Đang diễn ra đến hết ngày 10/6 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm tranh màu nước Bóng xưa và sắc hoa của GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính mở ra một thế giới hội họa đầy riêng tư. Trước đó, năm 2024, tại Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 17, ông đãđược trao Giải thưởng Lớn vì những cống hiến suốt đời cho văn hóa, kiến trúc Hà Nội. Và triển lãm lần này lại tiếp tục cho thấy sức làm việc bền bỉ của một vị "hiệp sĩ kiến trúc" đa tài.

Xem triển lãm, khán giả thấy ông họa bóng xưa như để kể về niềm đắm mê đời mình. Để rồi sắc hoa cứ thế được gọi về qua từng nét vẽ, kết tụ từ những rung cảm lắng sâu của một tâm hồn nghệ sĩ luôn lay động trước vẻ đẹp bất tận trong cả quá khứ lẫn hiện tại.

Một tâm hồn dành cho hội họa

Trước đây, KTS Hoàng Đạo Kính đã từng có chuỗi triển lãm Bóng xưa và sắc hoa lần 1 (2013) tại Hà Nội và Huế, lần 2 (2015) vàlần 3 (2017), nhưng hầu hết đều là những trưng bày nhỏ. Lần này, với 65 tác phẩm quy tụ, trong đó nhiều bức tranh mượn lại từ các nhà sưu tập đã sở hữu, triển lãm mang tới cái nhìn tổng thể hơn về gia tài hội họa của ông.

GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính (trái) tặng tranh cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Dễ thấy, con đường hội họa của GS Hoàng Đạo Kính bền bỉ với Bóng xưa và sắc hoa. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ông lại theo đuổi 2 mảng đề tài này.

Theo đó, cả đời Hoàng Đạo Kính mang sứ mệnhmột "hiệp sĩ của những di tích kiến trúc", người luôn nặng lòng với những bóng xưa kiến trúc trong công tác bảo tồn di tích. Để rồi trước đĩa màu và bút lông, ông tiếp tục hành trình ấy bằng hội họa như một cách nối dài niềm say mê cả cuộc đời.

Như lời họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam): Tâm hồn của GS Hoàng Đạo Kính là tâm hồn dành cho hội họa. Tranh của ông là tiếng lòng khó giấu, là sự nhẹ nhõm sâu sắc của một con người gắn bó với quá khứ và hiện tại.

khonggian-1748301737325281425833.jpg

Không gian phòng tranh “Bóng xưa và sắc hoa”

"Ở ông có một dư vị đặc biệt, đó là hồn cốt của xưa cũ, ám ảnh và tồn tại miên viễn trong tâm hồn ông. Bóng xưa không đơn thuần là bóng xưa, mà chính là hồn cốt tổ tiên, văn hóa và tâm hồn người Việt Nam đã thấm sâu trong từng nét vẽ" - ông Đoàn phân tích - "Còn sắc hoa là cách nhìn cuộc sống của ông. Chọn hoa cũng là nguồn cảm hứng mang đến sự bình yên trong tâm hồn để thể hiện trên từng tác phẩm".

Theo họa sĩ này, trong tranh của KTS Hoàng Đạo Kính, bóng xưa là một đĩa màu trầm ấm, đầy hoài niệm. Khi vẽ sắc hoa, ông lại mang đến những bức tĩnh vật nhẹ nhõm, tinh tế và rực rỡ.

"Ở đây, bóng xưa là hồn cốt của các di sản kiến trúc luôn luôn hiện hữu trong tâm hồn ông. Còn sắc hoa là vẻ đẹp của hiện tại, thứ đã lay động cảm xúc của ông. Hai sắc thái tưởng như đối nghịch ấy lại song hành, hòa quyện vào nhau một cách tự nhiên và hài hòa trong từng nét họa" - ông Đoàn bày tỏ - "Để làm được điều này, có lẽ bằng một điều bí ẩn nào đó, ông đã được mách bảo. Để rồi, chất phương Đông hiện diện rất mạnh mẽ trong con người ông và trong từng tác phẩm".

Đặc biệt, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn còn đánh giá cao sự thành công của KTS Hoàng Đạo Kính trong việc sử dụng chất liệu màu nước, một thể loại hội họa khó, đòi hỏi tốc độ, cảm xúc và sự tinh tế cao.

Theo ông, màu nước là chất liệu không thể vẽ được nếu thiếu rung động nội tâm. Nhưng với GS Hoàng Đạo Kính, mỗi tác phẩm, từ phong cảnh đến tĩnh vật, đều thể hiện rõ một ngọn bút tài hoa, đầy cảm xúc, tinh tế như tiếng lòng vọng lại.

bongxua-1748301737287231562726.jpgbongxua2-1748301737309664518.jpgbongxua3-1748301737299660068963.jpg

Tranh chủ đề “Bóng xưa”

"Bút pháp, ngôn ngữ hội họa của ông hoàn toàn phụ thuộc vào cảm xúc" - ông Đoàn nhấn mạnh - "Có lẽ, ngay cả chính ông cũng không lý giải được vì sao mình lại có thể thực hiện thành công những bức tĩnh vật hoa đến như vậy. Đó là sự đan cài khéo léo giữa các nét vẽ tinh tế, giữa kỹ thuật sử dụng đĩa màu để tạo nên bố cục mềm mại, tự nhiên của từng tác phẩm".

