"Đèn Hoa Kỳ" và "thịt kho Tàu", 2 từ này có liên quan gì với nhau đâu nhỉ? Một cái (đèn) là dụng cụ thắp sáng, cái còn lại là món thịt kho quen thuộc vẫn có trong bữa ăn của nhiều gia đình. Đó là 2 từ mà trong bài viết này, tôi sẽ bàn đến chuyện chính tả: Tên của chúng (Hoa Kỳ, Tàu) trong 2 tổ hợp từ trên có viết hoa hay không?

Đèn Hoa Kỳ hay đèn dầu là một loại đèn phát sáng do ngọn lửa được đốt bằng dầu hỏa. Trước đây, mọi người dân Việt Nam quen dùng những đĩa đèn dầu thực vật (như dầu lạc, dầu dừa) hay nến để thắp sáng. Đèn dầu bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Hãng Shell - một công ty buôn bán dầu hỏa nổi tiếng của Anh đã chọn Việt Nam làm thị trường lớn của hãng. Để khuyến khích khách hàng, hãng Shell đã đưa ra một quyết định: Bất cứ người Việt Nam nào chọn mua dầu hỏa của hãng (từ nửa lít trở nên) thì đều được tặng kèm một chiếc đèn có khắc tên của hãng trên bầu đèn. Loại đèn do hãng Shell tặng có xuất xứ từ Mỹ. Vì vậy mà chiếc đèn loại này được gọi là đèn Hoa Kỳ.

Đèn Hoa Kỳ hay đèn dầu. Ảnh: Internet

Còn "thịt kho Tàu" là một món ăn khá quen thuộc trong thực đơn của người Việt Nam. Đó là một món thực phẩm được chế biến từ nguyên liệu thịt ba chỉ, trứng vịt (hay trứng cút) luộc bóc vỏ, đem kho kỹ với đường, gia vị và nước hàng (cho có màu), được nhiều người ưa thích.

Về xuất xứ, có người cho rằng, ngày xưa, dân làng chài mỗi khi lên tàu ra biển lớn đều phải lênh đênh nhiều ngày đêm, thậm chí nhiều tháng trời. Vậy cho nên họ phải nấu một nồi thịt kho thật to để ăn trong nhiều ngày. Từ đó, người ta gọi món thịt này là "thịt kho tàu".

Nhưng lại có ý kiến cho rằng, đây là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc (Quảng Đông), mà người Hoa ở Việt Nam rất hay làm. Cách chế biến (cho thêm đường, xì dầu hay ít muối, đun kĩ cho nhừ) để có một món thịt kho đặc trưng mà người Trung Quốc hay làm.

thhit-17108913569171679958274.jpeg

"Thịt kho Tàu" là một món ăn khá quen thuộc trong thực đơn của người Việt Nam. Ảnh: Internet

Từ "Tàu" là một từ được dùng để chỉ một số vật dụng liên quan tới Trung Quốc (mà có giả thuyết cho rằng, các cư dân Trung Quốc khi sang Việt Nam, đa số theo con đường "tàu thuyền"). Chè Tàu, thịt kho Tàu, tiếng Tàu (tiếng Hán, tiếng Trung), hàng Tàu… đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Đèn Hoa Kỳ, thịt kho Tàu, dầu Tây, bánh Tây, bèo Tây (chỉ phương Tây) lúc đầu du nhập vào tiếng Việt đều viết hoa địa danh có vai trò định ngữ. Nhưng theo thời gian, do dùng quen, nghĩa từ vựng là nghĩa trội nên những tên địa danh này đã được Việt hóa, "nhập tịch" vào kho từ vựng tiếng Việt và các định ngữ "ăn theo" từ này không viết hoa nữa.

Nó cũng giống như từ mạnh thường quân (liên quan tới Mạnh Thường Quân - một nhân vật người nước Tề (thời Chiến Quốc, Trung Quốc), rất giàu có, yêu trọng hiền tài và hay dùng tiền bạc để làm việc nghĩa. Sau này, nhiều người khá giả, có điều kiện đã giúp đỡ các cá nhân, tập thể thực hiện một công việc nào đó (giống như Mạnh Thường Quân đã từng làm) thì người ta đều "gán" cho họ một định ngữ "mạnh thường quân" (không viết hoa).

Các danh từ riêng (như trên đã dẫn) đã dần dần bị "chung hóa" thành các từ như các từ bình thường khác của tiếng Việt: bèo tây, khoai tây, bánh tây…; đèn hoa kỳ; thịt kho tàu; tào tháo đuổi… đều viết thường như mọi danh từ chung.

Mỗi từ ngữ ngoại lai đều có cuộc sống riêng: Xuất hiện, định hình, phát triển, thay đổi trong hành trình lịch sử. Đèn hoa kỳ, thịt kho tàu, bèo tây, khoai tây, mạnh thường quân… là những từ "nhập cuộc" và "nhập tịch" như thế trong tiếng Việt.

Tự nhiên không phải viết hoa

Những từ "Tây" đã thành "Ta" lâu rồi

Chữ và nghĩa: Tiếng và tiếng làng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022