Máy bay đáp xuống sân bay Paro vào lúc 10 giờ sáng (giờ địa phương), trời nắng tuyệt đẹp. Một cảm giác thật dễ chịu và háo hứa khi đến Bhutan – Đất nước Phật Giáo gắn liền với huyền thoại rồng sấm (thunder dragon) và biểu tượng tu viện Tiger’s Nest nằm lưng chừng núi đá linh thiêng, có một không hai.

Đặt chân lên đường băng độc đạo tại sân bay quốc tế Paro, chúng tôi không khỏi cảm thấy thích thú lẫn thở phào nhẹ nhõm bởi đã đến Bhutan – một trong những quốc gia biệt lập nhất nằm ẩn mình ở Himalaya – trong an toàn! Đó là một hành trình hạ cánh có một không hai: máy bay “lách” qua những dãy núi tuyết hùng vỹ của rặng Himalaya rồi từ từ hạ độ cao xuống thung lũng bên bờ một dòng sông ở độ cao 2.235m so với mực nước biển. Xin chào Bhutan xinh đẹp và thanh bình!

bhutan-tim-hanh-phuc-01.jpgSân bay Paro nằm lọt thỏm giữa những dãy núi.bhutan-tim-hanh-phuc-02.jpgBhutan chào đón khách thập phương như chúng tôi bằng bầu không khí mát lạnh và trong lành.

Sân bay Paro khá nhỏ. Khâu nhập cảnh không có gì rắc rối với visa điện tử (eVisa) được công ty du lịch tại Bhutan đăng ký và nhà chức trách chấp thuận (Bhutan có quy định chặt chẽ về số lượng khách đến nhất định hằng năm nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên hệ sinh thái). Chúng tôi hăm hở lên chuyến xe Bhutan Endless Journey đi về Thimphu với khoảng một giờ xe chạy. Giữa đoạn đường quốc lộ Paro – Thimphu dài 23km, chúng tôi ghé thăm một ngôi đền được xây dựng vào thế kỷ 14 nằm trên ngọn núi Tachogang Lhakhang. Tương truyền, đền do vị đại thành tựu Tangtong Gyalpo, một trong những bậc thầy của các giáo lý mật thừa, xây dựng (lúc sinh thời, đức Tangtong Gyalpo cũng xây nhiều cầu sắt trên khắp vùng Tây Tạng và Bhutan, giúp dân chúng đi lại thuận tiện hơn qua những sông suối). Bhutan có rất nhiều tu viện và đền thờ lớn nhỏ mang phong cách Tây Tạng, cổ kính và huyền bí dành cho bạn chiêm ngưỡng, khám phá.

bhutan-tim-hanh-phuc-03.jpg

THỦ ĐÔ ĐẶC SẮC THIMPHU

Thimphu – thủ đô của Bhutan đón chúng tôi bằng bầu không khí mát lạnh và trong lành (nhiệt độ tầm 15 – 26oC). Bạn có thể dễ dàng làm quen với độ cao và khí áp thấp ở Bhutan để thong thả tham quan thủ đô duy nhất trên thế giới không có hệ thống đèn giao thông công cộng. Ngay trung tâm thành phố chỉ có một cột báo giao thông, tạo nên nét đặc trưng độc đáo của thủ đô.

Đến Thimphu, việc đầu tiên du khách nên làm là đảnh lễ tại Buddha Point (Kuensel Phodrang) – nơi có tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng mạ vàng cao 51,5m nằm uy nghi, linh thiêng ngay trên đỉnh núi. Từ đây, chúng tôi có dịp nhìn ngắm toàn cảnh thung lũng Thimphu phủ đầy một màu xanh của cây cối, núi đồi cùng nhiều mái nhà nhấp nhô.

bhutan-tim-hanh-phuc-04.jpgBuddha Point (Kuensel Phodrang) – nơi có tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng mạ vàng cao 51,5m.

Dĩ nhiên, chúng tôi không thể không ghé Đài tưởng niệm Chorten – nơi có tháp sơn trắng tưởng niệm Jigme Dorji Wangchuck (1928 – 1972) – vị vua đời thứ 3 trị vì vương quốc từ năm 1952, được xem là “cha đẻ của Bhutan hiện đại”. Hằng ngày, người dân địa phương đi xung quanh tháp trắng này nhiều vòng, trên tay quay chiếc kinh luân để cầu bình an.

bhutan-tim-hanh-phuc-05.jpgĐài tưởng niệm Chorten – nơi có tháp sơn trắng tưởng niệm vua Jigme Dorji Wangchuck (1928 – 1972).

