Việt hóa một tác phẩm ăn khách từ nước ngoài thành sản phẩm giải trí nội địa đã không còn là hiện tượng mới mẻ. Cuối thập niên 2000, bộ phim truyền hình Cô Gái Xấu Xí (2008) - được làm lại từ tác phẩm You soy Betty, la fea của Colombia - từng tạo thành hiện tượng khi phát sóng trên VTV3. Tới năm 2011, khán giả Việt tiếp tục bị cuốn theo diễn biến của Cầu Vồng Tình Yêu - tác phẩm được chuyển thể từ phim truyền hình Family's Honor (2008) của Hàn Quốc.

Giai đoạn phục hưng của điện ảnh và truyền hình Việt Nam bắt đầu từ thập niên 2010 ghi nhận sự bùng nổ về số lượng của những bộ phim được làm lại từ kịch bản nước ngoài. Chúng là món ăn lạ miệng, được khán giả ưa thích nhờ ý tưởng cốt truyện mới mẻ. Tuy nhiên, khi số lượng những bộ phim Việt hóa ngày một nhiều, mang lại không ít thành công vang dội về cả doanh thu lẫn danh tiếng, khán giả ắt sẽ băn khoăn liệu ngành giải trí nước nhà có đang ỷ lại vào xu hướng làm phim này.

fb-1-1658218901920730006895.jpg

Phim Việt hóa hâm nóng màn ảnh nhỏ

Tháng 3/2017, tập đầu tiên của series truyền hình Người Phán Xử lên sóng VTV3 của Đài truyền hình Việt Nam và nhanh chóng thu hút khán giả nhờ nội dung mới mẻ xoay quanh nội dung tội phạm của ông trùm Phan Quân (NSND Hoàng Dũng). Chưa đầy một tháng sau, phim Sống Chung Với Mẹ Chồng phát trên VTV1 cũng "gây bão" với câu chuyện mâu thuẫn gia đình giữa những bà mẹ chồng ghê gớm và các cô con dâu chẳng phải dạng vừa. Cả hai tác phẩm được nhận xét là "cú lội ngược dòng" cho phim truyền hình Việt sau nhiều năm không còn thu hút khán giả.

  • Diễn viên phim truyền hình Việt đang tự biến mình thành "công nhân làm phim"?
  • Đây chính là truyền hình phim Việt gây tranh cãi nhất 2022?

Sau Người Phán XửSống Chung Với Mẹ Chồng, thực đơn phim "giờ vàng" trên sóng truyền hình quốc gia những năm tiếp theo ghi dấu ấn bằng những cái tên với tầm phủ sóng mạnh mẽ trên mạng xã hội như như Cả Một Đời Ân Oán (2018), Về Nhà Đi Con (2019), Hướng Dương Ngược Nắng (2020), Hương Vị Tình Thân (2021) hay Thương Ngày Nắng Về (2022)… Điểm chung của không ít phim trong số này là chúng đều được mua bản quyền làm lại từ tác phẩm ăn khách nước ngoài.

Người Phán Xử được làm lại từ phim truyền hình Ha-Borer của Israel. Đại diện VFC cho biết họ đã viết lại khoảng 50% kịch bản phim để diễn biến tác phẩm phù hợp với bối cảnh văn hoá, chính trị Việt Nam. Sống Chung Với Mẹ Chồng không phải phim làm lại, nhưng cũng được chuyển thể từ nội dung tiểu thuyết Trung Quốc Phù Thủy Dưới Đáy Biển của tác giả Giả Hiểu. Cả Một Đời Ân Oán được mua kịch bản chuyển thể từ phim Cô Dâu Bạc Triệu (2012) của Đài Loan (Trung Quốc).

nguoiphanxu-1658217948585365939016.jpg

Người Phán Xử lập công lớn trong việc lôi kéo khán giả trở lại với phim truyền hình VTV.

Hương Vị Tình Thân với độ dài 136 tập chia thành hai phần có kịch bản được dựng lại từ tác phẩm Hàn Quốc My Only One (2018). Thương Ngày Nắng Về - bom tấn truyền hình của VTV và VFC trong năm 2022 - đang đi đến những tập cuối cùng của mùa hai. Phim được mua kịch bản chuyển thể từ bộ phim Mother of Mine (2019) do Hàn Quốc sản xuất.

