Vì sao địa đàng lại mang hình thái một khu vườn mà không phải là một hòn đảo, một rặng núi, một thung lũng hay một hình thái địa lý nào khác? Một khu vườn thì có mối liên đới nào về mặt biểu tượng để có thể chuyên chở hàm nghĩa về một nơi chốn tận hưởng hạnh phúc lý tưởng mà con người khao khát kiếm tìm?
Vườn ở Kyoto thập niên 1870. (Ảnh: TL)
Từ Eden đã mất…
Lần giở những mô tả Eden từ Sáng thế ký, địa đàng chỉ được mô tả vỏn vẹn trong vài câu, rằng đó là nơi Thượng đế “khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon; giữa vườn lại có cây sự sống cùng cây biết điều thiện và điều ác”, và các dòng sông tự tưới xanh khu vườn rồi chảy ra bốn hướng, tạo nên những xứ có vàng, nhũ hương và bích ngọc… Những chi tiết này cho thấy rằng, khu vườn lý tưởng gồm có cái đẹp (cảnh quan), cái no đủ sung túc (của ăn cho thể chất) và một hệ sinh thái gắn với sự sinh sôi từ những dòng sông. Con người sống tận hưởng hệ sinh thái tự nhiên đó trong an hòa, một kiểu an hòa không cần đến tham vọng lý trí và trỗi vượt.
Trước khi người đàn bà chiếm hữu quả táo, cuộc sống của cô ấy và người bạn đời là sự tri túc, biết đủ, nên địa đàng của mùa xuân vĩnh cữu thuộc về họ, theo Kinh thánh.
Con người rời khỏi khu vườn mùa xuân trong bình minh của lịch sử, sự kiện này tương ứng với hành trình đi về phía văn minh của loài người. Nói cách khác, văn minh kéo con người ra khỏi giới tự nhiên, ngày càng tách lìa vòng nôi xanh mát của sự sống.
Con người văn minh quay lưng khỏi vườn địa đàng tự nhiên để đến với một viễn tượng của tiện nghi, tư tưởng và nỗ lực kiến tạo những mô hình mới cho phát triển, nhưng trong thâm tâm, vẫn hoài tưởng về một “khu vườn” (giới tự nhiên). Đó cũng là lý do mà con người từ cổ đại đến hiện đại một mặt sùng bái phát triển và phát minh, nhưng mặt khác, không che đậy ẩn ức thiếu vắng vùng trời xanh mát tươi tốt của tự nhiên, mong mỏi trở về bằng cách vá víu và kiếm tìm các giải pháp mô phỏng thiên nhiên, đưa khu vườn thiên nhiên vào đời sống văn minh.
Cuộc tìm kiếm những khu vườn trở thành một dòng chảy như một cơ chế tự cân bằng trong lịch sử phát triển nhiều biến động của nhân loại.
Nói khác đi, lịch sử nhân loại là lịch sử tìm kiếm những khu vườn lý tưởng.
Hành trình này bắt đầu việc nỗ lực kiếm tìm, xác lập, định vị nơi chốn của một “Eden đã mất”. Trong vô số các giả thiết, có một luồng phán đoán đáng lưu ý mà nhiều người vẫn tin theo, đó là Eden nằm trên một vùng đất màu mỡ giữa hai con sông Tigris và Euphrates. Tại vùng đất tiếp giáp giữa Đông và Tây này đã có những nền văn minh rực rỡ: Babylon, Uruk, Akkad Nineveh kéo dài trên trục Lưỡng hà. Những thành phố giàu có đã mọc lên từ trước Công nguyên 3.000 năm.
… đến khu vườn huyền thoại Babylon
Bút ký của những nhà du hành phương Tây đã mô tả về thành Baghdad thuở hoàng kim xa hoa, lộng lẫy từ thế kỷ 8 trước Công nguyên với những tòa nhà dát vàng, những phiên chợ sầm uất – nơi giao lưu, trao đổi các sản vật quý giá. Đi thuyền đáy bằng trên dòng sông Tigris trong thời hưng thịnh sẽ nhìn thấy những vườn hoa muôn sắc ven bờ, những khuôn viên xanh tốt trong các khu dinh thự của giới thượng lưu, chúng là dấu chỉ của cuộc sống thái bình và thịnh vượng.
