Thương nhớ ở ai là một trong những bộ phim truyền hình có sự đầu tư, dụng công bậc nhất ra mắt trong năm 2017. Không chỉ gây sốt với những yếu tố mang tính phản ánh lịch sử, bộ phim còn ghi điểm trong lòng khán giả bởi không khí ma mị, bảng lảng và nhuần nhị, mang đậm tính văn hoá của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Bên cạnh những yếu tố tiêu cực trong tư tưởng cũ của người xưa mà ở bài trước chúng tôi có đề cập, Thương nhớ ở ai cũng ca ngợi và tôn lên vẻ đẹp của những nếp truyền thống, tục lệ xưa cũ mà tiền nhân đã hết mình duy trì và bảo vệ. Bài viết dưới đây sẽ liệt kê lại nhưng tư tưởng cao đẹp đó cho khán giả dễ theo dõi.
Tục trao vòng
Trong tập 15, Thương nhớ ở ai đã giới thiệu với khán giả một tục lệ khá phổ biến trong các làng quê ở miền Bắc. Đó là tục lệ người nữ trao vòng cho bạn trai để tỏ lòng mình. Chiếc vòng đại diện cho số phận cả cuộc đời của người phụ nữ và động thái trao vòng này thể hiện rằng họ đã quyết định trao phần đời còn lại của mình cho người con trai mà họ yêu thương nhất.
Hạnh trao vòng cho Nghĩa
Họ chỉ được phép trao vòng 1 lần cho 1 người duy nhất trong đời và đây sẽ là lời hẹn ước thiêng liêng không gì có thể phá bỏ. Động thái này sẽ được ghi nhận bởi các bô lão trong làng và họ sẽ chúc phúc cho đôi trẻ được hạnh phúc trong tương lai. Trong phim, cô gái tên Hạnh đã trao vòng cho người tình của mình là Nghĩa. Hai người bọn họ đã thực hiện nghi thức này mà bất chấp sự ngăn cản của dòng họ.
Đây cũng là cặp đôi được yêu thích nhất phim
Hát chèo cổ
Không gian văn hoá Bắc Bộ được thể hiện đậm nhất trong Thương nhớ ở ai qua các ca khúc chèo cổ. Chèo xuất hiện mọi nơi, mọi lúc trong phim và tạo cho khán giả cảm tưởng rằng người dân ở làng Đông đang sống trong âm nhạc, trong những làn điệu dân ca cổ truyền hàm chứa những tâm tư của người xưa dặn lại.
Nương - người hát hay nhất làng Đông
MV Trầu Không
Khi các cán bộ văn hoá trong phim ra quyết định đổi mới chèo cổ, họ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của tầng lớp nhân dân, những người sẽ quyết bảo vệ nét văn hoá này đến cùng. Tất cả những bản nhạc cổ trong phim đều được thực hiện rất tốt qua những giọng ca nổi tiếng cùng các bản phối lại sao cho dễ tiếp cận với số đông đại chúng hơn, đặc biệt là ca khúc "Trầu Không" do Hồng Duyên thể hiện - ca khúc chủ đạo của bộ phim - cực kì ám ảnh.
Ông Bánh - một nghệ nhân chèo cổ nổi tiếng trong làng
Múa Hầu đồng
Hầu đồng hay lên đồng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, trong đó có Việt Nam. Về bản chất, đây là nghi thức giao tiếp với thần linh, người cõi âm thông qua các "cô đồng", "bà cốt" hoặc "cậu đồng". Những người đi hầu đồng họ tin rằng các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các cô đồng, cậu đồng để phán truyền, diệt trừ tà ma, ban lộc cho các con nhang, đệ tử.
Đó là về nguồn gốc, còn về mặt hình thức, mùa hầu đồng cũng mang tính giá trị thẩm mỹ rất cao. Nét văn hoá này đã vượt ra ngoài ranh giới của một nghi thức tâm linh để trở thành một bộ môn vũ đạo đặc biệt và hiện vẫn đang được rất nhiều người thuộc giới trẻ theo học. Hình ảnh các cô gái xinh đẹp như hoa mang trên mình bộ sắc phục hầu đồng truyền thống, thực hiện các động tác mềm dẻo với những que lửa trên tay đã làm ngây ngất rất nhiều khán giả yêu nghệ thuật.