Ngoài những tác phẩm kể trên, trong năm năm qua, VFC cũng cho ra đời nhiều bộ phim được mua bản quyền làm lại từ nước ngoài như Nhà trọ Balanha (2020) chuyển thể từ phim Hàn Quốc Eulachacha Waikiki (2018), Mối Tình Đầu Của Tôi (2019) có nguyên tác là She Was Pretty (2015) hay Mẹ Ơi, Bố Đâu Rồi? (2018) với kịch bản gốc là phim sitcom Last Man Standing (2011-2021) của Mỹ…

bau1-1631424393292266087090-1659511156135618206618.jpg

Cây Táo Nở Hoa là một dự án phim remake thành công của truyền hình Việt

Gạo Nếp Gạo Tẻ lên sóng từ năm 2018 tới năm 2020, kéo dài hai phần với độ dài 159 tập. Phim được mua kịch bản chuyển thể từ series truyền hình Hàn Quốc Wang's Family (2013). Tương tự, Cây Táo Nở Hoa - phim đánh dấu sự trở lại của Thái Hòa với màn ảnh nhỏ sau nhiều năm vắng bóng - lên sóng năm 2021 cũng được Việt hóa từ tác phẩm Liver or Die (2019) của Hàn Quốc. Đây đều là các series ăn khách, gây được tiếng vang rộng rãi của truyền hình phía Nam.

Màn ảnh rộng chuộng phim kịch bản Hàn

Trước đại dịch, từng có giao đoạn điện ảnh Việt ngập tràn các bộ phim làm lại từ kịch bản nước ngoài. Phát súng mở màn của trào lưu này gọi tên Em Là Bà Nội Của Anh (2015). Tác phẩm Việt hóa từ bộ phim Miss Granny (2014) của Hàn đã thu về 102 tỷ đồng từ phòng vé. Em Là Bà Nội Của Anh là bộ phim điện ảnh thứ hai trong lịch sử vượt mốc doanh thu 100 tỷ đồng sau Để Mai Tính 2 (2014).

Giai đoạn 2017-2019, người yêu điện ảnh được xem trung bình 3-4 phim Việt hóa mỗi năm, với đỉnh cao là 2018 với 6 tác phẩm. Giai đoạn này, các bộ phim Việt hóa từ kịch bản nước ngoài chiếm khoảng 10% trong cơ cấu phim mới được tung ra rạp mỗi năm (dao động trong khoảng 35-40 phim).

hi-03323-3286-1658218190883868346974.jpg

Nghề Siêu Dễ là phim remake mới nhất của điện ảnh Việt. Bộ phim mất điểm vì nội dung lên gân, cường điệu gây mệt mỏi

Trong đại dịch, con số này giảm nhẹ. Năm 2020, có hai phim được làm lại từ kịch bản nước ngoài được tung ra rạp là Bằng Chứng Vô HìnhTiệc Trăng Máu. Trước thời điểm rạp chiếu phim toàn quốc phải đóng cửa trong thời gian dài để chống dịch, đã có thêm hai phim Việt hóa là Em Là Của Em cùng Song Song được phát hành. Năm 2021, xu hướng tiếp tục với Chìa Khóa Trăm TỷNghề Siêu Dễ.

Không phải đầu tư sâu cho khâu kịch bản giúp tiết kiệm thời gian, lại hưởng lợi không nhỏ từ danh tiếng và thành công của tác phẩm gốc, Việt hóa những bộ phim nước ngoài có thể xem là lựa chọn nhanh gọn và tiện lợi với các nhà phát hành đang cần thêm nguồn cung phim nội địa. Về tổng thể, dù phim Việt hóa được sản xuất rầm rộ và ào ạt ra rạp, không nhiều tác phẩm gặt hái thành công rực rỡ về cả doanh thu lẫn chất lượng nghệ thuật.

