Mừng Xuân mới, Nhà hát Kịch Việt Nam mở màn với vở hài kịch Ả cave nhà hàng Maxim - một kiệt tác của nhà viết kịch vĩ đại người Pháp thế kỷ XIX Georges Feydeau, được công diễn lần đầu tại Paris cách đây 125 năm. Vở diễn được dàn dựng lại với một hướng khai thác, tạo hình, dàn dựng rất mới nhằm mang đến cho công chúng những tiếng cười sảng khoái.

Cười sảng khoái với hài kịch kinh điển

Vở hài kịch Ả cave nhà hàng Maxim châm biếm một cách sâu cay và đầy hài hước giới thượng lưu quý tộc ở Paris với những thói học đòi, giả tạo. Chuỗi bi hài kịch bắt đầu từ sau đêm bác sỹ Petypon đến nhà hàng Maxim uống rượu, không ngờ trong lúc quá say, ông đã đưa một cô kỹ nữ về nhà. Mọi chuyện rắc rối đã bùng nổ khi bác sỹ Petypon bày nhiều trò để lấp liếm tội lỗi với vợ (Gabrielle). Đột ngột, ngài Đại tướng từ châu Phi về Pháp, ghé ngang nhà Petypon mời dự đám cưới con nuôi. Ông lầm tưởng cô kỹ nữ là vợ của cháu mình, nên đã mời về lâu đài dự đám cưới. Tình huống buộc bác sỹ Petypon phải "tương kế, tựu kế". Khi đến lâu đài, cô kỹ nữ bộc lộ bản chất của gái làng chơi với những trò lố lăng, điệu nhảy tục tĩu… nhưng lại khiến các quý bà vùng tỉnh lẻ lầm tưởng đó là phong cách thời thượng của giới thượng lưu, quý tộc ở Paris. Ai cũng xô vào học đòi, bắt chước, tạo nên những tình huống bi hài…

Tiếng cười giễu nhại xã hội thượng lưu học đòi và rỗng tuếch. Ảnh: Báo điện tử Tiền Phong

Vở kịch không có xung đột cao trào, nhưng lại khiến khán giả đi từ tràng cười này sang tràng cười khác với những tình tiết hài hước được đan cài logic và lối diễn xuất tự nhiên, tròn vai, duyên dáng của dàn nghệ sỹ qua các tình huống bi hài liên tiếp theo từng lớp lang vở kịch… Ê-kíp sáng tạo đã cài thêm một số câu nói đang là trào lưu trong thời gian gần đây cùng với việc sử dụng văn vần trong lời thoại của nhân vật một cách khéo léo, hài hước, sát với ý đồ của tác giả trong nguyên tác, để lại ấn tượng với người xem.

Vở kịch do Giám đốc, Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Bắc chỉ đạo nghệ thuật, Nghệ sỹ Nhân dân Tuấn Hải đạo diễn; Nghệ sỹ Nhân dân Doãn Bằng thiết kế sân khấu; các nghệ sỹ và dàn diễn viên trẻ của Nhà hát Kịch Việt Nam thể hiện.

Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, vở diễn này đã được Nhà hát dàn dựng thành công cách đây hơn 20 năm. Bản dựng cũ kéo dài trong 2 đêm, còn lần này được Nghệ sỹ Nhân dân Tuấn Hải rút gọn lại còn gần 3 tiếng. Phiên bản mới này hội tụ các yếu tố hài hước, giải trí lẫn châm biếm sâu cay. Sân khấu đẹp, âm nhạc, vũ đạo, trang phục mang đậm phong cách châu Âu thế kỷ XIX, nhưng được thể hiện có phần cường điệu và đối chọi hơn, làm nổi bật sự lố bịch của một xã hội khi học đòi theo những điều nhảm nhí, phù phiếm…

Nghệ sỹ trẻ Mai Duyên trong vai "ả cave" đã khiến khán giả bất ngời khi lột tả tinh tế sự quyến rũ, tục tĩu của nhân vật để "dắt mũi" cả một đám người rỗng tuếch, rởm đời… Nghệ sỹ Hồng Phúc trong vai bác sỹ Petypon - một nhân vật trong giới thượng lưu Paris đã tạo ấn tượng với khán giả từ dáng vẻ bề ngoài, diễn xuất hài hước, dí dỏm. Bên cạnh đó, các diễn viên Dũng Nam, Thu Hà, Thu Hương, Quang Đạo, Ngân Hoa, Hà Vy, Tuấn Vũ, Tiến Đạt, Thế Nguyên, Khánh Linh… đều diễn tròn vai. Các nghệ sỹ tung hứng hài hòa, hợp lý, mang đến cho công chúng tiếng cười vui vẻ, sảng khoái.

