Dựa trên tiểu thuyết của nữ văn sĩ Agatha Christie năm 1934, đạo diễn kiêm diễn viên Kenneth Branagh đem đến một nỗi khoan khoái cho những tín đồ hoài cổ trong việc tái hiện lại vụ án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông mang tên Murder on the Orient Express. Quy tụ một loạt ngôi sao sáng trong dàn cast, thế nhưng tác phẩm lại không thể neo đậu lại trong tâm trí người xem với một kịch bản
Khi Poirot một mình tranh lái cả đoàn tàu
Nội dung phim kể về kỳ nghỉ xả hơi của thám tử lỗi lạc Hercule Poirot trên chuyến tàu tốc hành phương Đông với niềm yêu thích duy nhất là được yên ổn để đọc Charles Dickens. Tuy nhiên, cũng giống như cậu bé người Nhật Bản nào đó thì nơi đâu Poirot xuất hiện thì y rằng có án mạng hoặc tội ác diễn ra. Poirot phải bắt khán giả chuyển sự chú ý từ bộ râu của mình (có lẽ là bộ râu quái đản nhất từ sau hồi Johnny Depp đóng Mortdecai) sang án mạng của một trong những hành khách trong khoang – đa dạng tới nỗi đại diện cho mỗi lục địa và sắc tộc, thậm chí là quan điểm chính trị và tôn giáo trên thế giới.
Nhìn sơ sơ qua chúng ta có một bà công chúa người Nga (Judi Dench) cùng bà hầu gái khúm núm (Olivia Colman), cô giáo nghiêm nghị (Daisy Ridley), anh chàng bác sĩ da màu (Leslie Odom Jr), một ông giáo sư người Đức (Willem Dafoe); một phụ nữ cuồng đạo (Penélope Cruz), cặp vợ chồng bá tước quái đản không khác gì ma cà rồng (Sergei Polunin và Lucy Boynton), một nhà buôn Latin niềm nở (Manuel Garcia-Rulfo) và một gã buôn đồ cổ người Mỹ (Johnny Depp).
Số sao đông tới mức bạn đầu hàng trong việc nhớ tên nhân vật của họ và mỗi lần ai đó đi qua màn ảnh, bạn lại phải gán cho họ một cái nickname đại loại Johnny Depp: người Mỹ trầm lặng hay gì đó đại loại vậy.
Nhìn dàn diễn viên đã muốn nhỏ nước miếng rồi đúng không? Họ được quay ở những góc khác nhau, với ánh sáng khung cửa kính của tàu hắt lên khuôn mặt như những bức chân dung. Ấn tượng đấy nhưng đáng buồn là dám cá trong số này không ít người đã và đang thấy tiếc cho thời gian mình bỏ ra trong chuyến tàu chết tiệt đó trên màn ảnh.
Ngoài Poirot, chân dung các nhân vật còn lại hiện ra mờ nhạt và chớp nhoáng. Họ xuất hiện đều rất hứa hẹn, nhưng những gì sau đó thì ôi lạy chúa, người Mỹ người Đức người Mexico như nhau cả. Nên có một đạo luật cấm người ta dám để Judi Dench xuất hiện xong chẳng làm gì trên màn ảnh.
Và khi bạn mua nhầm phải vé tàu bị delay
Murder on the Orient Express có một kịch bản hao hao với cả những ai chưa thèm đọc sách (thề đấy, đi ra tiệm mua ngay đi) và xem phiên bản chuyển thể cùng tên rất thành công năm 1974. Cũng một mạng người trong một đám hành khách tưởng chừng ất ơ trên chuyến tàu từ Istanbul tới Calais. Cũng một ông thám tử đại tài, bất hạnh và may mắn làm sao, có mặt trong đêm xảy ra án mạng ấy.
Công bằng mà nói, nội dung phim bám khá sát nguyên tác (trừ việc thừa chiều cao và thiếu đi quả đầu hình trứng của ông Poirot), tuy nhiên lại xuất hiện những chi tiết trời ơi đất hỡi mà một phiên bản chuyển thể điện ảnh với thời lượng hai tiếng nên biết cách tiết chế lại.
Ví dụ như cảnh đuổi bắt dài tượt và ầm ĩ dưới cây cầu gỗ, những phân cảnh hồi tưởng quá khứ về tình yêu của Poirot hầu như chẳng có tác dụng gì trong phim, một đoạn gợi nhắc siêu phẩm Bữa ăn tối cuối cùng một cách không thể lộ liễu hơn, đoạn giải thích về đạo đức trong thời tiết lạnh giá và bỏ mặc những công nhân dọn tuyết chờ một ông già bị bắn vào tay.
Tất cả chúng như những hạt sạn làm cho Murder on the Orient Express trở nên dài hơn thời lượng thực tế hai tiếng đồng hồ. Điểm trừ này nổi bần bật giống như là chiếc mũi gồ lên trên gương mặt vậy, mà chúng ta đều biết Poirot nói gì về chiếc mũi mà.
Kenneth Branagh – người diễn đã cố hết sức để khiến người ta tin ông là một nhà thám tử lỗi lạc (bằng cách bắt chước Sherlock Holmes trông mặt bắt hình dong mấy người ông này gặp và bắt chước luôn cả mấy tuyệt kỹ chiến đấu bởi tuổi tác không thành vấn đề). Kenneth Branagh – người đạo diễn cũng đã cố gắng trong việc bù đắp cho nội dung phim bằng một số cảnh quay ấn tượng. Ngần đó nỗ lực đã cứu Murder on the Orient Express khỏi một bộ phim dở, để thành một bộ phim tẻ nhạt.