Sau khi hàng loạt nghệ sĩ lên tiếng về thực trạng ở Hãng phim truyện Việt Nam , Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành bày tỏ sự xót xa. "Câu chuyện Hãng phim truyện Việt Nam kéo dài nhiều năm nay, thật thiệt thòi và đau xót cho nghệ sĩ và điện ảnh Việt Nam", ông Vi Kiến Thành chia sẻ với Tiền Phong .
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành mong sớm có giải pháp cho Hãng phim truyện Việt Nam.
Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng khẳng định không đủ thẩm quyền để giải quyết vấn đề của Hãng phim truyện Việt Nam. Những người tiền nhiệm của ông Vi Kiến Thành từng kiến nghị nhiều lần nhằm giải quyết vấn đề của hãng phim.
Hãng phim truyện Việt Nam chính thức ra đời từ bộ phim truyện đầu tiên Chung một dòng sông sản xuất năm 1959. Trụ sở hãng phim (4 Thụy Khuê, Hà Nội) đã chứng kiến sự trưởng thành của nhiều thế hệ nghệ sĩ như NSND Trà Giang , NSND Thế Anh, NSND Như Quỳnh, NSND Phương Thanh....
Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam xuống cấp trầm trọng.
Dù nằm trên mảnh đất vàng tại số 4 Thụy Khuê với diện tích lên tới 5.000 m2 nhưng Hãng phim truyện Việt Nam hơn 60 năm nay không có quyền sử dụng mảnh đất này, chỉ là đất đi thuê. Cơ sở vật chất nhiều năm qua xuống cấp trầm trọng.
Bộ phim cuối cùng Hãng sản xuất là Cuộc đời của Yến (2015). Kể từ thời điểm cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam không sản xuất thêm được bộ phim nào từ năm 2016 đến nay. Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng nếu vụ việc ở Hãng phim truyện Việt Nam được giải quyết dứt điểm, nghệ sĩ sẽ yên tâm sáng tạo, cống hiến nhiều hơn nữa.
Cuộc đời của Yến là bộ phim cuối cùng Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất từ năm 2015 đến nay.
Tuy nhiên không thể không nhìn vào thực tế, sự chuyển mình có phần chậm chạp của hãng phim không đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu của khán giả ngày càng khắt khe. Trong khi một số nghệ sĩ chỉ chăm chăm nhìn về quá khứ huy hoàng của điện ảnh nhà nước, các nhà làm phim tư nhân có được những bước tiến đáng ghi nhận về cả chất lượng lẫn doanh thu phòng vé.
Quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam được tiến hành từ năm 2014, dự kiến năm 2015 hoàn thành nhưng kéo dài tới 2016 mới tìm được cổ đông chiến lược là Tổng công ty vận tải thủy Vivaso. Với 32,5 tỷ đồng, Vivaso đã giành 65% tổng giá trị doanh nghiệp và trở thành cổ đông chiến lược. Vivaso hoàn tất quá trình mua lại VFS vào tháng 6/2017.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng chính thức trở thành chủ mới của VFS, Vivaso đã nhận sự phản ứng dữ dội từ nghệ sĩ. Mâu thuẫn giữa hai bên không được giải quyết. Tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa có nhiều sai phạm, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp.
Sau đó, Công ty vận tải thủy Vivaso xin thoái vốn. Tuy nhiên, sau bốn năm, quá trình này chưa hoàn tất. Tháng 3/2020, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam.
Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) thu hồi cổ phần đã bán tại Hãng phim truyện Việt Nam vì "quá trình cổ phần hóa đã tồn tại không ít hạn chế, khuyết điểm". Thế nhưng, đến nay, quá trình thoái vốn vẫn chưa được hoàn tất.