Một thực tế đáng buồn của kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là đa số công trình mang tính biểu tượng quốc gia hoặc của một thành phố lớn đều do các kiến trúc sư (KTS) nước ngoài thiết kế và theo sát công trình cho đến khi hoàn thiện. Một mặt, thực tế này cho thấy sự cởi mở và hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào thế giới. Mặt khác, nó đặt ra những câu hỏi lớn về tầm vóc và vị thế của giới kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ về mọi mặt, nhất là trong công cuộc kiến thiết nên một diện mạo Việt Nam hiện đại, phát triển.

Thua trên chính sân nhà

Sau 20 năm kể từ khi có giải thưởng kiến trúc quốc gia của Hội KTS Việt Nam, năm 2014 vừa qua, lần đầu tiên, có một giải thưởng lớn được trao, nhưng người nhận lại là một nhóm KTS người Đức thuộc của Công ty Liên danh GMP International GmbH-Inros Lackner AG (Đức), tác giả thiết kế của công trình tòa nhà Quốc hội mới và hai công trình lớn trước đó là Trung tâm Hội nghị Quốc gia và Bảo tàng Hà Nội. Điểm lại nhiều công trình mang tính biểu tượng khác của đất nước thời kỳ hội nhập này, dễ dàng thấy hầu hết đều do các KTS nước ngoài đảm trách phần thiết kế, hoặc họ được mời đích danh, hoặc giành chiến thắng trong các cuộc thi. Tòa tháp Bitexco (TP Hồ Chí Minh) do KTS chính người Mỹ đảm nhận, cầu Rồng Đà Nẵng cũng của một nhóm KTS người Mỹ, thiết kế Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được lựa chọn là của nhóm KTS người Nhật, Nhà hát Thăng Long tương lai của Hà Nội là thiết kế của KTS người Italia... Ngay tại Quảng Ninh, công trình Bảo tàng và thư viện Quảng Ninh cũng do KTS Salvador Pérez Arroyo, người Tây Ban Nha thiết kế. Đây là tiền đề giúp ông cùng một số cộng sự trẻ người Việt mở một công ty thiết kế kiến trúc tại Việt Nam và nhanh chóng thành công, với một loạt dự án lớn nhỏ trên khắp cả nước. Việt Nam có không ít KTS tài năng và họ cũng là chủ nhân của những giải thưởng quốc tế danh giá. Song, hầu hết đều là các công trình vừa và nhỏ, hoặc tìm cách tận dụng vật liệu và khí hậu tự nhiên, hoặc có phương án hài hòa với cảnh quan chung quanh, phù hợp nhu cầu mới của một hộ gia đình hoặc một nhóm cộng đồng. Có thể kể đến các công trình với cây xanh và vật liệu tre của Công ty Võ Trọng Nghĩa và cộng sự, nhóm KTS 1+1>2 với chủ sự là KTS Hoàng Thúc Hào, gần đây có nhóm A21 với đầu tàu là KTS Hòa Hiệp... Cùng với đó là không ít các công ty và cá nhân KTS đã và đang nỗ lực hoàn thiện nhiều công trình, không gian kiến trúc với sự sáng tạo nhất định theo xu hướng hiện đại mà vẫn giữ được phần bản sắc văn hóa của không gian sống xung quanh. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những nhân tố rất nhỏ bé trong cả một đại công trường xây dựng Việt Nam đang trên đà hiện đại hóa hạ tầng cơ sở của mình, với đa dạng các đại dự án kiến trúc xây dựng cũng như vô số các công trình dân sinh. Sự hỗn loạn trong quy hoạch nói chung, sự pha tạp trong thiết kế kiến trúc, sự chắp vá trong hình ảnh mặt tiền đô thị cũng như nông thôn nói riêng đã phần nào cho thấy tình trạng yếm thế của giới KTS Việt Nam, ngay trên chính sân nhà. Từ kinh nghiệm học tập và làm việc ở Mỹ, từng là thành viên nhóm thiết kế một số dự án quốc tế lớn như Đô thị mới Filinvest và Nhà ga sân bay quốc tế Aquino - Philippines, cao ốc đa chức năng Almaden ở San Jose - Mỹ, cao ốc công ty HDB - Singapore, khu đô thị Nam Sài Gòn - Việt Nam... KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: “Việc tạo nên những tác phẩm lớn cần trình độ nhận thức cao, lý tưởng và sự đoàn kết, hợp tác của nhiều người, trong đó bao gồm tầm nhìn của lãnh đạo, tâm huyết của nhà đầu tư, sáng tạo của KTS, trình độ kỹ thuật tiên tiến của các chuyên gia, khả năng phối hợp nâng cao hiệu suất cộng tác của các nhà quản lý và ứng dụng công nghệ mới của các nhà cung cấp”. Theo cá nhân ông, ngay cả một số công trình khá lớn do KTS Việt Nam thiết kế, như Trường THPT Hà Nội - Amsterdam mới (Hà Nội), Nhà ga Liên Khương (Lâm Đồng), cũng “chỉ mới dừng ở mức áp dụng các kỹ thuật và các giải pháp kiến trúc khá thông dụng từ vài chục năm nay ở các nước khác mà thôi”.
Manh-Thang-_-Zin.jpg Dinh Thống Nhất. Ảnh : Mạnh Thắng