Vào thời cường thịnh nhất của Đế quốc Ba Tư và Tân Ba Tư (từ thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên kéo dài đến thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên), phù sa của hai dòng sông này tạo nên một vùng bình địa hình lưỡi liềm phì nhiêu, nơi có nền kinh tế hưng thịnh và chính trị ổn định, một cái nôi tri thức và sáng tạo. Theo sử gia Herodotus trong cuốn Lịch sử, người Ba Tư chuộng tiếp thu cái mới, kể cả cái mới từ chính những kẻ thù mà mình đã chinh phục, nhờ vậy mà đế chế của họ đã mở rộng đến Ai Cập, Himalaya, và vào năm 525 trước Công nguyên, họ đã xâm nhập, và làm chủ vùng đồng bằng sông Nile.
Toàn cảnh vườn Luxembourg. (Ảnh: Wikipedia)
Nói đến nền văn minh bên dòng Tigris và Euphrates thì không thể bỏ qua vườn treo Babylon. Mặc dù cho đến nay, vườn treo Babylon vẫn được xem là một huyền thoại sinh ra từ một không gian biểu tượng của hương sắc phương Đông, một di sản của văn hóa Ba Tư, nhưng nó lại được các sử gia cổ đại Diodorus Siculus, Quintus Curtius Rufus, Philo và Strabo miêu tả theo những mô thức và thời gian khác nhau. Dẫu có những tranh cãi về chủ nhân, vị trí, hình thế và thời gian xuất hiện khu vườn, thì các ghi chép tựu trung đi đến đặc tả một khu vườn lý tưởng: được xây ở địa thế cao với hệ thực vật phong phú, nơi các loài hoa quả bản xứ như ô liu, chà là, nho, tam thất, hạnh đào… trĩu quả, những vườn hoa rực rỡ, những tán lá dày cho bóng mát và cả những thác nước nhân tạo bề thế. Và một chi tiết đáng lưu ý: vườn treo được trang bị một hệ thống thủy lợi cấp nước tưới tiêu đầy sáng tạo và “tối tân” bằng kỹ thuật bơm đinh vít tự động.
Có lẽ Babylon là khu vườn huyền thoại, tồn tại như một biểu tượng phồn thịnh của những vương triều. Trong nền văn hóa Trung Đông, những triều đại hùng mạnh (như Nebuchadnezzar II, Ashurnasirpall II, Sennacherib,…) đều ra sức tạo nên những khu vườn hoàng gia tráng lệ để điểm tô cho sự lộng lẫy của vương quyền, của vị thế chính trị. Có thể hình dung những vườn treo đã trở thành hương sắc phương Đông đầy quyến rũ nối liền Địa Trung Hải với một châu Á phong nhiêu trong công cuộc “toàn cầu hóa” thương mại mà lịch sử về sau đã mở ra Con đường Tơ lụa.
Biểu tượng xa hoa
Thế kỷ thứ 16-17, cũng trên vùng đất của những vườn treo Babylon huyền thoại, thời vua Shah Abbās I cai trị (1588-1629) và lấy Isfahan (nay thuộc Trung Iran) làm trung tâm cho một cuộc chấn hưng giá trị Hồi giáo, ông cho tái hiện những khu vườn đẹp cạnh những thánh đường trong một đô thị được quy hoạch chỉn chu. Du khách bước vào không khỏi choáng ngợp, như bước vào thiên đường với những tòa nhà lộng lẫy, những công viên mà mùi hương hoa khiến tinh thần phấn chấn, những dòng nước mát và những khu vườn tốt tươi.
Khu vườn mùa xuân trần gian trở thành mục tiêu tìm kiếm ở mọi nền văn hóa. Đây chính là điểm gặp gỡ của giới quý tộc, vua chúa từ Đông sang Tây. Họ tạo ra những khu vườn như các biểu tượng sản nghiệp, biểu hiện uy quyền và nếp sống vương giả thượng lưu. Lịch sử nhân loại chứng minh một giai đoạn bừng sáng của đô thị Fatehpur Sikri (Ấn Độ) vào nửa cuối thế kỷ 16, dưới thời đế chế Mughal hùng mạnh. Những sân vườn rộng rãi trang nhã bên những tòa nhà sang trọng với đá sa thạch đỏ, có thiết kế tinh tế pha trộn phong cách Trung Á, Ba Tư với bản địa Ấn Độ.
