Đầu tháng 6-2022, họa sĩ trẻ Đoàn Quốc (SN 1996) gây ấn tượng với triển lãm "Như một hoài niệm" kỷ niệm mốc 6 năm đến với hội họa. Tại triển lãm này, 15/21 bức tranh đã được bán.
Tuy nhiên, sau đó bức tranh "Góc khuê phòng" (đang trưng bày tại triển lãm) bị đạo diễn Nguyễn Phùng Minh Luân đăng đàn tố "đạo nhái" ý tưởng, bố cục của một cảnh quay trong phim "Cố Du" và khẳng định chưa hề nhận được lời xin phép từ họa sĩ Đoàn Quốc.
Ngày 18-7, đại diện "Cố Du" (phát hành năm 2020) đã thông báo về việc khởi kiện họa sĩ Đoàn Quốc và giám tuyển Lý Đợi, vì cho rằng bức tranh "Góc khuê phòng" trong triển lãm "Như một hoài niệm" đã "đạo" ý tưởng từ một phân cảnh trong dự án với mục đích thuơng mại.
Tuy ra mắt vào năm 2020 nhưng những cảnh quay trong "Cố Du" được thực hiện từ năm 2019. Ê-kip làm phim cho biết cảnh quay bị "đạo" được đạo diễn Minh Luân lên ý tưởng và dàn dựng, kết hợp với công nghệ CGI (mô phỏng hình ảnh bằng máy tính), sau đó sử dụng các đồ vật được mua, thuê, mượn để làm thành bối cảnh quay phim, chứ không phải là cảnh trí có sẵn tại một ngôi nhà cổ nào đó.
"Ánh nắng trong cảnh quay là nắng tự nhiên. Vì vậy, việc tranh của họa sĩ Đoàn Quốc giống đến cả nguồn sáng nếu không phải là sao chép thì... chắc chỉ có ở chiều không gian khác" - anh La Quốc Bảo, thành viên ê-kip làm phim, nhận xét.
Có nhiều điểm tương đồng giữa bức "Góc khuê phòng" và cảnh quay trong phim "Cố Du". (Ảnh: LA QUỐC BẢO)
"Ban đầu khi phát hiện sự việc và đăng lên Facebook, bên mình đã dành 3 giờ để chờ họa sĩ giải thích (đến 15 giờ). Tuy nhiên, đến khuya, Đoàn Quốc mới phản hồi và thừa nhận hành vi lấy bối cảnh phim làm ý tưởng cho tranh. Nhưng phía bạn lại không có thiện chí đưa phương án đền bù, chỉ xin lỗi vì chưa kịp tìm nhà sản xuất để xin phép" - đại diện dự án phim thông tin.
Sau nhiều lần không thống nhất được hướng giải quyết, ê-kip phim "Cố Du" quyết định đâm đơn kiện vào cuối tuần trước.
Trao đổi với chúng tôi, giám tuyển Lý Đợi - đại diện của họa sĩ Đoàn Quốc và là người lựa chọn tranh cho triển lãm "Như một hoài niệm" - khẳng định: "Muốn biết chúng tôi có vi phạm hay không, hoặc chúng tôi đang bị vu khống, tống tiền hay bôi nhọ danh dự, cứ ra tòa sẽ biết".
Ê-kip phim "Cố Du" đang thực hiện cảnh quay. (Ảnh: LA QUỐC BẢO)
Giám tuyển Lý Đợi đưa ra nhiều cơ sở để bác bỏ cáo buộc từ đại diện phim "Cố Du". Ông cho rằng trích một hình ảnh chuyển động (trong phim) để so với một hình ảnh tĩnh (tranh vẽ ) đã là việc làm rất khó khăn, vì quá khác nhau. Hai tác phẩm này đều lấy cảm hứng về hoài niệm, mỗi bên một cách khai thác khác nhau, nên giống nhau là rất ít.
Phía họa sĩ Đoàn Quốc đã có văn bản gửi công ty luật và đạo diễn Nguyễn Phùng Minh Luân, cho biết: "Trong khi 2 bức hình này chỉ giống nhau ở cửa sổ và vài chi tiết khác, mà các hình ảnh này đã có trong dân gian rồi, nghĩa là các nhà cổ đều có, đã hết bản quyền khai thác từ lâu. Nó không phải hình ảnh riêng do đoàn phim sáng tạo riêng như các tạo hình trong "Avatar", "Tây du ký" hoặc các phim của Marvel...".
Hoạ sĩ Đoàn Quốc
"Phải hiểu rằng cửa sổ, cái tủ, cái bàn... trong phim và trong tranh này thì cũng giống như chùa Một Cột, phố Hội An, chợ Bến Thành mà thôi. Chúng ta không thể độc quyền các hình ảnh đã mang tính cổ điển, phổ quát hoặc dân gian như cửa sổ, bộ bàn, cái tủ... được" - họa sĩ Đoàn Quốc nêu ý kiến.
Đoàn phim "Cố Du" không đồng tình với cách trả lời trên. "Không ai đánh bản quyền ngôi chùa, con phố, ngôi chợ, nhưng tấm hình/thước phim của địa điểm đó có bản quyền, bao gồm ánh sáng thời điểm đó, cách lấy góc, bố cục tỉ lệ..." - họ giải thích.