Nhiều người sẽ ngất ngây bởi nét đẹp truyền thống và hoàn mỹ của tu viện Tashichho Dzong (hay còn gọi là Thimphu Dzong) nằm bên dòng sông Wangchu hiền hòa. Tu viện rộng lớn này được xây dựng từ năm 1641, tái tạo kiến trúc vào giai đoạn 1962 – 1969 và được gìn giữ đến ngày nay bởi vua Jigme Dorji Wangchuck. Nơi đây có trụ sở chính của tăng đoàn nên bạn có thể gặp gỡ nhiều nhà sư khoác áo cà sa đỏ đi trong khuôn viên rộng lớn.

Chúng tôi cũng ghé thăm Bảo tàng Dân Tộc Học (Folk Heritage Museum) để xem nhiều BST hiện vật cổ trong cuộc sống thường ngày cũng như thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của người Bhutan. Vườn hoa trong khuôn viên bảo tàng nở rộ, nhiều loài hoa khoe sắc khiến không gian nên thơ, ấm áp. Trong khi đó, đến với Khu bảo tồn Takin, lần đầu tiên chúng tôi tận mắt trông thấy loài thú Takin có hình thù “mình bò, đầu dê” lạ lẫm mà người Bhutan tin rằng được tạo ra bởi một Đức Lama. Thời gian còn lại ở thủ đô, bạn có thể tự chọn đi xem người Bhutan trong trang phục truyền thống vừa bắn cung vừa múa hát, hoặc ghé Bưu Điện Thimphu để mua bì thư, tiền lưu niệm và đặc biệt là tem dán với dấu đóng kỷ niệm.

bhutan-tim-hanh-phuc-06.jpg

Xem thêm

• 7 lời khuyên giúp bạn bảo vệ thông tin cá nhân khi đi du lịch

• 6 mẹo đóng gói đồ hữu ích cho chuyến du lịch thêm gọn nhẹ và tiện lợi

• 15 thành phố xinh đẹp không thể bỏ qua khi du lịch châu Âu 

ĐẾN CỐ ĐÔ THĂM PHÁO ĐÀI PUNAKHA

Buổi sáng sớm, chúng tôi khởi hành từ Thimphu về phía Nam thung lũng, đi qua ngọn đèo Dochula Pass (cao 3.088m) để đến Punakha. Trong một ngày trời trong xanh, qua cửa kính xe, chúng tôi có thể thấy rặng núi Himalaya hùng vĩ và cả pháo đài Gasa Dzong phía xa nơi chân trời.

Chúng tôi ghé thăm ngôi làng Metshina và cùng nhau đi bộ băng qua cánh đồng lúa khoảng 20 phút để đến ngôi đền Chimi Lhakhang. Người dân địa phương xem đây là ngôi đền linh thiêng, những đôi vợ chồng hiếm muộn đến đây cầu xin sẽ sớm sinh được con.

bhutan-tim-hanh-phuc-07.jpgPunakha Dzong là một trong những pháo đài đẹp nhất Bhutan.bhutan-tim-hanh-phuc-08.jpg

Đến cố đô Bhutan Punakha vào buổi chiều, chúng tôi không khỏi hào hứng trước cơ hội tham quan pháo đài Punakha Dzong – một trong những pháo đài đẹp nhất Bhutan, nằm ở vị trí đắc địa là đoạn tiếp giáp của hai dòng sông Pho Chu (sông Trống) và Mo Chu (sông Mái). Punakha Dzong được xây dựng từ năm 1637, từng là trụ sở của chính quyền Bhutan đầu thế kỷ 20. Đừng quên mượn trang phục truyền thống Bhutan (gho và kira) để chụp hình lưu niệm trước khung cảnh tuyệt đẹp của Punakha Dzong, nhất là vào mùa những hàng cây phượng tím nở rộ xung quanh pháo đài đầy lãng mạn. Chúng tôi nghỉ đêm tại một khách sạn trên đồi cao. Nhìn ngắm toàn cảnh Punakha Dzong từ đây, càng cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp của một kỳ quan giữa thung lũng xanh.

