Liên quan đến lịch sử đường phố Hà Nội, phố Thợ Khảm (Rue des Incrusteurs) chỉ xuất hiện một lần trên một tấm bản đồ ghi rõ thời điểm phát hành là 20/8/1883, mà tác giả là thiếu úy Launay. Nhưng dân Hà Nội thì thường gọi là phố Hàng Khay.

1. Nghề khảm trai ốc có từ lâu đời ở Việt Nam. Dải đất hình chữ S của nước ta có hơn ba ngàn cây số phơi lưng ra biển là kho tài nguyên để những người dân quê lúc nông nhàn khai thác cái chất lóng lánh sắc cầu vồng của các loại ốc biển vô cùng phong phú, tạo ra những sản phẩm nghệ thuật khảm (hoặc cẩn) trên các loại đồ gỗ.

Cùng với thời gian hình thành các làng nghề, với những sản phẩm ngày càng tinh xảo. Nghề này nổi tiếng hơn cả làng Chuôn Ngọ, huyện Phú Xuyên, nay là Hà Nội, hoặc dòng họ Ninh ở La Xuyên, Ninh Xá, Nam Định…

Thần phả thần sắc của các làng nghề nhắc đến Trương Công Thành (thời Trần) hoặc Nguyễn Kim (thời Lê) là tổ nghề. Sử sách cũng đã chép việc từ xa xưa trong số các vật phẩm cống cho phương Bắc có đồ khảm… Nhưng có thể nói, người phương Tây, bắt đầu là các nhà truyền giáo hoặc thám hiểm, nhất là từ khi người Pháp đến đô hộ nước ta, thì các sản phẩm khảm càng được nhiều người biết tới.

Hà Nội. Bản đồ 1883 của Launay

Người ta thường hay nhắc đến tình tiết viên quan cai trị đầu tiên là đô đốc Lagrandière khi mới chiếm được Nam Kỳ (1865) đã liên hệ với triều đình Huế tuyển cho hai người thợ khảm vào để hành nghề và mở rộng nghề này ở phương Nam. Rồi nhận xét của toàn quyền Đông Dương Paul Doumer khi cho rằng: "Những chiếc tủ chè hoặc đồ gỗ nhỏ khảm xà cừ thật sự được chú ý và nổi tiếng vùng Viễn Đông. Những thợ khảm Trung Hoa ở Quảng Châu hình như đã học nghệ thuật của thợ khảm An Nam, nhưng tài nghệ còn kém xa", và ông cũng cho rằng sở dĩ nhiều người Âu nhầm lẫn tưởng sản phẩm của người Tàu chỉ vì nội dung những bức hình khảm hay dùng tích truyện của người Tàu.

Trong lần tổ chức cuộc Đấu xảo hoàn cầu (Exposition Universelle) 1878 tại Paris, theo thư mời của tổng thống Pháp, hoàng đế Đại Nam cũng cử Nguyễn Thành Ý dẫn đầu một phái đoàn mang theo sản vật của nước ta sang "đấu xảo". Khi trở về, trong lời tâu lên Tự Đức, quan lộc tự khanh Nguyễn Thành Ý cho biết, sản vật đem sang dự đấu xảo trong đó có đồ khảm "đều là những thứ khéo léo, tinh xảo, vì thế người phương Tây rất thích xem", được tổng thống và nhiều quan khách Pháp khen ngợi và hàng mang sang trưng bày đều bán được hết.

hanoi2-17083304195561038791960.jpg

Bản đồ Launay 1883, đoạn mô tả phố Thợ Khảm - Rue des Incrusteurs (vị trí được chúng tôi đánh dấu bằng mũi tên)

2. Tuy nhiên, liên quan đến lịch sử đường phố Hà Nội, có một tên đường chỉ xuất hiện một lần trên một tấm bản đồ ghi rõ thời điểm phát hành là 20/8/1883 mà tác giả là thiếu úy Launay. Như vậy thời điểm vẽ bản đồ này, Hà Nội vẫn là tỉnh thành của triều Nguyễn. Trên tấm bản đồ này có một con đường duy nhất và được đặt tên bằng tiếng Pháp là "Rue des Incrusteurs" (phố Thợ Khảm). Con đường trục chạy từ cửa Ô Tây Long thẳng đến tận Cửa Nam Thành, Hà Nội, trên dọc đường có ghi chú các địa danh "Sapèquerie" (trường đúc tiền), "Camp des Lettres" (trường thi). Phía cửa Ô Tây Long, bước ra phía sông chính là Khu nhượng địa (Concesssion francaise) mà triều đình Huế đã nhượng cho Pháp từ khoảng 10 năm trước đó (1874).

