Sáng 3-8, chương trình "Mai Vàng nhân ái" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến thăm hai nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử Nguyễn Đình Tư và Nguyễn Đình Đầu.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đã trao tiền hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái" (mỗi người 10 triệu đồng) và quà lưu niệm "Kỷ niệm 47 năm thành lập Báo Người Lao Động" đến hai nhà nghiên cứu lão thành đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp nghiên cứu văn hóa - lịch sử - địa lý về TP HCM và cả nước.
Cùng đi với đoàn có ông Trần Bảo Hoàn - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Ngân hàng TMCP Nam Á.
Ông Tô Đình Tuân (bìa trái) và ông Trần Bảo Hoàn trao tiền hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái" cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu
Người có bộ sưu tập bản đồ nhất Việt Nam
Đoàn đã đến thăm nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, ông là người có những công trình nghiên cứu, tài liệu sưu tầm trong lĩnh vực lịch sử, địa lý quý giá. Năm nay ông đã 103 tuổi, vẫn còn minh mẫn, sáng suốt.
Trò chuyện với ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu bày tỏ lòng cảm ơn chương trình đã đến thăm và trao quà. "Đây là niềm động viên lớn đối với tôi. Sau đại dịch Covid -19, vấn đề giao tiếp thăm hỏi rất hạn chế, nên buổi hội ngộ hôm nay rất ý nghĩa!" - nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu bày tỏ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho biết dù đã 103 tuổi, nhưng mỗi ngày ông vẫn làm việc 8 giờ, vẫn suy nghĩ về công việc nghiên cứu. Đặc biệt đang chuẩn bị cho việc in sách và triển lãm trong thời gian tới.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu
Tổng Biên Tập Tô Đình Tuân bày tỏ mong muốn nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu tiếp tục có những đóng góp, hiến kế và góp sức cho sự phát triển của thành phố.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sinh năm 1919, tại Hà Nội. Ông từng tham gia cách mạng. Sau năm 1975, ông về sinh sống ở TP HCM với công việc giảng dạy và nghiên cứu lịch sử, địa lý. Ông là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu và sách rất nổi tiếng về địa bạ và bản đồ. Suốt cuộc đời, ông đã dành thời gian nghiên cứu về địa lý, lịch sử vùng Nam Bộ, Nam Trung Bộ.
Ông rất quan tâm đến chủ quyền biển đảo và có bộ sưu tập bản đồ quý giá với hơn 3.000 bản đồ cổ, trong đó có nhiều tấm bản đồ thể hiện rất rõ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Dộng trò chuyện với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu
Năm 2005, ông được trao Giải thưởng Trần Văn Giàu với công trình nghiên cứu địa bạ và ruộng đất triều Nguyễn, và là người đầu tiên nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu khoa học vào năm 2009.
Năm 2020, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu ra mắt sách Tạp ghi Việt Sử Địa tập 3, nối tiếp tập 1 và tập 2 đã được phát hành trước đó. Đây là quyển sách được ông dày công ghi chép trong nhiều năm liền, giúp bạn đọc có thêm nhiều tư liệu quý giá liên quan đến địa lý và lịch sử dân tộc.
Ông Tô Đình Tuân và ông Trần Bảo Hoàn trao tặng quà lưu niệm "Kỷ niệm 47 năm thành lập Báo Người Lao Động" cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu
"Tôi cho rằng chương trình "Mai Vàng nhân ái" của Báo Người Lao Động là một hoạt động thiết thực và có ý nghĩa khi đã hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ khó khăn, có nhiều cống hiến cho đất nước, đó là sự chung tay góp phần với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương chăm lo cho văn nghệ sĩ có cuộc sống tốt hơn, để sáng tác, để tiếp tục cống hiến" - nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nhận xét.
Làm nghề vá xe để tự học và nghiên cứu
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh tại Thanh Chương, Nghệ An. Thời kháng chiến chống Pháp ông Nguyễn Đình Tư là cộng tác viên báo Độc Lập; năm 1962 ông làm việc cho Ty Điền địa Phú Yên. Năm nay ông đã tròn 102 tuổi, vẫn mạnh khỏe, sáng suốt.