Trên đường từ Punakha về lại Thimphu, xe chạy qua ngả đèo Dochula, nơi có 108 tháp gạch (chorten) – một công trình đặc sắc do hoàng hậu Ashi Dorji Wangmo xây tặng đức vua Jigme Singye Wangchuck. Đây cũng là một địa điểm mang tính biểu tượng mà những ai đến Bhutan rất nên ghé qua. Ngồi nơi khu vực tháp gạch ngắm từng áng mây bay qua những rặng thông xanh chìm nổi, lòng người du khách cảm thấy rất bình an.

bhutan-tim-hanh-phuc-09.jpgbhutan-tim-hanh-phuc-10.jpgTừ dưới thung lũng Paro nhìn lên Tiger’s Nest – tu viện nổi tiếng nhất Bhutan.bhutan-tim-hanh-phuc-11.jpg

Những rừng thông xanh với rất nhiều khu vực treo dây cờ phướn Lungta đủ màu sắc sặc sỡ, in lời kinh cầu, câu thần chú phúc lành… đặc trưng dòng Mật tông Tây Tạng là cảnh tượng bạn lần lượt chứng kiến trên đường leo lên Taktsang. Lâu lâu, những đám mây kéo đến, lững lờ qua những ngọn thông và vách núi đá, khiến không gian thêm phần huyền ảo, làm chúng tôi mang cảm giác lạc vào miền cổ tích nào đó, nơi có cảnh giới thâm trầm, tịch liêu… ngự trị vùng đất thiêng linh này.

Tiger’s Nest xây dựng từ thế kỷ 17 và vẫn sừng sững nơi vách đá giữa lưng chừng núi. Những ai đến được tu viện hẳn là có duyên may được vùng đất này chấp nhận cho một cuộc hành hương tìm về bản ngã và nội tâm của chính mình. Những ngày ở Bhutan, chứng kiến cách sống của người địa phương – rất giản dị, ít áp lực, hướng từ bi, yêu và tận hưởng thiên nhiên, hài lòng và hạnh phúc với những gì họ có, lòng bạn không khỏi tự vấn: “Như thế nào là sống hạnh phúc trong cuộc đời này?”. Người Bhutan có từ “tashi” – nghĩa là hài lòng về những gì mình đang có trong hiện tại để tìm thấy hạnh phúc. Phải chăng, hạnh phúc chính là khi lòng ta không hối tiếc về quá khứ hay âu lo về tương lai. Chúng ta chỉ tận hưởng sự vô ưu bình an ở mỗi phút giây quý giá trong đời. Quả thật, khám phá Bhutan là hành trình tìm về hạnh phúc nội tâm mà bạn khó thể nào quên.

bhutan-tim-hanh-phuc-12.jpgCông trình 108 tháp gạch (chorten) tại đèo Dochula.

• Du lịch là ngành mang lại lợi ích kinh tế nhiều thứ hai ở Bhutan sau thủy điện và là ngành mang lại nhiều công việc nhất cho người bản địa.

• Sau hai năm đóng cửa vì đại dịch COVID-19, Bhutan đón khách du lịch trở lại vương quốc kể từ ngày 23/9/2022 với những quy định cởi mở hơn trước như du khách có thể tự nộp đơn xin thị thực (visa), chi trả chuyến đi thông qua các công ty du lịch có giấy phép được chính phủ ủy quyền, không còn phải thanh toán trước bắt buộc chi phí trọn gói như trước đây.

• Chi phí du lịch Bhutan tầm 200-250 USD/ngày bao gồm ăn ở, đi lại, vé tham quan, hướng dẫn viên chuyên nghiệp, phí phát triển bền vững (SDF)…

• Bhutan nổi tiếng về đông trùng hạ thảo, mật ong, tranh, tượng Phật, tranh Thangka và trang sức. Khu trung tâm Thimpu hay Paro đều có nhiều cửa hàng lưu niệm, tuy nhiên bạn nên trả giá khi mua.

Theo Tạp chí Phái đẹp ELLE

Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
36-head.jpg
Phỏng vấn Koen Olthius của WaterStudio.nl

Kiến trúc sư Koen Olthuis của Waterstudio.nl được Inhabitat đánh giá là kiến trúc sư ngoại lệ, người đi mở Read more

58-head.jpg
Vật liệu trồng cỏ sân để xe

Bạn đã bao giờ muốn trồng cỏ ở khu vực cua xe ô tô vào nhà, nhưng bạn lại không Read more

317-head.jpg
Nhà thông minh của Honeywell lần đầu đến Việt Nam

Hệ thống hoạt động dựa trên web được điều chỉnh theo yêu cầu có khả năng kết nối được với Read more

363-head.jpg
Phỏng vấn Ken Yeang

CNN đã trao đổi với Ken Yeang, kiến trúc sư và cũng là nhà sinh thái học, nguyên lý thiết Read more

Đèn điểm – SCHOTT

Loại đèn này có một tính năng đặc biệt cho phép đèn diode (LED) có thể bố trí và phát Read more

Tác động của những hiển thị tổng hợp cỡ lớn đến Kiến Trúc và Đô Thị

Những phát triển trong công nghệ hiển thị và vật liệu xây dựng đang dẫn đến những hình thức kiến Read more

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022