Bức tranh văn xuôi đương đại sau năm 1975 ghi nhận những bước chuyển mình mạnh mẽ của nhiều thể loại. Trong đó, tiểu thuyết và truyện ngắn được đánh giá có nhiều thành tựu hơn cả khi phản ánh những chiều hướng vận động phát triển mới của nền văn học Việt Nam.

Theo TS Lê Thị Hường, từ sau 1975 đến nay, một chặng đường 50 năm, trong sự phát triển đa dạng của thể loại, tiểu thuyết vẫn giữ vị trí trung tâm, là "cỗ máy cái của văn học".

Tiểu thuyết phát triển với tốc độ nhanh, cùng với sự vận động đổi mới là sự định hình những cá tính sáng tạo độc đáo, đa dạng, có nhiều đóng góp cho thành tựu chung của văn học đương đại.

Tiểu thuyết vẫn là "cỗ máy cái"

Cụ thể, ở giai đoạn đầu sau năm 1975, tiểu thuyết có sự vận động nội tại. Đó là sự chuyển đổi từ lối viết theo "quán tính" đến tín hiệu chuyển đổi về đề tài, cảm hứng, nội dung...

"Tiểu thuyết bắt đầu đáp ứng nhanh nhạy những vấn đề mới mẻ của xã hội đương thời. Tiểu thuyết tiếp cận suồng sã với cái đời thường dang dở. Nhiều tác phẩm đã xới lật hàng loạt vấn đề gai góc của xã hội, phê phán gay gắt những khoảng tối trong xã hội, trong lòng người" - TS Hường phân tích - "Dấu hiệu của sự đổi mới tiểu thuyết thể hiện rõ trong nhiều tác phẩm khơi nguồn cho những cuộc tranh luận sôi nổi đương thời (Miền cháy - Nguyễn Minh Châu; Thời xa vắng - Lê Lựu; Một cõi nhân gian bé tí, Vòng sóng đến vô cùng - Nguyễn Khải; Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú - Ma Văn Kháng; Mảnh đất lắm người nhiều ma - Nguyễn Khắc Trường; Bến không chồng - Dương Hướng...).

Một số tác phẩm văn xuôi nổi bật của văn học Việt Nam sau năm 1975

Đặc biệt, theo nhà phê bình Lê Thị Hường, từ 1986 đến cuối thế kỉ 20 tiểu thuyết đạt thành tựu cùng với sự thay đổi tư duy tiểu thuyết và lối viết. Với sự tương tác các sắc thái thẩm mỹ, tính phức điệu, đa thanh của tiểu thuyết được phát huy. Tiểu thuyết đa dạng hơn về cá tính sáng tạo và bắt đầu đổi mới phương thức tự sự. Nhiều tác giả đã thật sự đổi lối viết với những thành tựu không nhỏ như Lê Lựu, Bảo Ninh, Chu Lai, Nguyễn Quang Lập, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương... Trong đó, có thể xem Thời xa vắng là tiểu thuyết bản lề và Nỗi buồn chiến tranh là bước đột phá có tính lan tỏa.

Đến đầu thế kỷ 21, tiểu thuyết đã có sự chuyển đổi rõ rệt từ hệ hình (chữ của Đỗ Lai Thúy) hiện đại sang hệ hình hậu hiện đại. Độ giao giữa các lí thuyết hiện đại khúc xạ qua ý thức tiếp biến khiến tiểu thuyết Việt Nam mới mẻ và hội nhập được vào dòng chung.

"Các diễn ngôn lịch sử, tôn giáo, chính trị… trở nên phổ biến. Tiểu thuyết đã chiếm lĩnh các vùng ngoại biên như tính dục, đồng tính, chấn thương. Cùng với sự nở rộ của dòng văn chương thân xác với mỹ cảm dục tính là những tác phẩm xoay quanh thân phận con người" - TS Hường phân tích - "Một số cây bút gạo cội như Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà… luôn ý thức làm mới tiểu thuyết".

