Ra mắt vào năm 2009, bom tấn Avatar của đạo diễn James Cameron đã nhanh chóng ghi tên mình vào lịch sử điện ảnh với tư cách là bộ phim có doanh thu phòng vé cao nhất mọi thời đại. Không chỉ mang đến kịch bản hấp dẫn, Avatar còn chinh phục những khán giả khó tính nhất nhờ hình ảnh 3D sống động, lung linh và chân thật. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên không phải phim hoạt hình được làm bằng công nghệ 3D với kinh phí lên đến 200 triệu USD - một con số khổng lồ vào thời điểm hơn 1 thập kỷ trước.
Avatar hiện đang là bộ phim điện ảnh có doanh thu cao nhất thế giới - Ảnh: 20th Century Studios
Năm 2019, thời điểm dòng phim siêu anh hùng đang ở giai đoạn thăng hoa, Avengers: Endgame đã dễ dàng “soán ngôi” Avatar để trở thành tác phẩm điện ảnh ăn khách nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, thành tích này không kéo dài được lâu bởi chỉ một năm sau đó, Avatar đã giành lại vị thế số một của mình nhờ đợt tái công chiếu tại thị trường Trung Quốc. Đến nay, bom tấn của đạo diễn Cameron đã thu về tổng cộng hơn 2,9 tỷ USD.
- Avatar phần 2 nhận "cơn mưa" lời khen sau buổi công chiếu sớm
Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy Avatar sở hữu sức hút vượt thời gian và khủng khiếp đến mức độ nào. Sẽ không quá lời khi nhận định nếu bây giờ bộ phim này mở bán vé trở lại, khán giả vẫn sẽ sẵn sàng “móc hầu bao” để ủng hộ ngay cả khi họ đã xem đi xem lại nhiều lần. Thế nhưng, với thành công rực rỡ như vậy, tại sao đến tận bây giờ, sau 13 năm, phần hậu truyện tiếp theo của Avatar mới được ra mắt?
Đạo diễn James Cameron cần nhiều thời gian để khám phá thế giới
Đạo diễn James Cameron đã dành nhiều thời gian để trải nghiệm thực tế sau khi Avatar đóng máy - Ảnh: CBR
Tựa đề chính thức của Avatar 2 là Avatar: The Way of Water (Avatar: Dòng chảy của nước). Cái tên nói lên tất cả, bối cảnh chính của bộ phim này là những đại dương mênh mông, xinh đẹp của Pandora, với sự xuất hiện của Metkayina, một tộc người sống giữa những con sóng.
James Cameron vốn là một người vô cùng yêu thích cuộc sống biển khơi. Ông từng nhiều lần sử dụng tàu ngầm để khám phá bãi đắm của con tàu Titanic. Ngay sau khi đóng máy Avatar, ông thậm chí đã cho xây dựng một con tàu ngầm hiện đại để có thể chinh phục được nơi sâu nhất của đại dương - Rãnh Mariana. Năm 2012, ông trở thành cá nhân đầu tiên trong lịch sử có thể tự mình lặn xuống dưới độ sâu 6,8 dặm (10,9km).
Bên cạnh đó, vị đạo diễn tài ba còn tham gia nhiều hoạt động ủng hộ việc ăn chay, ăn những thực phẩm thay thế cho thịt, như một cách để bảo vệ môi trường và sức khỏe của bản thân. Năm 2018, ông đã hỗ trợ sản xuất dự án phim tài liệu Game Changers để chia sẻ về những vận động viên có chế độ ăn kiêng đặc biệt, dựa trên rau, củ, quả và những loại thực vật khác.
Nói tóm lại, thay vì vội vàng sản xuất những phần hậu truyện của Avatar, Cameron đã dành thời gian để nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống, đồng thời tích lũy thêm kinh nghiệm thực tế để có thể đưa vào những tác phẩm sau này của mình.
Những thay đổi trong kế hoạch dành cho Avatar: Từ 3 thành 5 bộ phim
Avatar là tham vọng cực lớn của James Cameron - Ảnh: 20th Century Studios
Ban đầu, James Cameron đã dự định sẽ chỉ sản xuất tổng cộng 3 bộ phim Avatar. Ông bắt đầu lên kế hoạch cho những phần hậu truyện vào năm 2012, và chính thức cùng các biên kịch xây dựng kịch bản vào năm 2013. Tuy nhiên, kế hoạch của Cameron đã buộc phải thay đổi khi ông muốn khai thác nhiều câu chuyện hơn nữa trong thế giới giả tưởng của mình, và tăng số lượng phim lên thành 5 bộ. Chia sẻ với New York Times, ông cho biết quá trình xây dựng kịch bản cho 4 phần phim tiếp theo, bao gồm cả Avatar: The Way of Water, mất khoảng 4 năm.
Những tác phẩm mới sẽ tập trung giới thiệu rất nhiều các nhóm người Na’vi mới, những địa điểm mới tại Pandora. Ngoài ra, điểm đặc biệt của Avatar là sự chăm chút đến từng chi tiết trong hệ thống động và thực vật tại hành tinh giả tưởng của mình, cũng như cách mà thiên nhiên nơi đây tác động đến phong tục, lối sống của người Na’vi. Điều này đòi hỏi các biên kịch phải dành nhiều thời gian để tạo ra các quần xã sinh vật khác nhau cho Pandora. Tất cả những đặc điểm chi tiết như về ngoại hình, trang phục hay đặc điểm sinh hoạt của những tộc người Na’vi mới đã “ngốn” của họ khoảng thời gian 5 năm nghiên cứu và sáng tạo.