Trước đó, khu vườn hoàng gia cũng là nơi thể hiện địa vị và quyền lực của người sáng lập đế chế Mughal – hoàng đế Babur (1483-1530). Ông vua này hóa thân thành người làm vườn, tự tay cắt tỉa các loài cây và có thể tự hào nói với thế giới về tác phẩm vườn của mình: “Đây là nơi hay nhất của khu vườn, một cảnh tượng đẹp đẽ nhất khi những quả cam đổi màu. Khu vườn thực sự là một nơi đáng ngưỡng mộ!”.
Có thể nói Babur là một trong những ông vua yêu vườn nhất trong những bậc đế vương trong lịch sử nhân loại. Từ khi vừa lên ngai, ông bỏ qua những than phiền về địa thế đất đai khô cằn, về việc khó tổ chức hệ thống dẫn nước và thời tiết thiếu ôn hòa, chính ông bắt tay vào việc kiến tạo một khu vườn xanh mát, lộng lẫy với các loài cam chín vàng mọng, lựu đỏ trĩu cành, cỏ ba lá và rất nhiều loài hoa từ muôn phương mang về. Tất cả đều tốt tươi bên những cột đá lớn, những đài phun nước công phu, tinh tế.
Như cái cách gọi tên khu vườn – Khu Vườn Công Chính – Babur có lẽ đã đặt vào đó một niềm tín thác lớn lao. Ông xem nó như món quà xứng đáng cho người công chính được hưởng thụ niềm vui. Babur làm sống dậy những huyền thoại về địa đàng trần thế: các loài cây tươi tốt nhờ nguồn mạch thuần khiết, những suối mật ong trinh nguyên chảy tràn trên đất đai và người mê rượu sẽ tha hồ thưởng thức những dòng sông rượu ngon tuôn trào bất tận. Đó là nơi chốn của sự thanh tẩy và giao hòa. Khu vườn là biểu tượng hạnh phúc, thư nhàn và hướng tới một hệ giá trị cao cả trong cõi nhân sinh.
Một vị vua hóa thân người làm vườn, hình tượng điển mẫu của tinh thần nhàn dật và bay bổng đó có lẽ cũng là nguồn cảm hứng mà thi hào Rabindranath Tagore đã làm cho trở nên bất tử trong thi phẩm The Gardener (Người làm vườn). Người làm vườn cũng chính là người tình của thế gian mang trong mình con tim xuân sắc tận hiến.
Trong vườn Luxembourg. (Ảnh: bonjourmonamour.fr)
Đầu thế kỷ thứ 17, khu vườn của hoàng hậu Marie de Médicis trong khu dinh thự Petit Luxembourg được xây dựng cũng với thiết kế của một khu vườn hoàng gia chuẩn mực. Khu vườn Luxembourg trở thành biểu tượng của vẻ đẹp quý phái Paris, và đó cũng là lý do mà qua Cách mạng Pháp lẫn trong Thế chiến thứ hai, nó trở thành nơi lịch sử tạo ra những cuộc vặn xoắn, biến dạng. Nếu trong cuộc cách mạng năm 1789, Luxembourg tráng lệ trở thành một trại chứa vũ khí và nhà tù, thì trong thời Đức tạm chiếm, đây là nơi của những lô cốt và những bức tượng bị nấu chảy như một cuộc phá hủy biểu tượng quý tộc và sang trọng của Paris.
Soi mình vào khu vườn
Trên thực tế lịch sử ở mọi nền văn hóa, vườn từ chỗ mà người nông dân và nô lệ cần lao đổ mồ hôi, mài mòn xương thịt để đổi lấy sản vật, đi vào chuỗi cung ứng nông sản nuôi sống nhân quần, trở thành chốn để tầng lớp quý tộc thể hiện đẳng cấp, tận hưởng đời sống và trình bày biểu tượng giá trị. Vườn, từ chỗ mang lại cái ăn nuôi dưỡng thể xác đã trở thành nơi được chăm chút cho giá trị hưởng thụ và hướng tới những cứu cánh tinh thần, khi mỗi khu vườn còn là tác phẩm của nghệ thuật thiết kế, nơi gửi gắm nhân sinh quan, và lắm khi còn là bức tranh có tính hướng thượng. Vườn còn là nơi trình bày rõ ràng nhất những đặc trưng của nền văn hóa.