Trò chuyện với Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết cuộc đời ông đã vượt qua nhiều giai đoạn vất vã, đã từng hai lần bỏ học vì kinh tế khó khăn.
Ông Tô Đình Tuân (bìa phải) và ông Trần Bảo Hoàn trao tặng tiền hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái" cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư
"Tôi vốn đam mê sử học, thích đọc sách, tìm tòi, nghiên cứu và tự học từ nhỏ. Nên dù đời sống khó nhọc, có thời gian dài đi làm nghề sửa, vá xe ở lề đường, vừa làm vừa học, khi lập gia đình rồi cũng từ cái nghề vá xe mà nuôi 6 người con ăn học đến nơi, đến chốn. Sau này con cái thành tài, tôi mới bỏ nghề vá xe ở lề đường. Nhưng gia đình tôi vẫn sống đúng với tiêu chí tiết kiệm vốn như lâu nay. Con cháu trong nhà không sống phung phí mà phải biết trân quý những thành quả lao động của mình" - nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư bày tỏ.
Chia sẻ bí quyết sống thọ, ông cho biết dù đã 102 tuổi nhưng vẫn làm việc miệt mài. Từ 6 giờ sau khi ăn sáng, là tập thể dục, sau đó sẽ ngồi vào máy tính để làm việc. Đến 11 giờ 30 ăn trưa, rồi 14 giờ tiếp tục viết. Buổi chiều tập thể dục bằng cách đi bộ 10 lần lên xuống cầu thang 2 tầng trong nhà, ăn chiều xong, sau 17 giờ ông lại ngồi làm việc đến 23 giờ 30 mới đi ngủ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư được biết nhiều với các công trình nghiên cứu về lãnh thổ Việt Nam qua từng thời kỳ, và được giới nghiên cứu đánh giá là một nhà khoa học nghiêm túc, tận tụy và có nhiều cống hiến quan trọng cho khoa học Việt Nam.
Năm 1996, ông là ủy viên thường trực Hội đồng đặt và đổi tên đường TP HCM, là người đề xuất với hội đồng đặt cho TP HCM hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa.
Tính đến nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư có khoảng 60 đầu sách đã xuất bản, các công trình nghiên cứu giá trị từ trước năm 1975. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách nghiên cứu về địa danh hành chính, lịch sử vùng đất Nam Bộ và Gia Định - Sài Gòn - TP HCM.
Đó là những tác phẩm như: "Non nước Phú Yên", "Non nước Khánh Hòa", "Non nước Ninh Thuận", "Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc" (1859-1954), "Đường phố nội thành TP HCM", "Nam Kỳ địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục"; tác phẩm lịch sử: "Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ" (1859-1954). Đặc biệt là cuốn "Gia Định - Sài Gòn TP HCM dặm dài lịch sử" (1698 - 2020) đã được xuất bản quyển 1, ông đang chuẩn bị ra mắt quyển 2 trong thời gian tới.
Tổng Biên tập Tô Đình Tuân cho rằng thông qua các công trình nghiên cứu giá trị của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, những nỗ lực không ngừng của ông trong việc tìm kiếm các nguồn tư liệu, đào sâu các đề tài sử học và hoàn thành các công trình giá trị quý giá cho đất nước - ông là tấm gương cho các thế hệ nghiên cứu trẻ hôm nay và mai sau noi theo.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nói lời cảm ơn chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã dành tình cảm và sự ghi nhận trong công việc của ông, đồng thời trao tặng món quà hỗ trợ ý nghĩa.
Một ngày thật ý nghĩa với chương trình "Mai Vàng nhân ái", khi các lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, phóng viên của Báo Người Lao Động và Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến thăm nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư
Ông Trần Bảo Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Ngân hàng TMCP Nam Á:
Qua chương trình "Mai Vàng nhân ái" hôm nay đến thăm hai nhà nghiên cứu lão thành, tôi cảm thấy rất xúc động và ngưỡng mộ tinh thần ham học hỏi, say mê với công việc của hai nhà nghiên cứu tiền bối của TP HCM. Hai ông Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư dù đã cao niên, vẫn miệt mài làm việc, cống hiến, đó là tấm gương sáng dành cho thế hệ trẻ, trong đó có bản thân tôi".