Theo số liệu thống kê của Wikipedia, trong số 45 bộ phim điện ảnh Việt với doanh thu vượt ngưỡng 50 tỷ đồng (mốc hòa vốn tương đối cho các dự án có kinh phí sản xuất trung bình 20 tỷ đồng), chỉ có 5 tác phẩm là phim được Việt hoá, gồm Tiệc Trăng Máu, Em Là Bà Nội Của Anh, Tháng Năm Rực Rỡ, Nghề Siêu Dễ Chìa Khóa Trăm Tỷ. Trong đó, chỉ Tiệc Trăng MáuEm Là Bà Nội Của Anh vượt mốc 100 tỷ đồng.

tiectrangmauvfjn-16582184850851705656392.jpg

Phim remake Tiệc Trăng Máu đã vực dậy phòng vé Việt những tháng cuối 2020, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành

Dù chỉ chiếm 13.3% trong danh sách phim đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng (hiện đã cán mốc 15 tác phẩm), không thể phủ nhận trong giai đoạn đại dịch 2020-2022, các bộ phim làm lại từ kịch bản nước ngoài đã đóng góp không nhỏ trong việc duy trì sức sống cho màn ảnh Việt. Tiệc Trăng Máu của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là phim có doanh thu cao nhất 2020 với 175 tỷ đồng.

Sau năm 2021 thất bát, bước sang 2022, dù không được đánh giá cao về nội dung, Nghề Diêu Dễ vẫn kiếm về 70 tỷ đồng trong khi Chìa Khóa Trăm Tỷ bám sát nút với 68 tỷ đồng. Hai phim hiện là các tác phẩm nội địa có doanh thu phòng vé cao thứ ba và bốn trong năm 2022 sau Em Và Trịnh cùng Bẫy Ngọt Ngào.

Biên kịch Việt đang ở đâu khi khán giả cần?

Những năm qua, điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc vẫn luôn là kho ý tưởng và "mỏ kịch bản" được các nhà làm phim Việt Nam tin cậy. Cái bắt tay về văn hóa giúp việc các nhà làm phim có thể tiếp cận nguồn kịch bản phim Hàn Quốc với mức phí bản quyển thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Sự tương đồng về văn hóa truyền thống giữa hai quốc gia, cùng việc văn hóa đại chúng Hàn Quốc đã ngấm sâu vào đời sống xã hội Việt Nam những thập kỷ qua, tác động mạnh mẽ đến gu thưởng thức giải trí của khán giả cũng giúp những kịch bản được Việt hóa từ phim Hàn dễ được đón nhận.

Mặt tích cực, những bộ phim được Việt hóa từ nguyên tác nước ngoài đã mang đến làn gió mới cho thị trường giải trí trong nước, mang lại cảm giác hào hứng cho khán giả khi cho họ nhiều phương án đa dạng để lựa chọn hơn. Sau cùng, các bộ phim làm lại đã giúp điện ảnh và truyền hình Việt đạt được mục tiêu tối thượng - giữ chân khán giả. Từ đây, sự quan tâm của khán giả sớm muộn cũng sẽ mở rộng ra đến những tác phẩm "thuần Việt" chất lượng khác.

Tuy nhiên, sự nở rộ của những bộ phim remake từ nước ngoài cũng phản ánh thực trạng điện ảnh và truyền hình Việt đang thiếu những kịch bản gốc chất lượng, nguồn cơn sâu xa bắt nguồn từ việc lực lượng biên kịch còn mỏng. Đây là quan điểm được nhiều nhà làm phim danh tiếng như Đặng Nhật Minh, Phan Đăng Di, Nguyễn Quang Dũng thừa nhận.

thuongngaynangve-1658218718303129405805.png

Hallyu ảnh hưởng mạnh đến thị hiếu của khán giả Việt, gián tiếp giúp các bộ phim remake từ kịch bản Hàn Quốc dễ được đón nhận hơn

Khán giả xem phim truyền hình của VFC bắt gặp cái tên biên kịch Nguyễn Thu Thủy xuất hiện trong nhiều tác phẩm như Quỳnh Búp Bê, Về Nhà Đi Con, Cô Gái Nhà Người Ta, Hoa Hồng Trên Ngực Trái… Trên màn ảnh rộng, phía sau danh sách hàng chục bộ phim ăn khách, đoạt doanh thu cao là một nhóm những cái tên biên kịch quen thuộc như Kay Nguyễn cùng A Type-machine, Phan Gia Nhật Linh, Charlie Nguyễn hay mới đây là Bình Bồng Bột.

