Bế mạc vào hôm nay, 5/3, triển lãm Phạm Luận - Chân dung sau gần một tuần trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) đã thu hút sự chú ý của nhiều đồng nghiệp và bạn nghề. Ở đó, gần 60 tác phẩm (sáng tác trong 2 năm qua) được họa sĩ Phạm Luận giới thiệu - vừa như một kỷ niệm ở tuổi 70, vừa như một nét mới ở thể loại chân dung.

1. Tên tuổi họa sĩ Phạm Luận từng được biết tới qua nhiều bức tranh phong cảnh theo trường phái ấn tượng. Và lần này, trong thể loại chân dung, thế mạnh từ tranh phong cảnh của ông vẫn được phát huy với khả năng diễn tả ánh sáng tài tình, bút pháp sơn dầu chắc khỏe nhưng cũng đầy tinh tế.

Dễ thấy, qua gần 60 bức tranh chân dung sơn dầu lần này, Phạm Luận sử dụng những nét bút nhanh, những mảng miếng tạo nên các đường nét trên gương mặt, ánh mắt, sống mũi, khóe miệng… Hầu hết tranh được ông vẽ với bố cục đơn giản để tập trung thể hiện tinh thần, nội tâm và vẻ bề ngoài sống động của nhân vật, tất cả được đúc kết từ hơn 50 năm kinh nghiệm cầm cọ.

Tác phẩm “Chân dung tự họa V” của họa sĩ Phạm Luận, 95x100cm, sơn dầu trên vải, 2023

Theo Phạm Luận, tranh chân dung phải thể hiện đúng hình ảnh, thần thái của người được vẽ. Ông không sa đà vào vờn tỉa khéo tay mà thể hiện bút pháp phóng khoáng, tự nhiên, ấm áp, trữ tình. Những bức tranh chân dung đẹp nhất là tranh ông vẽ vợ, các con, anh em đồng nghiệp, bạn bè thân thiết và cả chính mình. Đơn giản bởi vì ông "thuộc" họ nhất.

Đi với chân dung, Phạm Luận vẫn là Phạm Luận nhưng ông cũng tự biết cách tạo dấu ấn riêng. Theo đó, trong một số bức tranh chân dung như Đường hoa ven hồ, Cô gái bên khung cửa… ông lại vẽ phong cảnh là chính, nhân vật chỉ được điểm xuyết trong tranh. Ở đây, thế mạnh của thể loại tranh phong cảnh đã được ông tiếp tục phát huy, kết hợp với chân dung nhân vật.

cogai-17095927054531588975384.jpg

Tác phẩm “Cô gái bên khung cửa”, 110x130cm, sơn dầu trên vải, 2023

Hoặc bên cạnh tranh chân dung cá nhân, lần này họa sĩ Phạm Luận còn công bố những bức tranh chân dung nhóm như Studio của Phạm Luận, Tối nay có khách… Từng con người là đồng nghiệp hay người thân trong gia đình đã được ông "đặt" vào tranh trong một cuộc gặp gỡ bằng tưởng tượng, nhưng ai nấy cũng đều hiện lên với cá tính và sắc thái riêng biệt. Đây có lẽ là thử nghiệm mới trong vẽ tranh chân dung của Phạm Luận.

sudio-17095927054791408056667.jpg

Tác phẩm “Studio của Phạm Luận”, 135x200cm, sơn dầu trên vải, 2023

Cũng sẽ thiếu sót nếu không nhắc tới những bức tranh chân dung tự họa của Phạm Luận trong triển lãm. Đó là nơi ông thỏa sức thể nghiệm các cách tạo hình khối trên gương mặt.

Chẳng hạn ở Chân dung tự họa V, ông tương phản những mảng màu lạ như xanh ô liu, cam, phớt hồng với những mảng nhấn màu trắng để tạo nên các phần của khuôn mặt và tái hiện một làn da hằn dấu vết thời gian. Hay ở Suy tư, ông sử dụng những nét họa ngắn, nhanh tạo nên các nếp nhăn trên vầng trán cao và những sợi tóc bạc điểm xuyết trên mái tóc đen, kết hợp cùng ánh nâu nhạt của mắt kính để lột tả trạng thái đăm chiêu, trầm ngâm.

