Studio Contreras Earl Architecture của Australia đã ra mắt thiết kế của mình cho Living Coral Biobank có mặt tiền bằng bê tông điêu khắc được lấy ý tưởng từ san hô. Nằm ở cửa vào Great Barrier Reef ở Port Douglas, Australia, cơ sở này sẽ được dành riêng cho việc bảo tồn san hô trên khắp thế giới.
Thông tin công trình
- Tên công trình: Living Coral Biobank (Tạm dịch: Ngân hàng sinh vật San hô sống)
- Kiến trúc sư: Studio Contreras Earl Architecture
- Vị trí: Port Douglas, Australia
- Diện tích: 6.830 m2
- Đối tác: Arup và Werner Sobek
- Nhà Thầu: Great Barrier Reef Legacy
Living Coral Biobank được những người thiết kế mô tả như một “chiếc hòm sống”, sẽ nhằm mục đích duy trì sự sống và nuôi dưỡng hơn 800 loài san hô cứng trên thế giới.
Contreras Earl Architecture đã lấy ý tưởng thiết kế từ san hô nấm. Điều này được thể hiện trong cấu trúc như một loạt các tấm bê tông thẳng đứng chồng lên nhau kéo dài, xung quanh các cạnh và đỉnh của Biobank ở dạng cong.
Các phần này sẽ gần nhau ở mặt đất để bảo vệ công trình khỏi các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt và mở ra phía trên cùng của tòa nhà để cho phép lượng ánh sáng tự nhiên dồi dào len vào các tầng bên trong.
Được thiết kế bởi Contreras Earl Architecture với sự hợp tác của các nhà tư vấn kỹ thuật và bền vững Arup và Werner Sobek cho tổ chức phi lợi nhuận Great Barrier Reef Legacy, công trình được coi là cơ sở bảo tồn san hô chuyên dụng duy nhất trên thế giới.
Dean Miller, Giám đốc điều hành của Great Barrier Reef Legacy cho biết: “Living Coral Biobank là dự án duy nhất có thể đảm bảo sự đa dạng sinh học sống của các loài san hô trên thế giới ngay lập tức”.
“Để đảm bảo bộ sưu tập sống động vô giá này được lưu giữ vĩnh viễn cho các thế hệ sau, chúng tôi cần cơ sở vật chất tiên tiến nhất thế giới, đồng thời tạo ra trải nghiệm khó quên cho du khách, và đó chính xác là những gì thiết kế này mang lại”.
Quảng trường dẫn vào tòa nhà bốn tầng sẽ là một không gian mở với các màn hình thủy sinh xếp dọc tầng trên có thể nhìn thấy được.
Một bộ cầu thang sẽ dẫn đến tầng thứ hai – một đài quan sát trung tâm, từ đó khách tham quan có thể xem các bể chứa mẫu thí nghiệm nằm trong một không gian được bảo vệ bằng kính bên dưới.
Tòa nhà bảo tồn rộng 6.830 mét vuông cũng sẽ có các không gian triển lãm, một khán phòng, một không gian chức năng 200 người và các phòng học.
Những người sáng lập Contreras Earl Architecture là Monica Earl và Rafael Contreras muốn cấu hình đa cấp của nội thất để mô phỏng các độ sâu khác nhau của biển.
Earl chia sẻ:“Thời thơ ấu của tôi ở Cairns và việc được tự do khám phá vẻ đẹp của đại dương cũng như những kỳ quan của Great Barrier Reef đã có tác động sâu sắc đến tôi với tư cách là một KTS”.
“Đó là một phần hình thành tham vọng tạo ra kiến trúc tương tác với tự nhiên theo những cách cộng sinh và bổ sung mà không gây hại đến môi trường”.
Living Coral Biobank sẽ hướng tới mục tiêu bền vững hơn bằng cách tự sản xuất điện từ các tấm pin mặt trời.
Contreras nói: “Dự án này mang trong mình trách nhiệm sâu sắc xem xét tác động của kiến trúc và ngành xây dựng đối với thế giới tự nhiên”.
“Là một trong những ngành góp phần lớn nhất trên thế giới về lượng khí thải CO2 và biến đổi khí hậu liên quan, điều cần thiết là ngành xây dựng phải được các KTS khuyến khích theo hướng trung hòa carbon”.
Ông nói tiếp: “Living Coral Biobank là một cơ hội để thiết lập một tiêu chuẩn toàn cầu cho các kết quả bền vững và mục tiêu không carbon cũng như tạo ra một cơ sở bảo tồn và giáo dục hàng đầu thế giới”.
“Tham vọng cho dự án này là tạo ra một ngọn hải đăng cho nhận thức về môi trường”
Contreras Earl Architecture được Earl và Contreras thành lập vào năm 2016, có trụ sở tại Sydney, Úc.
Các dự án khác trong khu vực bao gồm một nhà kính dưới nước dưới đáy biển ngoài khơi bờ biển Australia, có mục tiêu tương tự là hỗ trợ sinh vật biển.
Xem thêm hình ảnh:
Biên dịch | Hương Lan (Nguồn: Dezeen)
XEM THÊM:
- Khu trưng bày nghệ thuật công cộng khổng lồ đầu tiên trên thế giới được xây dựng bằng kính phản chiếu
- Thư viện Tổng thống Theodore Roosevelt nổi bật với mái cong khổng lồ
- Bosjes Chapel – Đường cong mềm mại giữa núi rừng Nam Phi | Steyn Studio