Cũng theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, khi vẽ bóng xưa, gam màu của ông trầm lắng, mang tính hoài niệm. Nhưng khi vẽ sắc hoa, ông lại lựa chọn cách thể hiện nhẹ nhàng, bay bổng, tạo ra một mỹ cảm không gian. "Đó là bút pháp rất riêng, rất Hoàng Đạo Kính. Một bút pháp khiến người xem dễ dàng cảm nhận được cái duyên ngầm, có phần trời cho, để từ một nhà khoa học, ông có thể rẽ sang hội họa, và thành công với một ngôn ngữ tạo hình đầy cảm xúc như thế" - ông bày tỏ.

Vẽ như một đam mê không thể tước bỏ

Rõ ràng, cảm xúc chính là chất liệu dẫn lối trên con đường hội họa của GS Hoàng Đạo Kính. Và cũng chỉ có cảm xúc mới đủ sức mở ra thế giới tạo hình đầy riêng biệt, không hề toan tính của ông. Với ông, vẽ không đơn thuần là kỹ thuật, không thuộc về một chủ nghĩa, và càng không phải là thứ phong cách định hình nào. Đơn giản, đó là một nhu cầu tự thân, không cưỡng lại được.

Trải lòng mình, GS Hoàng Đạo Kính giãi bày: "Tôi ở cái tuổi lo nhiều, nghĩ nhiều, sợ nhiều, hoài nghi nhiều, mà làm được ít. Cho nên, khởi đầu một điều gì đó là hết sức ái ngại, hết sức lo lắng! Mấy mươi năm nay, tôi bắt đầu một việc mà mình chưa từng nghĩ sẽ bắt đầu. Cả đời tôi làm nhiều việc, việc được giao nhiệm vụ, việc có bổn phận phải làm. Còn vẽ tranh… tôi không ngờ sao mình lại vẽ. Sao lại thế nhỉ!".

sac-hoa-1748301737278717930421.jpgsachoa2-17483017373171281826118.jpgsachoa3-17483017373612131104701.jpg

Tranh chủ đề “Sắc hoa”

GS Kính ví hội họa là "lối thoát", là "lối ra" cho mình, nơi ông thả lỏng cảm xúc, buông bỏ hoài nghi và để tâm hồn được dẫn dắt. Ông không từng nghĩ sẽ vẽ, càng không nghĩ sẽ vẽ như một họa sĩ. Nhưng rồi đến một lúc, niềm say mê ấy dâng lên như bản năng: "Phải vẽ. Vẽ như một thôi thúc không thể cưỡng nổi. Vẽ như một đam mê không thể tước bỏ".

Đáng chú ý, GS Hoàng Đạo Kính còn tiết lộ một trải nghiệm đầy cảm hứng: "Hơn 30 năm nay, tôi đi đâu cũng nhìn thấy bố cục là bố cục. Đi đâu cũng thấy một thế giới màu sắc chan hòa, hòa quyện, và chính điều đó cuốn mình vào. Mình phải túm lấy, phải nắm lấy, phải ôm lấy… rồi phải bộc lộ ra. Không thể không bộc lộ bằng việc vẽ".

Từ cảm xúc ấy, ông nhận ra màu nước chính là chất liệu phù hợp nhất với mình. Không cầu kỳ, không lích kích, màu nước giúp ông vẽ nhanh, gọn, giải phóng xúc cảm kịp lúc và trọn vẹn.

"Vẽ màu nước vừa dễ, vừa nhanh, và quan trọng nhất là truyền tải được nhanh nhất những xúc cảm, tình cảm của mình" - GS Kính cho hay - "Tôi thường vẽ vào buổi sáng, chỉ trong khoảng 3 đến 4 tiếng. Sau đó là mệt nhoài, không thể vẽ tiếp nữa, và không bao giờ quay lại bức tranh đã vẽ vào ngày mai, ngày kia. Chỉ vẽ 1 lần. Nét là 1 lần. Màu cũng đổ ra 1 lần. Không trở lại. Không giày vò giấy, không giày vò mình, để cái xúc động thực sự được toát ra, nguyên vẹn".

Và như thế, 65 họa phẩm được bày ở phòng tranh Bóng xưa và sắc hoa dịp này cũng chính là 65 buổi sáng sống trọn cảm xúc của GS Hoàng Đạo Kính trong cuộc đời nhiều buổi sáng khác của ông. "Không có buổi chiều, không có buổi tối, không có ngày mai", chỉ có một khoảnh khắc duy nhất, nơi ông dồn hết tâm hồn để vẽ, để sống trong thế giới hội họa giao hòa giữa ký ức và rung động đang hiện hữu.

"Ở đây, bóng xưa là hồn cốt của các di sản kiến trúc luôn luôn hiện hữu trong tâm hồn ông. Còn sắc hoa là vẻ đẹp của hiện tại, thứ đã lay động cảm xúc của ông. Hai sắc thái tưởng như đối nghịch ấy lại song hành, hòa quyện vào nhau một cách tự nhiên và hài hòa trong từng nét họa" - HỌA SĨ LƯƠNG XUÂN ĐOÀN.

XEM THÊM TIN TỨC VĂN HOÁ TẠI ĐÂY

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022