Đồng quan điểm, TS Đỗ Hải Ninh nhấn mạnh, từ 1999 - 2020, trong khoảng 20 năm đầu thế kỷ 21, tiểu thuyết trở lại vai trò "cỗ máy cái" của nền văn học, phát triển khá sôi động, tạo nên những làn sóng liên tiếp, mặc dù có những thăng trầm, trồi sụt và chưa tạo nên đỉnh cao mới.

"Sự phát triển của internet, sự giao lưu văn hóa và hội nhập sâu rộng tạo nên những bước tiến mới của tiểu thuyết mười năm đầu nhưng cũng dẫn đến nỗi lo âu tiểu thuyết mất giá trong mười năm ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21" - TS Ninh  dẫn chứng - "Năm 1999, năm cuối cùng thế kỷ 20, sự xuất hiện của Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà), cùng với đó là Người đi vắng (Nguyễn Bình Phương), Ngược dòng nước lũ (Ma Văn Kháng), báo hiệu một mùa vụ mới: tiểu thuyết về những nhân vật mang dấu ấn thời đại: con người cô đơn, đa diện/ lưỡng diện không thuần nhất".

Ở góc nhìn toàn cảnh, theo nhà nghiên cứu này, từ sau khi đất nước thống nhất có thể thấy tiểu thuyết vận động theo hướng từ sự mở rộng phạm vi đề tài đến sự đa dạng hóa bút pháp, phong cách nghệ thuật. Xuất phát từ nhu cầu của thời đại mới, tiểu thuyết quan tâm nhiều hơn đến vấn đề cái tôi cá nhân, đến con người trong tồn tại của chính nó bao gồm cả sự tha hóa và cao thượng, cái ác và cái đẹp…

Mặt khác, tiểu thuyết ở giai đoạn này hướng tới cách tân nghệ thuật với sự phong phú hình thức như bút pháp kỳ ảo, trào lộng, giễu nhại, những thủ pháp cắt dán, phân mảnh, đồng hiện, dòng ý thức…

tieuthuyet-1733443922033897639411.jpeg

Một số tiểu thuyết nổi bật của văn học Việt Nam từ 1975

Chuyển động của truyện ngắn

Cùng với tiểu thuyết, truyện ngắn cũng có những cuộc chuyển động quan trọng đóng góp vào diện mạo đặc sắc của văn xuôi Việt Nam từ năm 1975 tới nay. Theo TS Lê Thị Hương Thủy, thành tựu của truyện ngắn sau 50 năm kể từ khi đất nước thống nhất có thể được nhìn nhận từ tiến trình vận động thể loại.

Trước hết, những năm đầu sau chiến tranh, đời sống bắt đầu có những thay đổi theo quy luật vận động từ chiến tranh sang hòa bình. Các nhà văn đã nắm bắt những biến đổi trong cuộc sống thường nhật, từ cuộc chiến trở về với đời thường. Ví như, các truyện ngắn trong tập truyện Trung du (1977) của Đỗ Chu là những đan xen của âm hưởng hào hùng từ cuộc chiến tranh vừa kết thúc và những trạng huống của người lính từ chiến trường trở về, không khí của những ngày tái thiết xây dựng đất nước khi hòa bình mới được lập lại.

Đến những năm đầu thập niên 1980, các tác giả truyện ngắn đã chú ý khai thác nhiều chiều kích của một hiện thực và hiện thực khác trước. Giai đoạn này, Nguyễn Minh Châu có sự thay đổi tư duy nghệ thuật từ những truyện ngắn trong tập truyện Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983). Trong khi đó, ngòi bút của tác giả Nằm vạ (Bùi Hiển) tỏ ra riết róng với những vấn đề của xã hội sau chiến tranh (Cái bóng cọc).

