Theo New York Times, Kate Middleton từ lâu trở thành thỏi nam châm thu hút tin đồn.
"Kate gây áp lực buộc phòng trưng bày nghệ thuật gỡ bỏ bức chân dung hoàng gia".
"Kate thực chất đã ly hôn".
"Kate đổi kiểu tóc để đánh lạc hướng tin đồn mang thai".
"Con gái lớn không phải Kate sinh ra".
Đó là những tin tức thường ngày bủa vây Vương phi xứ Wales, người sẽ trở thành Hoàng hậu nước Anh nếu Thân vương William lên ngôi vua.
Sự việc lên đỉnh điểm sau khi Vương phi xứ Wales im lặng Giáng sinh, không xuất hiện trước công chúng.
Những tin đồn ác ý, câu đùa chế giễu tiếp tục xuất hiện khi Hoàng gia Anh công bố Kate Middleton vừa trải qua phẫu thuật bụng, kèm theo đó là bức ảnh photoshop Vương phi chụp cùng các con bị lỗi.
Đến nỗi, Vương phi Kate buộc phải thừa nhận ung thư để chấm dứt mọi đồn đoán. Nhưng cô vẫn chưa được buông tha.
Kate Middleton bị buộc phải công bố thông tin đang điều trị ung thư.
Khi Kate Middleton bất lực
"Tháng 1, tôi trải qua cuộc phẫu thuật bụng ở London, Anh. Lúc đó, bác sĩ chẩn đoán tôi không mắc ung thư. Tuy nhiên, sau ca phẫu thuật thành công, các xét nghiệm cho thấy tôi mắc ung thư. Đội ngũ y tế khuyên tôi hóa trị dự phòng, tôi đang ở giai đoạn đầu của quá trình điều trị".
Đó là những gì Vương phi Kate Middleton tâm sự trong video dài 2 phút gửi đến người dân Anh. Hình ảnh vị vương phi quyền lực với thần sắc đi xuống, gương mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi vì vừa trải qua đợt hóa trị gây sốc công chúng.
Theo Page Six, Vương phi Kate Middleton vừa mệt mỏi chống chọi bệnh hiểm nghèo, nay phải đấu tranh với tin đồn bủa vây. Sau cùng, cô buộc phải thừa nhận mắc ung thư để đập tan tin đồn "trốn truyền thông vì phẫu thuật thẩm mỹ thất bại".
Nhưng dù đăng video chia sẻ tình trạng bệnh, tin đồn ác ý chưa tha cho Vương phi nước Anh.
Vương phi Kate Middleton trở thành đề tài bàn tán suốt những tháng qua.
"Kate Middleton có thể đã chết", New York Times dẫn bình luận trên X, cho rằng đây là thuyết âm mưu ghê rợn nhất xuất hiện trong xã hội hiện đại.
"Những người theo thuyết âm mưu tự vẽ ra những thứ tàn độc. Họ cho rằng lời giải thích hợp lý duy nhất cho sự vắng mặt của Kate là cô đã mất tích, biến mất hoặc cố gắng che đậy điều gì đó", New York Times bình luận.
Từ đó, nhiều người tiếp tục vẽ chuyện, cho rằng video Kate Middleton công khai mắc ung thư là sản phẩm của AI. Có người nói video được quay từ 7 năm trước. Họ còn ghép mặt công nương Diana vào video để nói rằng việc tạo ra video giả là quá bình thường.
Dù đang đối mặt tình trạng khủng hoảng, Vương phi Kate Middleton và cả Hoàng gia Anh tiếp tục bất lực vì tin đồn ác ý.
Victoria Newton, biên tập viên Hoàng gia, sau đó giải vây cho Kate Middleton. Bà cho rằng vương phi công khai có kế hoạch công khai bệnh ung thư từ lúc bức ảnh photoshop lỗi đăng ngày 10/3 trở thành đề tài bàn tán.
Tuy nhiên, Hoàng gia Anh chọn công khai video ngày 22/3 vì đây là ngày đi học cuối của Hoàng tử George, Công chúa Charlotte và Hoàng tử Louis tại trường Lambrook ở Berkshire.
