Một trong những nhà văn xuất sắc nhất thế kỷ XX, một tượng đài độc đáo trên văn đàn Mỹ đầu thế kỷ XX mà "Toàn tập truyện ngắn" của bà được 125 nhà văn nổi tiếng trên thế giới bình chọn là một trong 10 tác phẩm văn chương vĩ đại nhất thế kỷ XX, xếp ngang với "Trăm năm cô đơn", "Âm thanh và cuồng nộ", "Ulysses", "Đi tìm thời gian đã mất",… Thế nhưng, "Khó mà tìm được một người tốt" của Flannery O’Connor (Nguyễn Nguyên Phước dịch) lần đầu ra mắt độc giả Việt Nam, lần đầu người Việt Nam mới đọc O’Connor, thật khó tin! Điều này cho thấy việc giới thiệu văn học kinh điển nước ngoài của chúng ta khá là phiến diện.
Tính nghịch dị
Mười truyện ngắn, gần 400 trang, nghĩa là truyện nào cũng đầy đặn, dài hơi. Đọc xong, nghĩ ngợi, rùng mình, sao lại có giọng kể ma mị đến thế!
Độc giả sành văn chương vẫn cho rằng trong viết lách, đặc biệt là viết truyện ngắn, "cách kể" là rất quan trọng. Nhà văn chọn lựa cách kể như thế nào sẽ chi phối cảm quan nghệ thuật của nhà văn đó, chủ đề từ đó cũng sẽ được nêu bật lên, nhân vật hay tình tiết có đáng nhớ hay không,…Thật khó để tóm tắt tập truyện thành một hay vài chủ đề vì mỗi truyện đưa ra một suy ngẫm, một ám ảnh khác nhau.
Nhiều nhà nghiên cứu thống nhất tính nghịch dị (grosteque) là một trong những đặc điểm quan trọng và nổi bật của O’Connor. Nghịch dị nằm trong rất nhiều yếu tố của truyện ngắn: nhân vật lạ lùng, chi tiết truyện không theo logic thông thường, kết thúc bất ngờ, giọng điệu câu chuyện thay đổi đột ngột,…
Bìa sách “Khó mà tìm được một người tốt”
Truyện "Khó mà tìm được một người tốt" là truyện ngắn gây sốc đầu tiên của tập truyện. Nó làm người đọc ngẩn ngơ một lúc khi đọc dòng cuối của truyện. Vì tác giả tạo không khí đối nghịch quá tốt, một gia đình bình thường của miền Nam nước Mỹ chuẩn bị đi chơi hè với một bà nội hay ca cẩm nhưng háo hức, ba đứa trẻ con và hai vợ chồng. Câu chuyện được kể bằng một giọng văn rất duyên, để rồi kết thúc bất ngờ, bàng hoàng, thản nhiên, không dự liệu. Đó là tính nghịch dị trong chi tiết và cấu trúc truyện.
Tính nghịch dị trong nhân vật thể hiện rõ nhất qua truyện "Người nhà quê tốt bụng", một anh chàng đi bán Kinh Thánh có một thú vui lạ lùng, kết thúc cũng làm bàng hoàng độc giả.
Tính nghịch dị trong bóc tách tâm lý nhân vật qua truyện "Cú may mắn bất ngờ", chỉ cần tả đoạn lên cầu thang và tâm lý không thích có con của nhân vật chính cũng thành một truyện lạ, độc.
Tài miêu tả tâm lý nhân vật
Tài của O’Connor là miêu tả tâm lý nhân vật. Truyện "Cú may mắn bất ngờ" ở trên là một ví dụ. Còn nhiều nữa, truyện "Đền thờ của Đức Thánh Linh" miêu tả tâm trạng mới lớn, thượng lưu và nhà quê của 3 cô thiếu nữ; truyện "Gã da đen nhân tạo" khai thác tâm lý 2 ông cháu khi đối mặt với một sự cố trên thành phố, từ đó mỗi người nhận ra bản chất của mình; truyện "Dòng sông" miêu tả tâm lý bất ổn của một cậu bé sống trong một gia đình phức tạp để rồi cậu tìm cách giải thoát,…Không chỉ miêu tả tâm lý sống động, bà còn miêu tả nhân dạng, quần áo, hành động, tính cách người miền Nam nước Mỹ. Rất nhiều đoạn tả phong cảnh, tả con người, tả không khí,… Có lẽ trước khi là một nhà văn, nghề nghiệp của bà là một họa sĩ vẽ tranh hoạt hình đã giúp bà có tài quan sát và miêu tả một cách chi tiết. Chẳng hạn: "… Bà cụ thì đội một cái mũ nan màu xanh nước biển trên vành có gắn chùm hoa violet trắng và mặc bộ đầm màu xanh nước biển với những họa tiết chấm bi nhỏ màu trắng. Cổ váy và cổ tay áo may bằng vải phin nõn ocgandi viền đăng ten và ở đường viền cổ bà đính một chùm hoa violet tím bằng vải, phía bên trong có một cái túi con. Phòng khi có tai nạn, nếu ai đó nhìn thấy bà chết trên đường cao tốc thì cũng biết ngay rằng bà là một quý bà" (truyện "Khó mà tìm được một người tốt", tr.14).
Khó mà tìm được người tốt!
Đây là câu mà độc giả có thể thốt ra sau khi đọc xong tập truyện! Truyện nào cũng làm độc giả bất an, vì O’Connor luôn miêu tả những con người dị dạng, bất thường, những cuộc đời và số phận bất trắc. Giọng văn đều đều, chậm rãi, không tạo cảm giác khẩn trương nhưng độc giả lại hồi hộp vì không biết còn chuyện gì không hay xảy ra cho nhân vật của mình nữa đây? Một nông thôn nước Mỹ hiện ra êm đềm, hiền hòa, đơn điệu nhưng ẩn chứa bên trong là những tội ác, tệ nạn, lừa gạt, mâu thuẫn sắc tộc, kỳ thị da đen - da trắng, kỳ thị người nhập cư, kỳ thị người thành phố - nông thôn,… Nó vẽ ra cho chúng ta không gian đen tối của nước Mỹ sau Thế chiến thứ hai. Nó cho chúng ta thấy có bao nhiêu là những con người đáng thương, hiền lành nhưng lại gánh chịu những bất công. Ngòi bút của O’Connor hướng tới những kẻ tật nguyền như một cô gái ngớ ngẩn, cô gái bị cụt chân hay những người da đen, người nhập cư từ Đông Âu, những đứa bé thân cô, thế cô mồ côi hay gia đình không hạnh phúc,…
Âu đó cũng là giá trị mà Flannery O’Connor - một nữ nhà văn có cuộc đời buồn bã, mất sớm - để lại cho chúng ta.
Flannery O’Connor (1925-1964) sống cuộc đời ngắn ngủi 39 năm vì bị bệnh Lupus, gần như chỉ quanh quẩn miền Nam nước Mỹ. Thế nhưng, ngòi bút đặc biệt của bà đã giành được nhiều lời khen ngợi từ độc giả và các nhà phê bình. Tên của bà được đặt cho giải thưởng hằng năm về truyện ngắn của Mỹ (Flannery O’Connor Award for Short Fiction).