Trở về sau chuyến đến Thái Lan ra mắt sách, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ với eVan.vnexpress.net, anh giữ nhiều ấn tượng đẹp về tình cảm nồng ấm và sự tiếp đón trang trọng, thân tình của người Thái dành cho nhà văn Việt.

nguyen-nhat-anh-10to.jpg Độc giả Thái Lan chờ nhà văn Việt ký tặng. Ảnh: H.C.D.

Trong chuyến đi từ ngày 21 đến ngày 25/8, Nguyễn Nhật Ánh có lịch làm việc, giao lưu dày đặc. Đầu tiên, anh có mặt ở trụ sở NXB Nanmeebooks, đơn vị in và phát hành Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ bằng tiếng Thái. Sách của anh cũng được bày bán ở vị trí đẹp, trang trọng của NXB.

Sau đó, buổi giới thiệu tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh tại trụ sở Bộ Ngoại giao Thái Lan diễn ra thành công. Các nhà ngoại giao Việt, Thái cùng kiều bào Việt tham dự chương trình và đặt nhiều câu hỏi cho tác giả về cuốn sách cũng như về văn học trong nước.

nguyen-nhat-anh-12to.jpg Nguyễn Nhật Ánh và Montira Rato, dịch giả bản tiếng Thái cuốn "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ". Ảnh: H.C.D.

Một độc giả đã hỏi cảm nghĩ của nhà văn khi lần đầu có sách được dịch sang tiếng Thái. "Tôi nghĩ văn chương là cầu nối về mặt tâm hồn giữa hai dân tộc vốn có nhiều điểm tương đồng về văn hóa như Việt Nam và Thái Lan. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ góp phần giúp bạn đọc Thái Lan hiểu về con người Việt Nam nhiều hơn", anh trả lời.

Tại Hội thảo nhân kỷ niệm 35 quan hệ ngoại giao Thái Lan - Việt Nam tổ chức trên đất Thái, Nguyễn Nhật Ánh đã giới thiệu, chia sẻ về quá trình sáng tác Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ với hàng trăm độc giả. Sau buổi này, ông Pitsanu Janvithan, cựu Đại sứ Thái tại Việt Nam, tác giả cuốn Việt Nam trong mắt tôi tặng nhà văn món quà là cuốn album rất đẹp để làm kỷ niệm.  

nguyen-nhat-anh-1to.jpg Nguyễn Nhật Ánh Với nhà thơ Chen Songsomphan, Chủ tịch Hội nhà văn Thái Lan. Ảnh: H.C.D.

Đại học lâu đời nhất của Thái Lan là Chulalongkorn cũng tổ chức một buổi thảo luận về tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ để tạo cơ hội cho sinh viên của trường tiếp cận với tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Hai nhà văn bản xứ từng được giải SEA Write là Binlah Son, ủy viên ban chấp hành Hội nhà văn Thái Lan (tác giả hơn 10 tập truyện ngắn và du ký) và nhà văn nổi tiếng ở Thái Lan Prabhassorn Sevikul (tác giả hơn 60 cuốn tiểu thuyết, chủ tịch Hội nhà văn Thái Lan 2005-2009) tham dự. Ông Prabhassorn Sevikul cũng là người hiệu đính và viết lời giới thiệu Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ bản tiếng Thái. Trong buổi hội thảo, hai nhà văn bày tỏ nhiều cảm nhận sâu sắc về cuốn sách. Ông Binlah Son còn giở sách ra đọc những đoạn văn ông tâm đắc cho mọi người cùng nghe.

"Tôi chưa gặp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bao giờ nhưng khi đọc cuốn sách này, tôi có cảm giác ông là người bạn rất thân của tôi. Ông đã nói hộ tôi rất nhiều điều", nhà văn Prabhassorn Sevikul chia sẻ. Còn nhà văn Binlah Son cho rằng, cuốn sách giúp ông nhận ra ba điều khác biệt: Khác biệt giữa thế giới trẻ em và thế giới người lớn; Khác biệt giữa trẻ em Việt Nam và trẻ em Thái Lan; Khác biệt giữa những người đã đọc cuốn sách này và những người chưa đọc cuốn sách này. "Tôi tiếc cho những ai chưa đọc nó", Binlah Son nói. Khi được nghe dịch giả cuốn sách là chị Montira chuyển ngữ những lời này của hai nhà văn Thái, Nguyễn Nhật Ánh không giấu được xúc động.

Sau các buổi giao lưu, độc giả kiên nhẫn xếp hàng chờ tác giả Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ ký tặng, Không chỉ vậy, anh còn được giới truyền thông tại Thái Lan "bao vây" với các cuộc phỏng vấn. Nhật báo Matichon, ASTV Manager, đài RFA tại Thái Lan, tạp chí Nhà văn (Writer Magazine), tuần báo Jood Pra Kai Literature Section, chương trình "Ngôi nhà của các nhà văn" của kênh truyền hình thuộc Hội nhà văn Thái Lan, đài truyền hình Thai PBS, đài truyền hình Mango TV (thuộc tập đoàn truyền thông lớn nhất Thái Lan The Nation)... đều gặp gỡ nhà văn để đưa tin, bài về chuyến đi của anh.

Theo evan

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022