Không phải một tác phẩm thương mại được quảng bá rầm rộ, bộ phim Đào, Phở và Piano đang bất ngờ gây sốt khắp mạng xã hội dù có suất chiếu hạn chế (chỉ khoảng 18 suất mỗi ngày). Dự án được đạo diễn và viết kịch bản bởi NSƯT Phi Tiến Sơn, do nhà nước đầu tư với mức kinh phí 20 tỷ đồng.

Kịch bản Đào, Phở và Piano lấy bối cảnh trận chiến đông xuân kéo dài 60 ngày đêm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 ở Hà Nội. Câu chuyện theo chân chàng dân quân Văn Dân (Doãn Quốc Đam đóng) và chuyện tình với nàng tiểu thư đam mê dương cầm Thục Hương (Cao Thị Thùy Linh thủ vai). Khi những người khác đã di tản lên chiến khu, họ quyết định cố thủ lại mảnh đất thủ đô đã tan hoang vì bom đạn, mặc cho những hiểm nguy đang chờ đợi trước mắt.

photo-20-1708342123685616399473.jpg

Nét chấm phá lãng mạn giữa sự tàn khốc của chiến tranh

Lấy bối cảnh thời kỳ chiến tranh khốc liệt, đạo diễnPhi Tiến Sơn chọn kể câu chuyện về tình yêu nước một cách hết sức dung dị với nhiều khung hình giàu tính gợi. Không có quá nhiều những cảnh chiến đấu hùng tráng, các tình tiết phim xoay quanh hành trình rời đơn vị đi tìm nguồn trợ cấp đạn dược của Văn Dân. Anh được một bé trai đánh giày giúp đỡ chỉ đường, đổi lại phải tìm cho cậu một chút hành lá để mang về đưa ông hàng phở cho kịp buổi bán hàng sáng hôm sau. Cùng lúc đó, Thục Hương quyết định từ nơi di tản trở về Hà Nội để tìm người yêu, lấy lý do quên chiếc đàn piano ở trong căn nhà cũ. Trớ trêu thay, khi cô đến, Văn Dân đã không còn ở đơn vị mà đang bôn ba đi tìm kiếm sự giúp đỡ.

photo-18-1708342121823556018625.jpg

Mỗi nhân vật trong Đào, Phở và Piano mang theo một số phận, câu chuyện riêng. Điểm chung của họ là tinh thần lạc quan, tích cực giữa những bộn bề, đổ nát và khắc nghiệt của chiến tranh. Đó có thể là một chàng dân quân hơi ngờ nghệch nhưng đầy gan dạ và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tổ quốc. Một nàng tiểu thư Hà Thành mặc hết hiểm nguy để đi theo tiếng gọi của con tim, tìm đến nơi người mình yêu thương nhất để sống trọn vẹn những ngày tháng có thể là cuối cùng. Một cậu bé đánh giày làm giao liên với ước mơ nhỏ nhoi là được ăn một bát phở vào mỗi buổi sáng. Một ông họa sĩ già quyết bám trụ lại thủ đô đến cùng để thắp hương cho những người lính đã ngã xuống và hoàn tất tác phẩm tâm huyết của mình.

Cùng nhau, những nhân vật này tạo nên những nét chấm phá cho một bức tranh về một Hà Nội vừa hào hùng mà không kém phần lãng mạn giữa bom đạn chiến tranh. Trong những thời điểm tăm tối nhất, bên cạnh lòng yêu nước đang sục sôi, tất cả vẫn không quên đi những điều tươi đẹp của cuộc sống, như hương thơm nức mũi của bát phở mới nấu hay nét hồng phai trên những cánh hoa đào nở rộ chào xuân sang.

photo-16-17083421203811788995536.jpg
photo-14-17083421182191895611985.jpg
photo-12-17083421164381600356798.jpg

Giống như lời ông họa sĩ già do NSƯT Trần Lực thể hiện, đạo diễn Phi Tiến Sơn đã cho ra đời một bộ phim chiến tranh mà không cần lạm dụng nhiều những phân đoạn chiến đấu, bom đạn. Nếu cần tả thực, người ta có thể tìm kiếm sự khốc liệt đó trong những thước phim tài liệu. Còn trong Đào, Phở và Piano, đó là hình ảnh một Hà Nội bất khuất trước giặc ngoại xâm, vẫn đi tìm cái đẹp và theo đuổi chủ nghĩa lãng mạn đến tận giây phút cuối cùng. Ở đó, chiến tranh không chỉ đem đến chia lìa, khổ đau mà còn là chất xúc tác mạnh mẽ để con người tìm đến với nhau và gắn kết vĩnh viễn. Và với những nhân vật trong phim, cái chết cũng không thể dập tắt khát vọng sống, khát vọng được yêu của họ.

Kịch bản chỉn chu, lối kể sáng tạo

Ngoài góc nhìn đầy tính lãng mạn về cuộc chiến đầy thương đau, điểm sáng khác củaĐào, Phở và Piano là kịch bản tròn trịa với các nhân vật được xây dựng tốt, tình tiết phát triển hợp lý. Câu chuyện phim được phát triển một cách mượt mà với nhiều phân đoạn vừa hài hước vừa giàu tính gợi. Tổng thể từ mở đầu, diễn biến, cao trào, kết thúc đều diễn ra trọn vẹn, tạo được sự hưng phấn cho người xem.

photo-10-17083421138741437503142.jpeg
photo-8-17083421112811780409441.jpeg

Lời thoại trong phim được viết tương đối hợp lý, sâu sắc nhưng vẫn giữ được sự duyên dáng, hài hước cần thiết. Các thông điệp về lòng yêu nước, yêu cái đẹp được lồng ghép tinh tế, không gượng ép hay giáo điều. Dàn diễn viên dù chưa đồng đều nhưng cũng thể hiện tròn vai trong những phân đoạn quan trọng của phim.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn chọn lối kể phi tuyến tính, không đi theo trình tự thời gian. Mở đầu phim là một cảnh nóng đầy lãng mạn giữa cặp nhân vật chính. Ngay sau đó, người xem lại chìm đắm trong những cuộc đụng độ không khoan nhượng giữa quân dân ta và giặc ngoại xâm. Các tình tiết được sắp xếp khéo léo để tạo nên một câu chuyện mạch lạc và đầy lôi cuốn.

photo-6-1708342109683752159527.jpg
photo-4-17083421077671522009674.jpg

Điểm trừ lớn nhất của Đào, Phở và Piano đến từ khâu bối cảnh và kỹ xảo. Dù được đầu tư với mức kinh phí 20 tỷ, phần thiết kế mỹ thuật không quá ấn tượng và chưa tạo ra nhiều hiệu ứng về mặt thị giác cho người xem. Các cảnh cháy nổ, bom đạn trong phim cũng chưa thực sự chân thật, còn hạn chế với một bộ phim đề tài chiến tranh.

Chấm điểm: 3.5/5

Nhìn chung, Đào, Phở và Piano là minh chứng cho thấy sự nỗ lực thay đổi của các dự án điện ảnh do nhà nước đầu tư. Với một câu chuyện hấp dẫn, không bị nặng tính giáo điều và nhiều điểm dễ chạm đến người xem, tác phẩm như một làn gió mới của đề tài phim chiến tranh và xứng đáng để nhiều khán giả phải "săn lùng" vé suốt những ngày qua.

photo-2-17083421023011025056257.png

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022