nghe_thuat_cheo.jpgHình ảnh người thanh niên yêu nước Đặng Xuân Khu rời quê hương đi làm cách mạng.

Trong khuôn khổ Liên hoan chèo toàn quốc diễn ra từ 12-28/10 tại Hà Nam, nhiều vở chèo hay, ý nghĩa đã được các đơn vị nghệ thuật các địa phương dàn dựng, biểu diễn để dự thi và phục vụ khán giả.

Trong số đó, vở “Trọn đời vì nước non” với câu chuyện về cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng công chúng.

Ấn tượng với “Trọn đời vì nước non”

Kịch bản "Trọn đời vì nước non" của tác giả Lê Thế Song; nghệ sỹ nhân dân Tự Long làm đạo diễn; họa sỹ Đặng Minh Tuấn thiết kế mỹ thuật; âm nhạc của nhạc sỹ Dương Thanh Nam….

Tác phẩm khắc họa quãng đời hoạt động của ông Đặng Xuân Khu (cố Tổng Bí thư Trường Chinh) - người con ưu tú của quê hương Nam Định - từ khi ông rời quê hương (làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) bước vào con đường hoạt động cách mạng đến thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Vở diễn mở đầu bằng cảnh thanh niên yêu nước Đặng Xuân Khu lãnh đạo cuộc bãi khóa ở Nam Định, sau đó bị Pháp truy lùng. Ông đã lên Hà Nội và tiếp tục con đường hoạt động cách mạng; bị địch bắt và tra tấn dã man tại Nhà tù Hỏa Lò.

Sau khi dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man nhưng không thể lung lạc được ý chí của ông, thực dân Pháp đã đày ông lên Nhà tù Sơn La.

Suốt chặng đường gian khó ấy, với ý chí kiên định, niềm tin vào lý tưởng cách mạng, với tình yêu nước và tinh thần lạc quan, ông không chỉ khiến kẻ thù kinh sợ mà ông còn xây dựng chi bộ trong nhà tù, vận động tù nhân tham gia cách mạng, xây dựng, kết nạp đảng viên trong nhà tù, đấu tranh chính vị với cai ngục để đảm bảo đời sống của tù nhân, cảm hóa, dẫn dắt cai tù đi theo con đường cách mạng...

Vở diễn có nhiều trường đoạn để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả, như trường đoạn thực dân Pháp đưa vợ ông vào nhà tù Hỏa Lò để lung lạc ý chí của ông nhưng không thành hay trường đoạn cai ngục ở nhà tù Sơn La xin chép, đọc thuộc thơ rồi cảm phục tinh thần kiên trung của ông và đi theo ông làm cách mạng.

[Liên hoan Chèo toàn quốc: Sự trở lại sôi động sau thời kỳ 'ngủ đông']

Các trường đoạn được xử lý hài hòa, khéo léo xen lẫn những pha lẫn hề chèo, đem đến cho khán giả tiếng cười nhẹ nhàng nhưng cũng thể hiện thành công hình tượng người chiến sỹ cách mạng Đặng Xuân Khu tài giỏi, kiên trung.

Hay trường đoạn một thanh niên theo cách mạng bị tra tấn dã man trong nhà tù Sơn La, bị thương nặng ở đầu, nhưng trong lúc nửa tỉnh nửa mê, người thanh niên đó nhớ về người vợ trẻ, nhớ đứa con thơ vừa mới chào đời và cất tiếng hát ru con, tiếng hát ầu ơ vọng lên từ bức tường nhà tù Sơn La… khiến nhiều khán giả có mặt trong khán phòng nghẹn ngào.

Bà Trần Thị Minh Tâm, ở Phủ Lý, Hà Nam chia sẻ các nghệ sỹ hát rất hay, diễn rất chân thực khiến bà rất ấn tượng khi xem vở diễn.