Đáng nói, nhà nghiên cứu Lê Thị Hương Thủy cho rằng, phải đến sau năm 1986, khi văn học đã bước vào tiến trình đổi mới, truyện ngắn mới có những đóng góp và dấu ấn quan trọng. Thành tựu của truyện ngắn được thể hiện ngay từ những năm đầu đất nước bước vào công cuộc Đổi mới.

Giai đoạn này ghi nhận vai trò của Nguyễn Minh Châu ở tư cách người mở đường, có những đóng góp quan trọng cho sự đổi mới văn học. Sau Dấu chân người lính, Mảnh trăng cuối rừng, Nguyễn Minh Châu đã có sự "lột xác" với Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau, Phiên chợ Giát.

nguyenhuythiep-1733443921988691852506.jpg

Một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Huy Thiệp

Tiếp đến, Nguyễn Huy Thiệp ghi dấu ấn trên tiến trình đổi mới văn học với việc công bố truyện ngắn Tướng về hưu và những truyện ngắn về đề tài lịch sử (Vàng lửa, Phẩm tiết, Kiếm sắc...). Với chùm truyện ngắn lịch sử trình làng, Nguyễn Huy Thiệp đã khơi mở một cách viết về lịch sử, tạo nên những tranh luận, gợi dẫn cách viết mới và mở ra những chiều kích của sự đọc.

Cũng nhìn ở chiều vận động của thời gian và không gian mở ra từ Đổi mới mà truyện ngắn đã tạo dựng, TS Đoàn Ánh Dương cho rằng, Đoàn Lê, Nguyễn Quang Lập, Y Ban, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Thiều, Bảo Ninh là "những kiến trúc sư lứa đầu". Xuất hiện trên các diễn đàn Sông Hương, Văn nghệ quân đội, Văn nghệ, họ đã nhanh chóng khẳng định được ngòi bút của mình.

"Y Ban, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Thiều đều định hình từ trong cuộc thi truyện ngắn 1989 của Văn nghệ quân đội, riêng Tạ Duy Anh còn để lại một dấu ấn khó nhòa bằng truyện ngắn xuất sắc Bước qua lời nguyền trên tuần báo Văn nghệ (1989). Cả ba nhà văn này đều viết rất khỏe sau đó, gặt hái nhiều thành công, trở thành những cây bút truyện ngắn vững chãi dù đặt bút ở nhiều thể loại" - ông Dương phân tích.

Ông Dương cho biết thêm, Hòa Vang, Hồ Anh Thái, Trần Đức Tiến, Phạm Ngọc Tiến, Cao Duy Sơn cũng xuất hiện cùng thời điểm này nhưng những tác phẩm để lại nhiều tiếng vang đều từ thập kỷ 1990 trở đi. Cùng lúc, truyện ngắn giai đoạn này còn chứng kiến sự xuất hiện của một thế hệ nhà văn mới: Võ Thị Hảo, Trần Thùy Mai, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Xuân Hà, Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Lưu Sơn Minh, Nguyễn Việt Hà,…

"Ở đây, những cây bút nữ đã để lại một ấn tượng sâu đậm về nữ tính và nữ quyền. Mỗi người một vẻ, họ đã làm thành một giai đoạn có thể nói là rực rỡ nhất của văn học giới nữ Việt Nam. Trong khi ở giới bên kia, cũng định hình những giọng văn hết sức độc đáo và mới lạ, nhất là trong cách mà họ ứng xử với xã hội và nghệ thuật" - nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương nhấn mạnh - "Có thể khẳng định mà không sợ quá lời rằng thành tựu của truyện ngắn Việt Nam đương đại là rõ rệt, phong phú, đa dạng và sâu sắc".

"Những cây bút nữ đã để lại một ấn tượng sâu đậm về nữ tính và nữ quyền. Mỗi người một vẻ, họ đã làm thành một giai đoạn có thể nói là rực rỡ nhất của văn học giới nữ Việt Nam" – TS Đoàn Ánh Dương.

(Còn nữa)

50 năm văn học Việt Nam từ 1975 (kỳ 1): 3 bước ngoặt của sáng tạo

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022