1. Một diễn viên không biết võ thuật

Khi cha mẹ ly hôn, Châu Tinh Trì theo mẹ cùng chị và em gái sống chen chúc trong căn phòng chật hẹp tại một khu ổ chuột ở Cửu Long, Hồng Kông (Trung Quốc).

Từ khi còn là một đứa trẻ, Châu Tinh Trì đã thích lặng lẽ ngắm nhìn những gì diễn ra xung quanh. Những cảnh tượng đời thường như cha mẹ dạy con, hàng xóm giúp nhau... mà Châu Tinh Trì quan sát thấy đã được ông áp dụng làm chất liệu cho các cảnh phim của mình sau này.

Năm lên 9 tuổi, Châu Tinh Trì say mê huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long. Ông ước mơ rằng mình cũng có thể trở thành một cao thủ võ thuật như vậy. Để đạt được điều này, ông chăm chỉ luyện tập thiết sa chưởng. Ông luyện tập bằng cách dùng tay phải thọc mạnh vào nồi đậu xanh hàng ngày. Đứa trẻ luyện Như Lai Thần Chưởng trong "Kung Fu" được lấy cảm hứng từ hình ảnh của chính ông trong khoảng thời gian tập võ.

Sau khi tốt nghiệp, Châu Tinh Trì đã rủ bạn mình là Lương Triều Vỹ cùng đi phỏng vấn vào lớp đào tạo diễn viên. Lương Triều Vỹ đã trúng tuyển, nhưng không may Châu Tinh Trì đã thi trượt. Con đường theo nghệ thuật của Châu Tinh Trì ngay từ đầu đã gặp nhiều trắc trở. Phải đến tận năm 1982, Châu Tinh Trì cuối cùng mới được nhận vào một lớp đào tạo nghệ sĩ của đài TVB.

Sự đen đủi của Châu Tinh Trì lúc này vẫn chưa kết thúc. Khi ông đảm nhiệm vai "Tống Binh Nhì" trong "Thần điêu đại hiệp", ông đã thảo luận với đạo diễn về cảnh Mai Triều Phong hạ sát Tống Binh Nhì. Ông muốn vai diễn Tống Binh Nhì của mình được "cố gắng đỡ đòn một lúc" trước khi chết, tạo sự kịch tính cho phim. Không ngờ, góp ý này của Châu Tinh Trì không những không được đón nhận, mà bản thân ông còn bị đạo diễn ghét bỏ. Giai đoạn này đã được tái hiện lại trong bộ phim "Vua hài kịch" sau này của ông.

Châu Tinh Trì bộc bạch về khoảng thời gian khó khăn trong sự nghiệp: "Soi gương hàng ngày khiến tôi càng thêm thiếu tự tin... Tôi không biết phía trước là gì, và không biết kết quả sẽ ra sao khi tôi tiếp tục. Lúc đó, tôi đặc biệt không tin vào bản thân mình."

Nếu có bất cứ điều gì thúc đẩy Châu Tinh Trì đi lên, thì đó là sự kích thích liên tục của sự mặc cảm. Chính nhờ cảm giác tự ti luôn hiện hữu, Châu Tinh Trì đã sinh ra một nguồn động lực để thúc đẩy bản thân bứt thoát ra khỏi cảnh đói nghèo.

Và trong bộ phim "Thần bài" năm 1988, Châu Tinh Trì cuối cùng cũng đã được mọi người nhìn nhận với vai trò một diễn viên.

photo-1-16585665292431126416920.jpeg

2. Nhân vật nhỏ, bộ phim lớn

Nhân vật chính trong các bộ phim của Châu Tinh Trì luôn được xây dựng theo phong cách giản dị, gần gũi, sát với đời thường nhất có thể. Không phải một người giàu có hay tài năng xuất chúng, hình ảnh nhân vật chính của Châu Tinh Trì có nhiều tật xấu, phải chịu đắng cay trong xã hội.

Tuy nhiên, bất chấp cuộc sống vùi dập, nhân vật nhỏ bé ấy của Châu Tinh Trì vẫn ngang nhiên đứng lên, vượt qua nghịch cảnh. Xem phim của Châu Tinh Trì không chỉ để cười đùa vui vẻ, mà phim còn giúp truyền cảm hứng để bạn không khuất phục trước những khó khăn của cuộc sống, nỗ lực trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân.

Sau khi những bộ phim như "Trường học Uy Long", "Xẩm xử quan", "Đường Bá Hổ điểm Thu Hương" gặt hái những thành công lớn, phim của Châu Tinh Trì bắt đầu trở thành một hiện tượng, được công chúng đón nhận. Đỉnh điểm thành công của Châu Tinh Trì là ở bộ phim Tây Du Ký năm 1995. Bộ phim đã đưa Châu Tinh Trì trở thành một tượng đài trong nền điện ảnh Hồng Kông.

photo-2-16585665298331847555104.jpeg

3. Kịch hài, chất chứa bi thương

Châu Tinh Trì từng nói: "Nhiều khi thấy chuyện bất công trong xã hội, tôi đã không đủ can đảm để đứng lên đòi lại công lý. Những lúc ấy, tôi chỉ còn biết ghi nhớ lại để tìm cách thể hiện những câu chuyện đó lên phim ảnh, và hi vọng xã hội của chúng ta sẽ ngày một tốt đẹp hơn trong tương lai."

Chúng ta có thể rút ra được rất nhiều câu thoại của Châu Tinh Trì nói lên tiếng lòng của ông về xã hội.

Trong bộ phim "Nàng tiên cá", có câu nói: "Nếu không có nước sạch hay không khí sạch trên trái đất này, bạn có kiếm được bao nhiêu tiền đi nữa, cũng sẽ chỉ đi vào ngõ cụt."

Hay trong bộ phim "Quốc sản 007", có câu thoại: "Ngay cả một chiếc quần lót và một mảnh giấy vệ sinh tầm thường cũng có công dụng riêng của chúng."

Theo thời gian, phim của Châu Tinh Trì cũng trở nên đa dạng hơn. Tuy nhiên, với vị thế bậc thầy hài kịch ngày càng được củng cố, những tin tức tiêu cực về Châu Tinh Trì cũng ngày càng tràn lan. Nhiều bài báo đã chỉ trích ông là một "đạo diễn cho mình là nhất", "độc đoán trên phim trường", "bóc lột sức lao động của nhân viên".

Sự cố chấp của Châu Tinh Trì về các tác phẩm của mình khiến ông ấy lạc lõng với những người xung quanh. Châu Tinh Trì rất dễ nổi nóng. Ông thường xuyên yêu cầu thay đổi kịch bản, và luôn khắt khe với diễn xuất của diễn viên. Khán giả của Châu Tinh Trì thích những tác phẩm được làm ra từ sự cố chấp ấy, nhưng các đồng nghiệp của ông thì không thể chịu được sự thiếu xúc cảm của con người này trong quá trình làm phim.

Châu Tinh Trì đã trở thành một đạo diễn giàu có, nhưng ông cũng dần bị cô lập trong ngành của mình. Liệu có phải khả năng càng lớn, trách nhiệm càng lớn, con người ngày càng trở nên cô đơn?

(Sohu)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022