Những khu vườn Thượng uyển trong suốt lịch sử phong kiến Trung Hoa và những vua chúa phương Đông một mặt là biểu trưng của sự tao nhã, cầu kỳ và xa xỉ. Chốn tiêu dao với hồ nước, những cây cầu soi bóng, những rặng liễu và cổ thụ, những tiểu cảnh tĩnh tại theo một quy luật phong thủy nghiêm ngặt – khoảng bình yên giả tạm che đậy những cuộc chiến âm ỉ và tàn nhẫn trong thế giới trung ương tập quyền. Vườn đem lại cuộc sống nhàn dật của kẻ uy quyền và cũng là nơi chứng kiến sự suy vong của những triều đại. Cuộc xâm nhập và bắn phá Vườn Viên Minh ở Bắc Kinh do liên minh Anh – Pháp tiến hành năm 1860 có thể xem là một cuộc phá hủy biểu tượng lớn lao mà phương Tây can dự vào mô hình phong kiến phương Đông trong thời cận đại, như cách người ta dùng nhát kéo ngọt cắt nát bức màn lộng lẫy mà hư ảo bao đời có tên “khu vườn phương Đông”.
Trong tâm thức phương Đông, vườn là nơi con người tìm thấy sự hài hòa, nhất thể hóa giữa con người với tự nhiên, là nơi con người soi chiếu và tìm lại nhịp điệu, tỷ lệ của tự nhiên. Khi Nikos Kazantzaki hóa thân chàng trai phương Tây lạc vào một khu vườn Trung Hoa trong tiểu thuyết Vườn đá tảng lừng danh, ông viết như người đã được khu vườn cởi bỏ hết phiền não, khắc khoải của thứ tư duy phân tích tính: “Tôi dạo bước trong khu vườn này dưới ánh nắng thẳng đứng và nhiều ham muốn âm u sáng lên từ từ trong tôi, rồi kết tinh lại quanh một cái nhân cứng. Tôi không còn bận tâm đến cái thủy chung của mọi vật nữa. Tôi không đặt một giả thuyết nào nữa hết. Tôi ruồng rẫy mọi hy vọng và mọi hèn nhát giản tiện” (Bửu Ý dịch). Và trong chàng trai Tây phương, một trái tim tự do đã được tạo ra “noi theo hình ảnh khu vườn”.
Điều này cũng khá trùng hợp với cái nhìn của Italo Calvino khi ông có một nguồn cảm hứng đặc biệt đối với những khu vườn thiền Nhật Bản ở cố đô Kyoto trong cuốn tiểu luận Bộ sưu tập cát. Ông nhìn ra trong tĩnh tại, những khu vườn Nhật Bản biến hóa, có ngàn khu vườn trong một khu vườn, nơi mỗi viên đá gợi ý về một nhịp di chuyển của người dạo bước để bước vào sự hài hòa và tĩnh tại, nơi thời gian luân hoán, không gian biến hóa và những con đường là lý do tồn tại của khu vườn. Và lữ khách – văn nhân người Ý này nhận ra rằng: “Có một điều dường như tôi bắt đầu hiểu ra ở đây, tại Kyoto: tôi đã học được qua những khu vườn nhiều hơn là qua đền chùa và cung điện. Việc kiến tạo một cảnh quan thiên nhiên được làm chủ bởi tâm trí và để cho tâm trí tiếp nhận được nhịp điệu và tỷ lệ từ thiên nhiên – đó là cách người ta có thể xác định được ý đồ dẫn đến việc bố trí những khu vườn này” (Hà Vũ Trọng dịch).
Trái đất chở trên mình 8 tỉ con người. Thế giới nóng, phẳng, chật, quá tải và dễ thương tổn lại đặt con người trước một nan vấn: đâu là khu vườn mùa xuân của sự cân bằng, chữa lành và chứng nghiệm an vui?
Lịch sử những khu vườn lý tưởng vẫn còn được viết tiếp.
Nguyễn Vĩnh Nguyên
(KTSG Online)