Nhà thiết kế nội thất Phạm Kiều Phúc thuê một ngôi nhà bốn tầng ở ven hồ Tây (Hà Nội). Ba tầng dưới là không gian làm việc, trưng bày sản phẩm còn tầng 4 là .
Căn phòng rộng, đủ tiện nghi có kết cấu khác biệt với tường xây tròn, mái lợp cót ép truyền thống. Tuy nhiên, không gian này có một điểm yếu là nằm trên trục đông-tây, không có che chắn xung quanh nên mái và tường bị hun nóng suốt cả ngày.
KTS Lê Lương Ngọc (Công ty V-tecture) đã khảo sát, đo nhiệt nhiều lần trước khi đưa ra giải pháp sử dụng mẹt để tạo lớp vỏ bọc cách nhiệt cho mái và tường.
Nhờ đó, căn hộ có thể "nguội" đi nhanh chóng khi nắng tắt. Phần cải tạo không tác động vào kết cấu của nhà, đảm bảo thông gió và thoát nước khi mưa.
Kiến trúc sư sử dụng 500 chiếc mẹt phủ trên diện tích 200 m2. Mẹt được đan thưa hơn ở những chỗ có ánh nắng trực tiếp chiếu vào ít hơn.
Trước đây, nhiệt độ trong nhà vào mùa hè có thể lên tới 37 độ C ngay từ 7h sáng và giảm nhiệt chậm vào buổi tối. Hiện nay, nhiệt độ trong nhà giảm 4-5 độ C xuống còn 33 độ C vào ngày nắng nóng. Vào chiều tối, trong nhà mát hơn trước nhiều.
Sau 2 năm thi công, phần mẹt lợp mái nhà vẫn còn đẹp. Chủ nhà cũng là người nghệ sĩ sẵn sàng chấp nhận thử nghiệm mới.
Để kéo dài độ bền, mẹt được làm bằng cật tre, ngâm nước, quét nhiều lớp sơn chống mọt.
Không chỉ giúp cách nhiệt, lớp mái bằng mẹt còn tạo ra hiệu ứng bóng đổ lung linh thay đổi theo thời gian trong ngày.
Nhà có hai khoảng hiên rộng, một phần đặt bàn dài để tổ chức ăn uống, trồng hoa lá, một vài loại rau quả...
Phần hiên còn lại được biến đổi thành không gian tiếp khách, phòng tắm ngoài trời. Phần mái mới làm thêm có tông màu hài hòa với không gian sống đặc biệt này.
"Ngoài yếu tố cách nhiệt, chúng tôi còn tìm kiếm hiệu ứng ánh sáng, sự kết nối với thời gian, thiên nhiên. Không có vẻ đẹp nào là vĩnh cửu. Bởi vậy, với tôi, mái lợp mẹt không bền như nhựa cũng không sao", chị Phúc tâm sự.
Hồng LiênẢnh: Hiroyuki Oki
Chia sẻ căn nhà và vườn cây của bạn .