"Kate không muốn các con đến trường và bị hỏi quá nhiều. Ba con đã bị ảnh hưởng ở trường nên kế hoạch của cô ấy là đợi đến ngày cuối cùng của học kỳ. Ưu tiên hàng đầu của cô ấy luôn là những đứa trẻ", Victoria Newton giải oan cho Kate Middleton.
Niềm vui của công chúng, sự tàn bạo người nổi tiếng
Đối với nhiều người ủng hộ sự giả dối, đó là niềm vui vô hại. Việc bình luận về người khác, đưa ra đủ thuyết âm mưu thông qua vài cú nhấp chuột, vài dòng gõ bàn phím ngày càng thịnh hành.
Các chuyên gia về việc chống tin giả lý giải rằng dù động cơ là gì thì điều đọng lại trong họ là thôi thúc, vẽ nên câu chuyện phi thực tế, bất chấp bằng chứng rộng rãi và không thể chối cãi.
Phần lớn người dùng Internet hiện không đồng ý về các sự thật cơ bản. Điều này trở nên trầm trọng hơn sau khi mạng xã hội xuất hiện nhiều nhà bình luận trực tuyến.
Ngoài ra, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, công nghệ deepfake khiến mọi thứ mất quỹ đạo, làm sai lệch nhận thức của mọi người về sự thật .
Whitney Phillips, trợ lý giáo sư về đạo đức truyền thông và nền tảng kỹ thuật số tại Đại học Oregon, cho biết: "Trong một môi trường như vậy, các thuyết âm mưu của người nổi tiếng đã trở thành một cách để kiểm soát khoảnh khắc thực sự bấp bênh, đáng sợ và đáng lo ngại. Điều đó chỉ nói lên cảm giác bất an của cộng đồng mạng".
Trong lịch sử văn hóa đại chúng, trước đây người ta không tin người đã chết thực sự đã chết (nổi tiếng nhất là trường hợp Elvis Presley được cho là còn sống, ở ẩn dù đã khám nghiệm tử thi), giờ thì ngược lại.
Vợ chồng Thân vương William và Vương phi Kate Middleton là nạn nhân của tin đồn trên mạng.
Trước khi tuyên bố bị ung thư, Kate Middleton vướng vào cuộc bàn tán sôi nổi. Thậm chí có người cho rằng Vương phi xứ Wales qua đời, bị hôn mê, điều mà Cung điện bác bỏ, cho rằng quá lố bịch, theo New York Times.
Những kẻ tung thuyết âm mưu không buông tha cho Hoàng gia Anh, tuyên bố những bức ảnh vương phi ngồi trong ôtô cùng chồng thực chất là phụ nữ khác. Thời điểm bức ảnh photoshop lỗi của Kate Middleton bị gỡ, hashtag #WhereIsKateMiddleton lan truyền mạnh mạng xã hội.
Một video khác quay cảnh vợ chồng Thân vương xứ Wales tại một cửa hàng những ngày gần đây bị những người theo thuyết âm mưu cho rằng người phụ nữ quá gầy không phải là Vương phi Kate.
Tuần này, sau khi video cho thấy lá cờ Liên minh treo ở Cung điện Buckingham lan truyền, người dùng mạng xã hội giải thích đoạn phim là dấu hiệu cho thấy vương phi hoặc Vua Charles III, người mắc bệnh ung thư, đã qua đời.
Cuối cùng, đoạn video hóa ra là cảnh một tòa nhà ở Istanbul vào năm 2022, sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời.
Moya Luckett, nhà sử học truyền thông tại Đại học New York cho rằng những cái nhìn sâu sắc về cuộc sống của người nổi tiếng trên phương tiện truyền thông có nhiều hạn chế. Cộng đồng mạng thường tin vào những thuyết âm mưu, tin đồn hơn là sự thật hiển nhiên.
"Tất cả đều được cộng đồng mạng quy về tính xác thực. Đó là cuộc khủng hoảng niềm tin của công chúng, khiến họ luôn đặt câu hỏi về những gì bản thân đang nhìn thấy và không muốn tin vào sự thật", Moya Luckett nói thêm.
Theo Tiền Phong