Cứ thế, Phạm Luận không đơn thuần ghi lại hình ảnh chân thực của chân dung mà còn thể hiện sự tìm tòi, trải nghiệm về màu sắc, đường nét.

suytu-1709592705417885332393.jpeg

Tác phẩm “Suy tư”, 160x120cm, sơn dầu trên vải, 2023

2. Về Phạm Luận - Chân dung, họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) bày tỏ: "Tự đặt những thách thức mới mà kẻ sáng tạo nào cũng ao ước, ông vẽ chân dung vợ con trong nếp nhà khó cũ với ngọn lửa ấm của tình yêu, tình thương. Ông vẽ chân dung đồng nghiệp là các họa sĩ, nhà báo, nhà thơ… Phạm Luận là vậy. Bình dị sống và vẽ, ấm áp và thân gần với bất kỳ ai".

"Con đường dài của sáng tạo nghệ thuật chẳng lúc nào mà không xa tít tắp. Đường chân trời ngay trước mặt, tưởng là gần lắm mà mỗi bước mỗi xa. Phạm Luận biết vậy" - họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói thêm - "Ông càng vẽ, càng đi, càng khác. Không gian hội họa của riêng ông luôn để muôn cửa vào, lối ra khó biết".

khonggian-1709592705466313219710.jpg

Không gian triển lãm “Phạm Luận - Chân dung”

Thật ra, không nhiều người biết Phạm Luận cũng đã vẽ rất nhiều tranh chân dung ngay từ những ngày đầu tiên của sự nghiệp. Ban đầu ông chủ yếu vẽ chân dung gia đình và chân dung tự họa, rồi dần dần ông vẽ thêm chân dung của bạn bè, đồng nghiệp.

"Tôi thấy mình thật may mắn khi được ngồi mẫu cho 1 trong những bức tranh chân dung đầu tiên của cha từ những năm 1990. Lúc đó, tôi vẫn còn quá bé để có thể hiểu được đó là một trải nghiệm thật đặc biệt" - chị Linh Diễm Phạm, con gái họa sĩ, kể - "Bây giờ nhìn lại bức chân dung đó, tôi vẫn tìm thấy những chi tiết thật thú vị, như là những bức tranh ngây ngô trẻ thơ của tôi vẽ hồi đó được ông vẽ lại trên bức tường phía sau".

conhoasi-17095927054271647085238.jpg

Tác phẩm “Con gái họa sĩ”, sơn dầu trên vải, 1991

Đáng nói, để vẽ một chân dung, Phạm Luận luôn lẳng lặng quan sát những người thân yêu xung quanh mình để cảm xúc đến tự nhiên, thay vì vẽ bằng sự chủ đích. Ông chia sẻ: "Khi vẽ chân dung, tôi thích làm những điều bất ngờ. Các bạn không thể biết chân dung của mình sẽ như thế nào, cũng không thể biết hình ảnh của mình được tôi ghi nhận rồi vẽ khi nào".

"Trong quá trình tiếp xúc ở đâu đó, có những góc độ bỗng dưng tôi nhìn thấy các bạn hiện diện trước mắt với những hình ảnh đẹp, ánh sáng đẹp. Đó cũng là lúc tôi lẳng lặng dùng chiếc điện thoại của mình để ghi chép lại những khoảnh khắc ấy - một thứ "tài liệu" để mang về nghiền ngẫm, rồi vẽ ra" - họa sĩ giải thích - "Cũng có những hình ảnh tôi chụp lại nhưng không nghĩ sẽ vẽ lại. Để rồi một lúc nào đó, khi xem lại, bỗng dưng trong đầu tôi nảy ra cái tứ để mình vẽ".

Họa sĩ Phạm Luận nhấn mạnh thêm: "Chân dung là một đề tài khó. Để nắm bắt được thần thái, ngoài bút pháp, người họa sĩ còn phải đạt đến độ chín về nghề nghiệp. Làm sao để vẽ như chơi mà vẫn ra được nhân vật chứ không phải cứ cố tô vẽ, cố chau chuốt để cho giống - đó là lý do mà phải đến năm 70 tuổi, tôi mới có được triển lãm này".

Vài nét về họa sĩ Phạm Luận

Họa sĩ Phạm Luận sinh năm 1954 tại Hà Nội, là họa sĩ tự học, chuyên tranh sơn dầu. Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và có tác phẩm góp mặt tại nhiều bảo tàng, nhiều bộ sưu tập cá nhân nổi tiếng trong nước và quốc tế.

Hơn 50 năm sự nghiệp, ông đánh dấu từng chặng đường sáng tạo của mình bằng 24 triển lãm cá nhân. Triển lãm đầu tiên tổ chức vào năm 1991 và triển lãm gần nhất mang tên Tíc tắc Sài Gòn diễn ra vào năm 2022, vẽ về sự hồi sinh của TP.HCM sau 2 năm đại dịch Covid-19 từng gây tiếng vang.

Triển lãm 'Sắc màu Xuân đất nước' tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022