Bên cạnh đó, James Cameron còn tham gia vào hàng loạt dự án “ăn theo” khác như Công viên giải trí Disney, khu vui chơi Avatar Flight of Passage, hay Na’vi River Journey (chuyến đi xuyên con sông của người Na’vi). Nói cách khác, ông vẫn luôn tâm huyết với đứa con tinh thần của mình, nhưng phải phân bổ thời gian để thực hiện cả những kế hoạch khác thay vì chỉ tập trung xây dựng các phần hậu truyện của Avatar.
James Cameron phải đầu tư cho công nghệ ghi hình dưới nước để phục vụ cho bom tấn tiếp theo của Avatar
Công nghệ cũng là một trong những nguyên nhân khiến quá trình sản xuất Avatar: The Way of Water tốn rất nhiều thời gian - Ảnh: 20th Century Studios
Hơn một thập kỷ sau khi ra mắt, Avatar vẫn đẹp lung linh và không hề bị lỗi thời so với những bom tấn điện ảnh đỉnh cao nhất hiện nay. Điều này phần lớn là nhờ công nghệ ghi lại chuyển động (motion-capture/mo-cap) mà Cameron đã áp dụng triệt để nhằm bắt trọn mọi cử động trên gương mặt và cơ thể diễn viên một cách mượt mà và tạo ra những người Na’vi chân thật và sống động nhất.
Trong bộ phim tiếp theo, ông vẫn muốn tiếp tục sử dụng công nghệ này, nhưng với bối cảnh là trong lòng đại dương rộng lớn - một tham vọng cực lớn và cần rất nhiều thời gian để có thể phát triển được giải pháp tối ưu nhất. Cuối cùng, Cameron và đội ngũ sản xuất đã quyết định tạo ra những chiếc máy quay dưới nước đặc biệt, đồng thời hợp tác cùng Weta Digital, “gã khổng lồ” trong làng kỹ xảo, để nâng cấp chất lượng hình ảnh trong khâu hậu kỳ bằng trí tuệ nhân tạo.
Chia sẻ với Entertainment Weekly, Cameron cho biết ban đầu, các đồng nghiệp của ông muốn áp dụng phương pháp “dry for wet” cho quá trình ghi hình. Đây là kỹ thuật sử dụng khói, màu sắc, ánh sáng, kết hợp với kỹ xảo để tạo ra hiệu ứng như thể các diễn viên đang hoạt động trong lòng nước. Tuy nhiên, nam đạo diễn đã phản đối phương án này với lý do không mang đến sự chân thật cho phim.
Để chứng minh cho nhận định của bản thân, ông thậm chí còn cho ghi hình thử theo 2 cách, “dry for wet” và quay phim thực tế ở dưới nước. Kết quả thu được mang đến sự chênh lệch khá lớn về mặt chất lượng hình ảnh. Đó chính là lý do vì sao, Cameron đã quyết định giành nhiều thời gian để tối ưu hóa công nghệ quay phim dưới nước, trước khi chính thức bước vào quá trình bấm máy của Avatar: The Way of Water.
Quá trình quay phim kéo dài đến 3 năm
Khâu sản xuất của Avatar: The Way of Water đã tiêu tốn khá nhiều thời gian của James Cameron - Ảnh: 20th Century Studios
James Cameron đã quyết định ghi hình song song Avatar 2 và Avatar 3, bởi ông thừa hiểu mỗi một phần phim như vậy có thể “ngốn” nhiều thời gian đến mức độ nào. Tuy nhiên, vì phải “cân” cả 2 dự án một lúc nên quá trình bấm máy của Avatar: The Way of Water cũng bị kéo dài ra hơn so với những bom tấn điện ảnh khác. Bộ phim này bắt đầu ghi hình vào năm 2017 và đóng máy 3 năm sau đó, với 1 khoảng thời gian tương đối dài phải chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Cameron cũng đặt ra những yêu cầu rất khắt khe dành cho dàn diễn viên và ê-kíp sản xuất. Phần lớn thời gian họ phải ghi hình trong một bể chứa 900.000 gallon nước, được xây dựng để phục vụ riêng cho phần phim này. Vì bọt khí tạo ra từ những thiết bị lặn có thể gây cản trở quá trình quay phim, các diễn viên đã phải dành hàng tháng trời để tập nín thở càng lâu càng tốt. Theo một số báo cáo cho biết, nữ diễn viên Kate Winslet là người đang nắm giữ thành tích cao nhất khi cô có thể nhịn thở dưới nước đến hơn 7 phút. Ngoài ra, quá trình hậu kỳ cho Avatar: The Way of Water cũng vô cùng phức tạp và tốn khá nhiều thời gian.
Với những đầu tư “chịu chơi” như vậy, không có gì bất ngờ khi Avatar: The Way of Water cần đến một khoản kinh phí khổng lồ. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với GQ, James Cameron cho biết bộ phim này cần phải lọt vào danh sách Top 5 phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại thì mới có thể hòa vốn.
Avatar: The Way of Water sẽ chính thức công chiếu vào ngày 16/12 tới đây.
Nguồn: 20th Century Studios, Time, CBR