Từ chỗ chỉ được lắp đặt ở các khách sạn và biệt thự, rèm tự động ngày càng phổ biến vì lắp đặt đơn giản và giá thành phù hợp. Bộ thiết bị điều khiển có giá từ 2 triệu đồng, cho rèm trần là 6 triệu trở lên. Tiền vải, gỗ làm rèm tính riêng.
Thay vì kéo mở như thông thường, người dùng có thể lựa chọn nhiều cách khác như sử dụng công tắc, đặt chế độ hẹn giờ hoặc đặt bộ cảm biến vận hành rèm theo thay đổi của thời tiết (nắng, gió mạnh, mưa...).
Rèm tự động có một số ưu điểm như:
- An toàn: Loại bỏ các sợi dây kéo, tác nhân của nhiều vụ tai nạn xảy ra với trẻ em khi vướng vào.
- Tiện nghi: Bạn ngủ ngon giấc và dậy đúng giờ khi rèm tự mở ra lúc 7h ngày thường và 9h cuối tuần. Bạn không cần mất thời gian và sức lực khi kéo bộ mành, rèm nặng nề. Rèm cũng có thể đặt chế độ hoạt động tùy theo điều kiện thời tiết như khi nắng to, rèm sẽ tự đóng lại, giúp các phòng không bị nóng khi gia chủ vắng nhà.
- Tiết kiệm: Rèm có thể chạy bằng năng lượng mặt trời, chỉ cần đủ nắng để sạc pin trong một ngày là có thể sử dụng cả tuần.
1. Rèm mở ngang (rèm xếp ly)
Rèm mở ngang có cách may, xếp nếp cầu kỳ, tạo được không khí ấm cúng, sang trọng cho căn phòng. Rèm được điều khiển bằng công tắc, điều khiển từ xa. Nếu đứng gần, người dùng có thể đóng mở rèm chỉ bằng cách kéo nhẹ vải rèm về phía mong muốn, rèm sẽ tự động chạy.
2. Rèm ore
Rèm ore có hình thức tương tự rèm mở ngang nhưng cầu kỳ hơn khi tấm vải được cài lên thanh treo nhờ khuyên hình tròn. Theo ông Nguyễn Thắng, giám đốc một công ty chuyên về rèm và các sản phẩm che nắng tự động, kiểu rèm này đòi hỏi phụ kiện và hệ thống truyền động phức tạp hơn nên ít công ty ở Việt Nam cung cấp.
3. Rèm cuốn tự động
Với nhà có nhiều vách kính cao, rộng như penthouse, duplex hay biệt thự, rèm cuốn tự động sẽ ngăn chặn tia cực tím và bức xạ nhiệt qua cửa kính. Rèm cuốn thích hợp lắp ở phòng tắm vì khả năng chịu ẩm tốt. Ngoài ra, rèm cuốn có thể làm thành vách ngăn trong nhà, giúp giữ hơi mát của điều hòa tập trung ở một chỗ.
4. Rèm roman tự động
Nếu cửa sổ có hình chữ nhật, hẹp và cao, bạn nên chọn rèm roman vì vẻ đẹp trang nhã. Rèm roman tự động sử dụng động cơ không gây ồn. Kích thước rèm có thể điều chỉnh thoải mái nên có thể sử dụng để che vách kính thông tầng hoặc ở các sảnh lớn.
5. Rèm tấm trượt tự động
Rèm tấm trượt như những cánh cửa siêu nhẹ để tạo ra một lớp ngăn cách thanh thoát giữa các không gian khác nhau trong nhà. Khi cần dùng, các tấm vải sẽ lần lượt chạy ra và xếp ngay ngắn thành một lớp thẳng hàng. Hiện tại, do chỉ có hệ rèm trượt tự động nhập khẩu từ Đức nên giá thành tương đối cao.
6. Mành sáo tự động
Nếu phòng có phong cách cổ điển, bạn nên chọn mành sáo. Loại mành này làm bằng gỗ nên có trọng lượng lớn. Nếu ô cửa có diện tích từ 2 m2 trở lên, sẽ rất rèm khó kéo bằng tay, nhanh hỏng nếu dùng nhiều (dây kéo bị mòn, lá gỗ xộc xệch).
Khi sử dụng mành sáo tự động, bạn sẽ hạn chế được các nhược điểm này. Lực kéo được phân chia đều, tốc độ quay chậm, ổn định. Ngoài ra, bạn có thể điều chỉnh độ mở, nghiêng của các lá mành bằng điều khiển từ xa.
7. Rèm trần tự động
Nếu bạn che giếng trời bằng kính, khi nắng nóng kéo dài sẽ xảy ra hiện tượng bức xạ nhiệt, nung nóng không gian phía dưới, gây cong vênh sàn gỗ, nội thất...
Rèm trần sẽ cản ánh nắng chói chang, ngăn bức xạ nhiệt, giúp cho nhà được mát mẻ. Rèm dùng hệ động cơ ống gắn sát tường và cáp không gỉ nên không ảnh hưởng thẩm mỹ của nhà.
Ban Mai
Chia sẻ căn nhà và vườn đẹp của bạn (kèm thông tin liên hệ) hoặc gọi điện đến số máy 04 7300 8899 - máy lẻ 4529. Thông tin cá nhân của bạn đọc sẽ được bảo mật.