Ở tuổi mẫu giáo (3-6 tuổi) cho tới hết tiểu học (khoảng 10 tuổi), thì hoạt động vui chơi của bé vẫn chiếm thời gian tương đối lớn, và gắn liền với đồ chơi. Bên cạnh đó bé thường xuyên có những món đồ lưu niệm trang trí, những quà tặng có thể là đồ chơi, cũng có thể chỉ để trưng bày. Vì vậy, bé rất cần nơi để cất giữ cũng như trưng bày những thứ đồ đó.

ke_do_cho_be_05.jpg
Hệ thống kệ để đồ được thiết kế nhằm xử lý cột lồi ra ở góc phòng một cách khéo léo. Do độ sâu hạn chế nên kệ được thiết kế cao để tận dụng chỗ chứa. Việc bỏ ván hậu ở các ô trống làm cho bức tường như vẫn liền mạch.

Kệ đồ cho bé cần được tính toán trước trong việc bố trí mặt bằng nội thất và thường được thiết kế đồng bộ với các đồ đạc khác như giường, tủ… để đảm bảo tính thống nhất, thẩm mỹ cũng như tiện dụng. Trong một số trường hợp, có thể việc kê sắp kệ đồ là phát sinh do nhu cầu của bé, thì cũng cần tính toán trước vị trí, kiểu dáng, cơ cấu của chúng. Kệ đồ cho bé – nhìn chung không phải là một cái kho chứa đồ, cũng không hẳn là kiểu tủ trưng bày sản phẩm. Việc tổ chức không gian nội thất liên quan tới kệ và thiết kế kệ đồ cần căn cứ vào nhiều yếu tố và có nhiều điểm cần lưu ý:

- Căn cứ vào hình dáng, cấu trúc căn phòng, các đặc điểm khác của căn phòng như tuyến giao thông, vị trí cửa đi, cửa sổ, vị trí giường ngủ, bàn học… để bố trí phù hợp.

- Cần khai thác những điểm bất bình thường của căn phòng để kết hợp làm kệ; có thể tận dụng, hoặc che đi khiếm khuyết kiến trúc căn phòng.

- Trong hệ thống kệ đồ nói chung, cần có những ô hộc kín (kiểu ngăn tủ có cánh, ngăn kéo) và những ô hở để trưng bày và dễ lấy đồ hay chơi/ sử dụng. Kích thước các ô hộc phải linh hoạt để có thể đặt/để nhiều đồ có kích thước khác nhau. Có những thứ đồ như thú bông có kích thước rất lớn, nhưng cũng có những thứ đồ rất nhỏ.

- Tay nắm các mặt cánh, mặt ngăn kéo nên sử dụng tay nắm âm, núm tròn, hoặc tay nắm khấu vào mặt gỗ, tránh các loại tay nắm lồi ra nhiều, hoặc có mũi nhô hai phía; dễ gây nguy hiểm cho trẻ.

- Chiều cao, cấu tạo của kệ đồ phải phù hợp với thể trạng, chiều cao của bé; dễ dàng tiếp cận, lấy đồ một cách an toàn - nhất là nơi để đồ chơi, dụng cụ bé hay lấy ra cất vào thường xuyên.

ke_do_cho_be_08.jpg

- Nên phân tán kệ đồ ra nhiều nơi (kết hợp linh hoạt với các đồ nội thất khác) để tiện cho việc sinh hoạt, học tập, vui chơi của bé. Ví dụ như kệ gần giường cho bé để thú bông, búp bê…; kệ gần bàn học cho bé để dụng cụ học tập, bút màu, bảng vẽ, địa cầu… kệ gần chỗ trống trên sàn (không gian chơi) cho bé để các đồ chơi, đồ điện tử…

- Cần có một nơi “trang trọng”, dễ nhìn, để cho bé đặt, bày các thứ đồ yêu thích có ý nghĩa mang tính trưng bày như khung ảnh, đồng hồ để bàn, các sản phẩm thủ công do bé tạo ra.

- Việc tổ chức bố trí các kệ đồ cho bé nên vừa phải, tránh tràn lan (kể cả khi có điều kiện về diện tích) để cho bé có ý thức sắp xếp gọn gàng, tránh việc kệ đồ trở thành cái kho chứa thuần túy.

- Với những kệ đồ kết hợp để cả sách vở, hoặc tương lai sẽ sử dụng như một giá sách, cần tham khảo trước kích thước các loại sách vở chính mà bé sẽ sử dụng học tập để thiết kế độ sâu và chiều cao ngăn cho phù hợp, tránh việc thiếu hụt kích thước hoặc thừa nhiều gây lãng phí.

Kệ đồ trong phòng bé rất cần thiết, nhưng trước hết phải ưu tiên công dụng của nó, cần được thiết kế khoa học, hợp lý, thuận tiện, an toàn cho việc sử dụng; rồi sau đó mới đến chức năng trang trí./.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022