Nguyễn Thu Thủy là một biên kịch truyền hình mát tay với thế mạnh lại nằm ở những câu chuyện tình ngang trái, các mâu thuẫn trong nội bộ gia đình với dàn nhân vật chịu đựng số phận nhiều bi kịch. Nhưng những bộ phim do nữ biên kịch chấp bút dù khác nhau về bối cảnh, nhân vật nhưng tạo ra cùng một ấn tượng, đọng lại cùng một trường cảm xúc. Năm 2020, Cô Gái Nhà Người Ta với kịch bản do Nguyễn Thu Thủy góp phần chắp bút từng bị phản ứng vì nội dung quá nhiều bi kịch gây ức chế cho khán giả.

A Type-machine là cái tên gắn liền với thành công của bộ phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên cán mốc doanh thu 200 tỷ Hai Phượng. Mới đây, nhóm cũng có màn hợp tác thành công với Victor Vũ trong lần chuyển thể tác phẩm Mắt Biếc của Nguyễn Nhật Ánh lên màn ảnh. Được đánh giá là nhóm viết mát tay, nhưng A Type-machine cũng không tránh khỏi bối rối khi xử lý những kịch bản phim thể loại hành động, giả tưởng như Người Bất Tử hay Lôi Báo của Victor Vũ.

phim-em-va-trinh-dat-moc-doanh-thu-60-ty-dong-sau-hon-1-tuan-cong-chieu2-16584811509761871810663.jpg

Màn ảnh Việt cần nhiều hơn những bộ phim kịch bản gốc dù kết quả nhận về có là dư luận khen, chê trái chiều.

Tên tuổi Bình Bồng Bột gắn liền với thành công của Tiệc Trăng Máu. Chia sẻ với truyền thông, vị biên kịch chia sẻ anh chỉ mất một tuần để hoàn thành việc chuyển thể kịch bản từ nguyên tác Hàn Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, với những kịch bản tự tay chấp bút từ con số 0, Bình Bồng Bột cho thấy sự loay hoay trong việc xây dựng một cốt truyện đủ sức thuyết phục. Trạng Tí Phiêu Lưu Ký cùng Em Và Trịnh là những phim do vị biên kịch đặt bút viết nội dung và khi ra rạp đã nhận về nhiều phản hồi trái chiều từ khán giả.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng - người thành công với nhiều dự án phim Việt hóa - từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn năm 2020 rằng remake chỉ là sự ứng phó trong điều kiện điện ảnh đang thiếu kịch bản hay. Nó là sự bù đắp cần thiết cho thị trường điện ảnh Việt Nam đang phát triển nhanh, được đầu tư hào phóng cho vật lực nhưng lại thiếu nhân lực. Anh cũng chỉ ra hệ quả lâu dài của một nền điện ảnh quá chuộng việc Việt hóa phim là người làm nghệ thuật sẽ dễ bỏ quên những vấn đề, câu chuyện liên quan đến đời sống, văn hóa của chính mình.

Bước chân ra rạp, khán giả sẽ thấy ập vào mắt mình những bộ phim tình cảm, hài hào nhoáng với những câu chuyện và khuôn mặt na ná nhau. Câu chuyện tương tự đang xảy đến với mảng truyền hình, khi sân khấu giờ Vàng quá ưu ái cho những mô-típ mâu thuẫn gia đình, tranh giành tài sản, mâu thuẫn tình cảm kiểu "đại trà", ghép vào bối cảnh văn hóa nào cũng đúng. Sự lặp đi lặp lại của các đề tài này tô đậm câu chuyện biên kịch Việt đang quá lười tư duy những đề tài, ý tưởng mới trong mỗi lần đặt bút. Họ đang nương vào những câu chuyện cũ kỹ nhưng an toàn để làm đẹp lòng nhà đầu tư mà chấp nhận nhường lại danh xưng "phim độc đáo", "ý tưởng đột phá" cho các tác phẩm Việt hóa từ kịch bản nước ngoài cũ người mới ta.

Ảnh: VFC, VieOn, HKFilm.

https://kenh14.vn/bien-kich-phim-viet-dang-luoi-dung-chat-xam-2022071817465262.chn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022