“Đây là lần đầu tiên tôi xem một vở chèo về bác Trường Chinh, tôi thấy rất hay và rất xúc động," bà Trần Thị Minh Tâm nói.

Có thể thấy, với nội dung kịch bản dung dị, dưới bàn tay đạo diễn của Nghệ sỹ nhân dân Tự Long, khán giả xem chèo đã từng bước trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, khi thì hồi hộp, lo lắng cho người chiến sỹ cách mạng bị giặc bắt, lúc lại khâm phục tinh thần, ý chí chiến đấu của người chiến sỹ dù chịu nhiều hình thức tra tấn dã man vẫn kiên định để bảo vệ đồng chí, cơ sở cách mạng…

Khẳng định phẩm chất người chiến sỹ cách mạng

Cố Tổng Bí thư Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9/2/1907 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Với 81 tuổi đời, 63 năm hoạt động cách mạng, 3 lần đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư của Đảng, ông là nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đồng thời còn là nhà văn hóa, một trí thức lớn của dân tộc.

Chia sẻ lý do viết kịch bản về cố Tổng Bí thư Trường Chinh, tác giả kịch bản - thạc sỹ Lê Thế Song cho biết mảnh đất Nam Định là mảnh đất hiếu học, sản sinh ra nhiều danh nhân, danh tướng, các vị lãnh tụ, đặc biệt hình ảnh cố Tổng Bí thư Trường Chinh, người con của đất Xuân Trường, Nam Định đã để lại nhiều ấn tượng với ông.

Năm nay, đúng dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư nên ông đã quyết tâm viết kịch bản này với mong muốn thể hiện hình tượng cố Tổng Bí thư trên sân khấu kịch hát.

Nhà biên kịch Lê Thế Song cho biết cuộc đời của cố Tổng Bí thư Trường Chinh rất dài nhưng trong vở “Trọn đời vì nước non,” ông lựa chọn xây dựng hình ảnh cố Tổng Bí thư Trường Chinh từ khi ông học ở Nam Định, tham gia cách mạng, bị tù đày và đến thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Theo nhà biên kịch Lê Thế Song, đó là quãng đời vô cùng gian khó nhưng cũng khẳng định hình tượng người chiến sỹ cách mạng với trí, đức, nhân, tâm và tài đã vượt mọi gian nguy, cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn và các nhà lãnh đạo Việt Nam… tiếp tục lãnh đạo cách mạng, phát triển được luận cương về văn hóa và đặc biệt là chính sách, đường lối đúng đắn để lãnh đạo con đường cách mạng của Việt Nam tiến đến thắng lợi, giành độc lập dân tộc, khai sinh đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

cheo_2.jpgMột cảnh trong vở diễn.

Thạc sỹ Lê Thế Song chia sẻ thêm “Trọn đời vì nước non” là vở chèo chính luận, nếu thực hiện không cẩn thận rất dễ sa vào khô cứng, giáo điều. Tuy nhiên, trong vở diễn này, êkíp sáng tạo đã kể câu chuyện theo lối dung dị, chân thực, khiến người xem cảm thấy rất gần gũi, rất đời thường.

Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định, các nghệ sỹ của đơn vị dàn dựng vở diễn với tâm thế tri ân nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của cố Tổng Bí thư Trường Chinh và tham dự Liên hoan sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2022.

Vở diễn khắc họa một phần cuộc đời của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, qua đó tái hiện một giai đoạn lịch sử của dân tộc, góp phần khơi dậy tình yêu nước trong khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.

Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Thị Diệu Hằng cho biết vai diễn về ông Đặng Xuân Khu được giao cho nghệ sỹ Xuân La và vai bà Minh (vợ Đặng Xuân Khu) được giao cho nghệ sỹ Thu Phương. Cả hai nghệ sỹ đều có chất giọng và diễn xuất tốt, góp phần không nhỏ vào thành công của vở diễn./.

Phương Lan (TTXVN/Vietnam+)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022