nhất là khi mọi người có cá tính quá mạnh và đối lập nhau. Đó cũng chính là chất keo kết dính toàn bộ chuyện phim, giữa các thành viên với xã hội và giữa các thành viên với nhau.
Tuy nhiên nếu xây dựng một sitcom về gia đình Hàn Quốc mà chiếu trên khung giờ vàng, trường kì trong tận 208 tập cho những gia đình Việt Nam xem, chắc chắn sẽ là một thất bại có thể dự đoán của bộ phim. Thế nhưng không! Vẫn là kịch bản với câu chuyện vui buồn về gia đình có ba thế hệ ấy, nhưng toàn bộ ekip phim đã "làm lại" chứ không phải "chép lại". Khán giả luôn bắt gặp những gì gần gũi nhất, hài hước nhất và Việt Nam nhất trong mỗi thước phim. Những đạo lý, bài học và giá trị nhân văn mà bộ phim muốn truyền tải cứ nhẹ nhàng chạm đến trái tim và tiềm thức của khán giả như thế. "Gia đình là số 1" có thể được xem như một series sitcom được đầu tư với quy mô lớn nhất từ trước đến nay với kinh phí lên tới gần 250 triệu đồng cho 1 tập phim dài 30 phút.
Cùng với đó là sự tham gia diễn xuất của cả những diễn viên gạo cội giàu kinh nghiệm lẫn những gương mặt trẻ đầy tiềm năng, sitcom đã trở thành một món ăn trong mâm cơm mỗi tối từ thứ 2 đến thứ 5 của nhiều gia đình, giống như sitcom "quốc dân" của năm.
6. Ghét thì yêu thôi
Ghét thì yêu thôi là bộ phim tình cảm dành cho giới trẻ trên khung giờ vàng, lên sóng ngay sau khi Người phán xử kết thúc. Cũng như cái tên, phim kể về mối tình giữa Kim (Phương Anh) và Du (Đình Tú), 2 con người với 2 tính cách đối lập, vốn coi nhau như kẻ thù "không đội trời chung" nhưng càng về sau càng phát hiện ra những điểm cuốn hút của đối phương và sau này trở thành một cặp đôi không gì có thể tách rời. Những va chạm, những trò trả đũa hài hước giữa các nhân vật là điểm nhấn lớn nhất trong Ghét thì yêu thôi.
Kim và Du trong Ghét thì yêu thôi
Dù không được nhắc đến hay bàn tán nhiều cũng như nội dung không quá mới lạ nhưng Ghét thì yêu thôi lại có một tổng thể dễ chịu, không gây "tăng xông" như nhiều phim truyền hình khác cùng chủ đề.
7. Thương nhớ ở ai
Với đề tài thân phận bi kịch của người phụ nữ thời hậu chiến, hình ảnh làng quê nông thôn Bắc Bộ đầy biến động trong những năm 1954 – 1975, và sự hoành tráng trong đầu tư dàn diễn viên, bối cảnh với gần 2000 cảnh kỹ xảo, Thương nhớ ở ai là một trong những món ăn tinh thần đặc sắc dành cho khán giả truyền hình những tháng cuối cùng của năm 2017.
3 nhân vật chính của Thương nhớ ở ai
Bộ phim kể về mối tình tay ba tréo ngoe và thê lương giữa Hơn (Hồng Kim Hạnh), Vạn (Lâm Vissay) và Nhân (Ngọc Anh). Trong đó, Vạn là bộ đội phục viên trở về làng trong khi Nhân, mối tình đầu của anh giờ lại đang mang thân phận là vợ liệt sĩ. Còn Hơn, người goá phụ đẹp nhất làng có rung động tình cảm với Vạn thì phải đấu tranh với mối nghi ngờ rằng anh chính là kẻ đã giết chồng mình.
Bên cạnh nội dung được đầu tư kỹ lưỡng, ca khúc nhạc phim Trầu không do Hồng Duyên thể hiện một cách xuất sắc cũng là một trong những điểm nhấn chính khiến khán giả quan tâm đến Thương nhớ ở ai.
Tạm kết
Bên cạnh những cột mốc đáng kinh ngạc ở mảng điện ảnh, phim truyền hình Việt năm 2017 cũng có nhiều điểm nhấn đáng chú ý và giúp cho khán giả có thêm nhiều hy vọng về các sản phẩm chất lượng trên màn ảnh nhỏ trong tương lai. Không thể phủ nhận sự háo hức mà khán giả màn ảnh nhỏ có được sau khi xem những bộ phim trên đây. Mong rằng thừa thắng xông lên, phim truyền hình trong năm 2018 sẽ có nhiều tác phẩm chất lượng hơn nữa.