Điều này khiến nhiều khách hàng băn khoăn đặt câu hỏi: Với những người đã chi tiền mua bảo hiểm Covid-19, quyền lợi của họ được đảm bảo như thế nào?
Grab và be trong 15 ngày cách ly: Tạm ngừng xe 4 bánh; giao đồ ăn, giao hàng, đi chợ hộ vẫn hoạt độngĐọc ngay
Trao đổi với VTC News, Ông Vũ Văn Thắng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm PVI cho biết: "Đối với các hợp đồng bảo hiểm Corona+++ đã bán còn hiệu lực thì PVI sẽ vẫn duy trì trách nhiệm bảo hiểm đến khi hết hiệu lực hợp đồng".
Ngoài PVI, nhiều công ty bảo hiểm khác như Mic, VASS, PTI cũng khẳng định, đối với những khách hàng đã mua bảo hiểm này, công ty cam kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm đã được quy định trong hợp đồng/giấy chứng nhận bảo hiểm.
Giám đốc một chi nhánh bảo hiểm PTI ở Hà Nội cũng cho VTC News biết: "Bảo hiểm PTI đã dừng việc bán gói bảo hiểm Anti- Covid theo chỉ thị của Thủ tướng và Bộ Tài chính, thậm chí có những gói bảo hiểm với số lượng lớn chúng tôi đã thoả thuận xong nhưng ký hợp đồng cũng được hủy bỏ. Tuy nhiên, khách hàng hoàn toàn yên tâm vì công ty sẽ thực hiện đầy đủ các quyền lợi bảo hiểm như hợp đồng đã ký”.
Một trong những gói bảo hiểm được các doanh nghiệp bảo hiểm giới thiệu.
Trước ý kiến cho rằng, việc các doanh nghiệp tung các gói sản phẩm bảo hiểm liên quan đến dịch bệnh Covid-19 là "tình huống có thể trục lợi", đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, việc cung cấp các gói bảo hiểm Covid-19 không có ảnh hưởng gì lớn tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm. Doanh thu từ các gói bảo hiểm này chiếm tỷ trọng cực kỳ nhỏ bé trong cơ cấu doanh thu phí bảo hiểm của doanh nghiệp. Người tiêu dùng cần hàng gì, người bán cung cấp ngay được mặt hàng đó, với mức giá phù hợp, đó là cơ hội hai bên cùng có lợi.
“Coi là lợi dụng cơ hội chỉ khi dùng lợi thế của mình chèn ép người mua khi người mua cần; ví dụ giá 1 kg thịt 200.000 đồng, mùa dịch bán lên 300.000 đồng; còn với các gói bảo hiểm Covid, với mức phí chỉ từ 100.000 đến 300.000 đồng và mức chi trả quyền lợi cao nhất lên đến 100 triệu đồng thì tôi thấy mức phí này hoàn toàn hợp lý”, vị này nói.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc dừng bảo hiểm Covid 19 là hợp lý vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh có thể tiềm ẩn rủi ro cho các doanh nghiệp bảo hiểm về khả năng chi trả. Các công ty bảo hiểm nhân thọ có thể chi trả cho trường hợp tử vong do dịch bệnh theo thoả thuận đã ký nhưng tuyệt đối không chi trả cho sản phẩm bổ trợ. Còn đối với các loại hình bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cũng không nên bảo hiểm rủi ro dịch bệnh, vì Chính phủ sẽ là cơ quan gánh chịu các loại chi phí này cho người dân.
Tại cuộc họp thường trực Chính phủ chiều 30/3, trên cơ sở đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu hoặc không triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh Covid-19.
Sau chỉ thị 16/CT-TTg "Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19", Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bệnh Covid-19, Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính Nguyễn Quang Huyền đã có công văn số 3786 yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ quán triệt trong hệ thống, đại lý về việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến Covid-19. Công văn có hiệu lực ngay tại thời điểm ký.