Nâng tầm tư duy để hội nhập

KTS Ngô Viết Nam Sơn đã đề cập đến vấn đề cốt lõi của giới kiến trúc Việt Nam: đó là sự lạc hậu trong tư duy kiến trúc cũng như sự bất khả trong việc tiếp cận với các xu hướng kiến trúc tiên tiến có kết hợp chặt chẽ với sự phát triển đồng bộ của khoa học thiết kế và vật liệu xây dựng. Cùng chung hướng suy nghĩ này, KTS Nguyễn Đình Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội (UAC), Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội bày tỏ: ngay cả với khía cạnh “kiến trúc xanh” vốn đang là một xu hướng nóng ở Việt Nam, thì “thế giới đã đi được những bước tiến quá dài so với ta, và giờ, họ nghĩ đến kiến trúc xanh khác hẳn ta. Ta thì mới tính đến tiết kiệm triệt để, đến phủ cây xanh quanh nhà, còn người châu Âu thì đã tính đến hàm lượng xạ hiếm trong từng viên gạch”. Cũng theo ông Thanh, người Nhật còn đã tính đến làm pin năng lượng mặt trời ngay trong từng công trình dân sinh như nhà ở, để khi chủ nhân đi vắng, không sử dụng, lượng điện được sản xuất ra sẽ hòa vào lưới điện quốc gia và chủ nhà sẽ được trả tiền... Trong bối cảnh phát triển mới của đất nước, hướng tư duy kiến trúc gói gọn trong các công trình dân sinh nhỏ và vừa như kiến trúc truyền thống Việt Nam hẳn nhiên vẫn còn phù hợp. Song bên cạnh đó, việc nâng tầm tư duy và triết lý kiến trúc lên những tầng mức mới, đáp ứng được yêu cầu của các đại công trình hiện đại, hòa nhập với dòng chảy chung của kiến trúc thế giới là cách thức để giới kiến trúc Việt Nam có thể giành lại được vị thế trên chính sân nhà của mình. Như một kiến trúc sư tên tuổi khác từng chia sẻ với người viết bài trong một cuộc trò chuyện qua email, đại ý: để chứng tỏ tài năng “không thua kém ai” so với thế giới, KTS Việt Nam hãy dám khẳng định mình ngang tài ngang sức với đồng nghiệp nước ngoài bằng cách chủ động và tích cực “thi thố, thể hiện tài năng bản thân và giành chiến thắng, ngay trên đất nước họ”. Nhìn lại lịch sử kiến trúc Việt Nam, bên cạnh những công trình kiến trúc do người Pháp để lại ở những thành phố lớn mà nay vừa vẫn là biểu tượng văn hóa vừa là di sản văn hóa của đất nước, vẫn còn đây đó những công trình ghi dấu ấn cá nhân các KTS Việt Nam tài danh. Như KTS Võ Đức Diên và Nguyễn Xuân Tùng với nhà Thủy Tọa bên Hồ Gươm (từ năm 1937) và nay vẫn còn nguyên vẹn; KTS Ngô Huy Quỳnh với Quy hoạch Hà Nội từ năm 1955, có sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô; KTS Ngô Viết Thụ với tòa nhà Dinh Độc Lập, hiện được xếp vào hạng mục di tích quốc gia đặc biệt... Hy vọng rằng, sau những biến cố ngoại cảnh vì chiến tranh cũng như nhiều vấn đề lịch sử xã hội khác, trong thời đại toàn cầu hội nhập như hiện nay, đã đến lúc giới kiến trúc trong nước phát huy nội lực sáng tạo của mình, biến mọi rào cản ngoại cảnh thành động lực để có thể hội nhập thành công. Trong danh mục 16 giải thưởng kiến trúc tầm cỡ quốc tế, có lịch sử lâu đời nhất từ năm 1907 là AIA Gold Medal của Viện các kiến trúc sư Hoa Kỳ (American Institute of Architects) và nổi bật nhất là Pritzker Architecture Prize, được xem như giải Nobel trong lĩnh vực kiến trúc. Việt Nam chưa từng có KTS nào giành được hai giải này. Tuổi đời trẻ nhất trong hệ thống này là WAF (World Architecture Festival) có từ năm 2008. Đây cũng là giải thưởng vinh danh khá nhiều KTS Việt Nam, kể từ khi chuyển địa điểm trao giải từ Madrid về Singapore, năm 2012.Việc nâng tầm tư duy và triết lý kiến trúc lên những tầng mức mới, đáp ứng được yêu cầu của các đại công trình hiện đại, hòa nhập với dòng chảy chung của kiến trúc thế giới là cách thức để giới kiến trúc Việt Nam có thể giành lại được vị thế trên chính sân nhà của mình.

(Theo Nhân dân)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022