Vẫn nguyên câu chuyện thời đại

Nhà hát Kịch Việt Nam thông tin: Vở hài kịch này được lấy từ nguyên tác La Dame de chez Maxim - một kiệt tác của nhà viết kịch Georges Feydeau. Là một tác giả cổ điển và cận đại, ông đã gặt hái nhiều thành công ở cả nước Pháp và trên thế giới. Ông là tác giả của nhiều vở hài kịch về giới thượng lưu quý tộc ở Paris, những mặt trái của xã hội, đối lập của đạo đức và nhân cách, trí tuệ và kiến thức… 

22w-1708334340428403173250.jpg

Hồng Phúc và Mai Duyên tung hứng trong nhiều phân cảnh bi hài. Ảnh: Báo điện tử Tiền Phong

Đã có nhiều năm lăn lộn ở quán rượu, hộp đêm nhà hàng, nhà viết kịch Georges Feydeau đã viết nên những câu chuyện thật lôi cuốn, sống động của Paris về đêm, để lại nhiều tác phẩm nghệ thuật vô giá. Vở Ả cave nhà hàng Maxim được lấy cảm hứng sáng tạo từ quán rượu Maxim và hộp đêm Moulin Rouge (tức nhà hàng Cối xay gió màu đỏ). Đến nay, vở kịch đã tròn 125 tuổi, tính từ ngày công diễn tại Nhà hát Des Nouveautés ở Paris (Pháp) vào 17/1/1899. Trong hơn 120 năm qua, vở diễn đã được dàn dựng và biểu diễn ở nhiều sân khấu lớn, nhiều nhà hát nổi tiếng thế giới.

Nghệ sỹ Nhân dân Tuấn Hải, đạo diễn vở kịch cho biết, ông đã dàn dựng tác phẩm đúng tinh thần của tác giả Georges Feydeau. Tuy nhiên, tác phẩm ra đời từ hơn một thế kỷ trước, đạo diễn và ê kíp dàn dựng đã phải biên tập lại, Việt hóa lời thoại cho gần gũi hơn, dễ hiểu hơn và hợp thời đại hơn, để câu chuyện có bối cảnh nước ngoài trở nên gần gũi với khán giả Việt, nhất là với khán giả trẻ. Vở diễn do các diễn viên trẻ, tài năng với thế mạnh về sắc đẹp, về vũ đạo…, khiến khán giả mãn nhãn, phấn khích.

Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, Nhà hát chọn vở hài kịch này diễn khai Xuân với mong muốn mang lại tiếng cười vui vẻ, sảng khoái cho công chúng trong những ngày đầu Xuân mới. Vở diễn được viết từ cách đây 125 năm, thông điệp mang tính giá trị thời đại vẫn luôn tồn tại đến nay. Đó là thói rởm đời, kệch cỡm, thói trưởng giả học làm sang, sự mông muội, thiếu hiểu biết nhưng tự cho mình là thời thượng. Đó là sự giả tạo trong cuộc sống, những tình huống dở khóc dở cười khi nhân vật tự tạo sức ép cho chính mình, không nhận ra rằng mình đang làm trò cười cho người khác...

"Chúng tôi dàn dựng những vở hài kịch mang tính mẫu mực kinh điển của thế giới với mong muốn mang đến cho khán giả tác phẩm nghệ thuật là hài kịch đúng nghĩa, mang đầy đủ yếu tố, giá trị về cái đẹp, nhận thức, tính tư tưởng thời đại", Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Bắc chia sẻ.

Sau 'Bệnh sĩ', Nhà hát kịch Việt Nam diễn 'Điều còn lại' kéo khán giả tới rạp

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022