Lần đầu tiên diễn ra tại không gian của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lễ trao giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" lần thứ 17 - 2024 đã nhận được nhiều chia sẻ của những người trong cuộc về cách tổ chức, cũng như "sức nặng" của các giải thưởng và đề cử được trao.

Nhà sử học Dương Trung Quốc và giám tuyển - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đã chia sẻ với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về vấn đề này.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Sự trùng hợp thú vị"

Tôi có nhiều năm theo dõi, và cũng có nhiều năm được tham gia Hội đồng giám khảo của giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Nhìn chung, giải thưởng ngày càng đạt được những uy tín nhất định và luôn có sự phát triển cùng với thời gian - mà trường hợp năm nay là điển hình.

Ở góc độ tổ chức, tôi đánh giá rất cao nỗ lực tìm một không gian mới cho lễ trao giải. Và việc vượt khỏi khuôn khổ cũ, đưa giải thưởng về với không gian của Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một lựa chọn rất thích hợp. Khá thú vị, như một cái duyên, MV Going Home nhận Giải Việc làm của Kenny G trước đó cũng gây ấn tượng lớn với cảnh nghệ sĩ này chơi kèn giữa những mái ngói cổ kính của Văn Miếu.

Nhà sử học Dương Trung Quốc tại lễ trao giải. Ảnh T. Dương

Phải chăng, sự trùng hợp này cũng là một tín hiệu vui, báo trước những thay đổi của giải thưởng mang tên Bùi Xuân Phái trong thời gian tới - với việc tìm kiếm những sáng tạo mới để tôn vinh các giá trị cổ điển theo cách ấy?

Hoặc, một nét thú vị khác là Giải Ý tưởng dành cho Đồ án cải tạo, chỉnh trang không gian, cảnh quan xung quanh hồ Thiền Quang và phụ cận. Đó là ý tưởng gắn với bước đi tất yếu và cần thiết của Hà Nội khi dần quan tâm tới khu vực phía Nam thành phố - vốn là nơi có điều kiện phát triển muộn hơn - để tạo lập thêm những không gian văn hóa mới cho thành phố.

the-son-1728515609130896347290.jpg

Từ trái qua: họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, ông Đặng Minh Tuấn (Chủ tịch UBND phường Hàng Trống), ông Đặng Đức Phương (quản lý đình Nam Hương) và họa sĩ Vũ Xuân Đông tại lễ trao giải. Ảnh: NTS

Nhìn ở một góc độ khác, bên cạnh những nét mới mới, giải thưởng năm nay vẫn gắn với những giá trị mang tính cơ bản, như trường hợp Giải thưởng Lớn dành cho GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính. Quả thực, có những thước đo vẫn phải gắn với thời gian cống hiến của một người. Với KTS Hoàng Đạo Kính, ông đã cống hiến trọn cuộc đời và sự nghiệp cho bảo tồn di sản - một lĩnh vực vốn quan trọng trong thời kỳ xây dựng phát triển những cũng đang đứng trước những thử thách cam go khi đặt ra yêu cầu gìn giữ những tài sản của quá khứ.

Và như thế, tôi hi vọng giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội trong những năm tiếp theo vẫn là sự song hành giữa những sáng tạo mới, và những giá trị cổ điển mực thước cần được bảo tồn.

Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn - "có duyên" với những năm lẻ

Trò chuyện với chúng tôi, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn hồ hởi: "Khá thú vị, đây là lần thứ tư tôi có dịp xuất hiện ở giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, và cũng là lần thứ tư có duyên với những năm lẻ của giải - các lần tổ chức thứ 11, 13, 17.

the-son-2-172851560918632904972.jpg

Cụ thể, trong lần tổ chức thứ 11 (năm 2018), tôi thuộc nhóm nghệ sĩ tham gia thực hiện Dự án phố bích họa Phùng Hưng nhận Giải Việc làm. Ở lần tổ chức thứ 13 (năm 2020), tôi và cộng sự tiếp tục nhận giải này với Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, đồng thời cùng một số chuyên gia được đề cử Giải Ý tưởng quanh đề xuất "giải cứu" và tái phát triển 2 bức tranh cổ động tại Chơ Mơ.

Và, dù không phải lần đầu tiên, việc được đề cử Giải Ý tưởng ở lần tổ chức 17 của giải vẫn mang lại cho tôi niềm vui lớn. Bởi, như các đồng nghiệp khác trong lĩnh vực thực hành sáng tạo, chúng tôi không mong cầu một giải thưởng khi bắt đầu công việc của mình. Nhưng ngược lại, chúng tôi vẫn luôn trân trọng và cám ơn khi được Hội đồng giám khảo có sự theo dõi, quan sát kịp thời và tạo ra nguồn động viên, khích lệ với bản thân.

Cũng xin nói thêm, nếu chỉ có một mình, tôi không thể thành công ở những lần được giải "gọi tên". Đó là công sức chung của rất nhiều cộng sự - mà như ở dự án "Chuyện đình trong phố" là sự quyết liệt của quận Hoàn Kiếm, sự hỗ trợ của lãnh đạo các phường trong phố cổ, sự nhiệt tình vô điều kiện của các họa sĩ đồng nghiệp, các sinh viên tình nguyện...

Và xa hơn, đứng sau những đề cử mà chúng tôi đại diện là vô vàn người yêu Hà Nội, muốn đóng góp cho Hà Nội. Tôi tin, đây cũng là những suy nghĩ chung của những người xuất hiện tại giải thưởng mang tên danh họa Bùi Xuân Phái.

Cuối cùng, dù nhiều người đã nhắc tới, nhưng tôi vẫn xin được chia vui cùng báo Thể thao và Văn hóa về lựa chọn tổ chức lễ trao giải ở di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ngoài những ưu thế đặc thù về cảnh quan và kiến trúc, nơi đây còn mang ý nghĩa rất lớn khi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam - và theo một cách nào đó cũng là nơi tôn vinh tri thức, tôn vinh tinh hoa của văn hóa trong lịch sử.

Thực tế, trong thời gian qua, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phần nào đảm nhiệm chức năng mới, như một không gian sáng tạo rất riêng, rất giá trị của Hà Nội. Và việc tổ chức một lễ trao giải gắn với chủ đề "Tình yêu Hà Nội" tại đây cũng là một sự cộng hưởng, để không gian và giải thưởng cùng nâng cao những giá trị của mình.

"Nối dài" Chuyện đình trong phố

Một thông tin thú vị được họa sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ trong lễ trao giải: Dự án nghệ thuật Chuyện đình trong phố sẽ tiếp tục được triển khai trong những tháng cuối năm 2024.

Cụ thể, bên cạnh các dự án nghệ thuật gắn với 7 ngôi đình trước đó, 2 dự án mới sẽ được triển khai tại đình Cổ Vũ (thờ thần Bạch Mã đại vương và Linh Lang đại vương) cũng như đình Đông Hương (thờ Tam vị Thánh mẫu) trong khu phố cổ. Bên cạnh đó, một số triển lãm mới về nghệ thuật thêu cũng sẽ được tổ chức tại các đình Tú Thị và Yên Thái (đều từng nằm trong dự án "Chuyện đình trong phố").

Trao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2024: Góp thêm những mạch nguồn tình yêu Hà Nội

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022