Sau này, nhiều nhà viết sử Hà Nội (như Masson, Hocquard…) đều mô tả rằng con đường mang tên "Thợ Khảm" vẫn giữ vẻ của cố đô xưa, tàn tã vì ít được tu sửa, nhà cửa phần lớn vẫn là nhà tranh. Con đường ấy cũng là con đường duy nhất mà những người Pháp đóng ở Khu nhượng địa có thể đi lại để liên hệ với nhà cấm quyền bản xứ đóng ở trong thành. Vì thế, có lẽ con phố này được hình thành tự phát khi xuất hiện những người Pháp đến cư trú tại Khu nhượng địa. Thợ và các nhà buôn sản phẩm này từ các làng nghề kéo đến lập nghiệp trở thành phố.

hanoi3-17083304196122108996186.jpg

Đoạn trở thành phố Paul Bert (ban đầu có trồng cây)

Trên bản đồ Launay 1883 mô tả đoạn phố có ký hiệu kiến trúc chỉ chạy từ đầu phố đến sát mép Hồ Hoàn Kiếm, còn đoạn sau này là Hàng Khay, ra đến Cửa Nam, lại không có kiến trúc mà chỉ thấy nhiều đất trống và ruộng lúa.

Vì vậy, ngay sau khi triều đình chấp nhận quyền bảo hộ của Pháp, trước cả khi giao đất Hà Nội cho Pháp lập thành phố (1888), thì chính quyền của thực dân đã lấy phố Thợ Khảm làm trục đường chính đầu tiên để cải tạo. Trước tiên là lệnh xóa bỏ các ngôi nhà làm bằng tre để chống hỏa hoạn, đồng thời từng bước cải tạo hạ tầng bằng cách mở rộng (ban đầu có trồng cây), rồi cấp phối mặt đường rải đá…

Gặp lúc viên tổng trú sứ đầu tiên của Bắc và Trung kỳ Paul Bert chết bệnh, nên được lấy tên thay cho cái tên chưa bao giờ chính thức là "phố Thợ Khảm". Các cửa hàng bán khảm trai bị dồn về phía Hàng Khay, một số chuyển qua Hàng Trống, rồi không bao lâu sau, gần như không còn dấu tích.

Dấu tích duy nhất khi khánh thành đường Paul Bert chính là tấm biển tên phố làm bằng gỗ khảm trai hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng lưu niệm Paul Bert tại quê hương Auvergne bên Pháp. Tuy không còn tên phố, nhưng nghề khảm trai không vì thế mà thất truyền. Nó lại trở về với làng quê và bền bỉ vượt qua mọi thách thức, khó khăn.

hanoi4-17083304195991477448739.jpg

Đoạn cuối, sau đổi là Hàng Khay, chỉ có một bên đường có nhà phố, bên kia là hồ

hanoi4b-1708330419567485205848.jpg

Các sản phẩm khảm được bác sĩ Hocquard chụp năm 1883 tại Hà Nội

hanoi5-17083304195451938401678.jpg

Biển phố Paul Bert được làm bằng gỗ và khảm trai

hanoi6-17083304195331944402133.jpg

Sản phẩm khảm trong các gia đình khá giả

hanoi7-1708330419519171202208.jpg

Bình phong khảm

hanoi8-1708330419500413313053.jpg

Đồ khảm phổ biến là tráp đựng trầu

hanoi10-17083304194841489325338.jpg

Sản phẩm khảm tại Hội chợ Hà Nội 1928

hanoi11-17083304194491982337042.jpg

Bưu ảnh người thợ và sản phẩm khảm của Hà Nội

hanoi12-17083304194121965309874.jpg

Lớp dạy thợ khảm của một trường dạy nghề ở Hà Nội

hanoi13-17083304193961415469503.jpg

Thợ khảm đang chế tác một mâm gỗ lớn

hanoi14-170833041943621305744.jpg

Thợ khảm và sản phẩm

hanoi15-17083304193781569566212.jpg

Truyền nghề khảm

hanoi16-17083304193321179504224.jpg

Nghệ nhân và doanh nghiệp khảm Hòa Ký, năm 1905

hanoi17-1708330419290981454335.jpg

Vợ và 2 con nghệ nhân Hòa Ký

hanoi18-170833041930749033673.jpg

Và cửa hàng Hòa Ký

hanoi19-17083304192721377427406.jpg

Thợ đang cắt gọt ốc

hanoi20-1708330419173998556499.jpg

Đoạn chạm đục gỗ

hanoi21-17083304192601807862670.jpg

Đoạn khảm trai vào gỗ

hanoi22-17083304192491967317327.jpg

Các thợ nữ đang chế tác sản phẩm khảm trai

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 90): Về sự ra đời của một thành phố cảng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022