Trong phim, khi một cán bộ xấu tên là Quất yêu cầu phải phá đình. Dân làng đã cùng nhau thực hiện hầu đồng để ngăn cản quyết định của anh ta. Cuối cùng, trong sự hăng say và cố chấp, Quất đã lỡ tay đẩy chết vợ mình trong khi đang cố phá bàn thờ. Đây là một chi tiết vẫn còn gây tranh cãi nhưng không thể phủ nhận giá trị tinh thần của múa hầu đồng đối với người Việt.
Quất hối hận bên xác vợ
Quê hương là da thịt
Các nhân vật của Thương nhớ ở ai có một sự gắn bó bền chặt với nơi họ sinh ra.
Vạn, bỏ qua nỗi đau trong quá khứ, sau khi cách mạng thành công anh đã trở về làng với tư cách một người anh hùng, dẫu biết rằng nơi đây từng khiến anh phải nhảy sông tự vẫn và còn nhiều thứ ngột ngạt đang đợi mình ở phía trước.
Nương, một cô ca đầu từ thành phố trở về. Mang tiếng là biểu tượng của tàn dư phong kiến, lại có cơ thể xếp vào dạng "chính chuyên thì ghét, đàn ông thì mê", Nương quay trở về làng với đủ thứ sóng gió trút lên đầu.
Dù có đau khổ đến đâu, Vạn vẫn sẽ quay trở về làng Đông
Thủy, người có biệt danh là Thị Mầu, trở về làng Đông theo nguyện vọng của mẹ. Phải chạy trốn khỏi làng do sợ bị cạo đầu bôi vôi, bà Lài mang theo đứa con không cha lên thành phố để sinh sống. Trước khi chết, bà muốn con gái quay về làng Đông sống nốt cho mình phần đời đã mất tại đó, bởi vì "không đâu bằng quê hương mình".
Mỗi người làng Đông đều có ý thức mạnh mẽ về nơi mình sinh ra và họ đều hết lòng dùng khả năng của mình để bảo vệ nó, cho dù có phải trả giá bằng máu thịt.
Nương là một trong những người chịu nhiều dèm pha nhất khi trở về làng
Hàng xóm quan tâm bao bọc lẫn nhau
Đây là một điều cũng được phản ánh rất nhiều trong Thương nhớ ở ai. Phép sinh hoạt tập thể được thể hiện rất mạnh trong bộ phim, thậm chí đến mức ngột ngạt và triệt tiêu tự do cá nhân. Mỗi khi có điều gì đó khiến cho người làng cảm thấy trái với gia phong nề nếp của họ, ngay lập tức tiếng gõ nồi sẽ nổi lên khắp mọi ngõ ngách như lời cảnh báo rùng rợn của cả một ý thức hệ phong kiến còn sót lại.
Lời lẽ, tai mắt của họ xuất hiện khắp mọi nơi, không có việc gì người làng Đông làm trong nhà mình mà cả làng không biết. Không gian ngột ngạt đến đáng sợ đó giống như một thành trì dày đặc mà không một ai có thể vượt qua được.
Mọi người có thể thấy ở góc hình đang có người ngó trộm chuyện hàng xóm
Tuy nhiên, theo đạo diễn Lưu Trọng Ninh, điều này cũng không hoàn toàn là tiêu cực mà về một mặt nào đó, dù nhỏ nhoi, nó thể hiện rằng thời xưa con người ta quan tâm đến nhau, chứ không phải là một sự lạnh lùng như bây giờ. Bên cạnh những tật dòm ngó, gõ nồi thì các nhân vật trong Thương nhớ ở ai cũng rất có ý thức bảo bọc và san sẻ tình cảm, vật chất cho những người xung quanh mình.
Thương nhớ ở ai được lên sóng vào lúc 14h20' thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần trên VTV3.