Trọn đời vì nước non là tác phẩm dự thi của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định trong khuôn khổ Liên hoan Chèo toàn quốc, diễn ra tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Hà Nam. Vở do Lê Thế Song viết kịch bản, nghệ sĩ Tự Long đạo diễn, kể về chặng đường hoạt động cách mạng của ông Trường Chinh.

Vở diễn mở đầu với hình ảnh Đặng Xuân Khu (tên thật của ông Trường Chinh), 18 tuổi, tham gia cuộc bãi khóa của toàn trường, đòi trả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu. Một năm sau, ông cùng Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Lương Bằng lãnh đạo phong trào thanh niên, học sinh truy điệu và để tang cụ Phan Châu Trinh. Bị đuổi học, ông chuyển lên Hà Nội rồi học tiếp ở Cao đẳng Thương mại thuộc Đông Dương Đại học. Tại đây, ông gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, vào Ban tuyên truyền của Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1930, ông bị Pháp bắt giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), kết án 12 năm tù rồi đày đi Sơn La. Sáu năm sau, ông được trả tự do, tiếp tục dấn thân vào phong trào cách mạng. Sau đó, ông được bầu làm Tổng bí thư.

trich-doan-vo-cheo-tron-doi-vi-nuoc-non-1666693999.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9vsg1ohkXVic52ShIm5QGA
Trích đoạn vở chèo "Trọn đời vì nước non"

Trích đoạn vở chèo "Trọn đời vì nước non". Video: TQD Studio

Tác giả Lê Thế Song cho biết chọn lát cắt này vì đây là quãng thời gian khổ cực nhưng thể hiện được hình tượng Tổng bí thư với đầy đủ phẩm chất: trí, đức, nhân, tâm, tài. Trong quá trình sáng tác, ông nghiên cứu kỹ các tư liệu lịch sử, những câu chuyện được lưu truyền về Trường Chinh và chọn lựa chi tiết đắt giá. Ví dụ khi được thả tự do, Pháp yêu cầu ông phải di chuyển bằng bè nứa trên sông Đà. Nhờ sự hỗ trợ của người dân, các đồng đội, ông an toàn từ Sơn La về Hà Nội. Hay khi ở trong tù, Trường Chinh cảm hóa cai ngục, khiến họ phải chép thơ của ông và đi theo cách mạng.

Đạo diễn Tự Long cho biết gặp áp lực dàn dựng vở chèo chính luận sao cho hấp dẫn, không khô cứng, giáo điều. Anh lồng ghép một vài tình huống gây cười như nhân vật Bất - đi theo Tây - chân cà nhắc, thích ra vẻ ta đây hay khoảnh khắc quân lính hùa theo nịnh bợ Bất. Nghệ sĩ Xuân La hóa thân Tổng bí thư, còn Thu Phương đóng bà Minh - vợ ông. Đạo diễn cho biết chọn hai nghệ sĩ vì có chất giọng tốt và biến hóa đa dạng trên sân khấu.

Đại diện ban tổ chức liên hoan nhận xét: "Trong số nhiều vở diễn đề tài lịch sử, Trọn đời vì nước non khắc họa một phần cuộc đời Tổng bí thư, qua đó tái hiện một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Tác phẩm góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, khơi dậy tình yêu nước trong khán giả, đặc biệt là người trẻ".

-8508-1666693070.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ISY79UM4-9ZCkiSIN-28qg

Nghệ sĩ Xuân La trong tạo hình ông Trường Chinh khi lên làm Tổng bí thư. Ảnh: TQD Studio

Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 diễn ra từ ngày 12 đến 28/10 tại Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh Hà Nam, quy tụ 16 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp từ trung ương tới địa phương, với 27 vở diễn.

Liên hoan do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Cục Nghệ thuật Biểu diễn phối hợp Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, định kỳ ba năm một lần, là ngày hội dành cho các đơn vị và đông đảo nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công chèo trên cả nước. Sự kiện nhằm phát hiện những tài năng, sáng tạo mới để thúc đẩy bộ môn nghệ thuật truyền thống phát triển.

Hiểu Nhân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022